09/01/2012 09:24 GMT+7

Những vùng đất mang tên Rồng

 CÔN GIANG
 CÔN GIANG

ATX - Dân tộc ta từ ngàn xưa đã tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên. Bởi vậy, hình tượng con rồng đã trở thành quen thuộc trong đời sống tâm linh của con người. Ông cha ta đã lấy chữ Long hoặc chữ Rồng để đặt tên sông, tên núi, tên đất đai, hồ biển dưới dạng từ Hán Việt hay tên Nôm.

KnWGKdsB.jpgPhóng to
Một góc vịnh Hạ Long - Ảnh: new7wonders.com

Vùng đất mang tên rồng thuộc loại xưa nhất ở nước ta có lẽ là đất Long Đỗ tức Hà Nội ngày nay. Long Đỗ có nghĩa là bụng, là rốn con rồng. Phía bên kia sông Hồng là đất Long Biên.

Đến thời nhà Lý, Lý Công Uẩn vừa mới lên ngôi, sáng lập nhà Lý đã ban chiếu dời đô, chuyển từ Hoa Lư về đất Thăng Long, có nghĩa rồng bay lên. Thăng Long gắn liền với biết bao chiến công hiển hách của tổ tiên ta và đất Thăng Long cũng là đất ngàn năm văn vật tiêu biểu cho nền văn minh Đại Việt.

Xa hơn về phía tây, có núi và sông Long Môn, thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Sông Long Môn là một đoạn ngắn của sông Đà chảy qua chợ Bờ có núi Long Môn chắn ngang dòng nước. Sách Đại Thanh nhất thống chí chép: “Sông này có nhiều cá anh vũ, thân cá màu xanh biếc, còn miệng thì đỏ như mỏ chim anh vũ, tương truyền giống cá này hóa rồng”. Tục truyền ngày xưa cá vượt vũ môn hóa rồng là ở tại đây.

Đi xa hơn về hướng đông, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng có bán đảo Đồ Sơn, nơi nghỉ mát nổi tiếng. Ở đây có dãy núi chạy ra biển, nhấp nhô như rồng uốn khúc nên được đặt tên là Cửu Long Sơn (núi chín rồng). Từ Đồ Sơn nhìn ra vịnh Bắc bộ có đảo Long Châu, trên đỉnh núi có ngọn hải đăng soi đường cho tàu bè ra vào cảng Hải Phòng. Và xa hơn nữa về hướng đông nam, cách Đồ Sơn 10km là đảo Bạch Long Vĩ (đuôi con rồng trắng). Phải chăng đây là con rồng lạc đàn? Vì theo truyền thuyết, vịnh Hạ Long và Bái Tử Long xưa là nơi rồng mẹ và rồng con hạ giới để giúp nhân dân ta đánh giặc giữ nước. Hạ Long có nghĩa là rồng xuống, Bái Tử Long có nghĩa là rồng con bái lạy rồng mẹ. Giữa vịnh Hạ Long có đảo Phù Long, tức rồng nổi, ngày nay gọi đảo Cát Bà.

Ngược lên vùng cao Việt Bắc có núi Tụ Long ở Tuyên Quang chứa nhiều đồng và đá nam châm. Nhiều ngọn núi liên tiếp chầu về giống như một đàn rồng nên núi có tên là Tụ Long.

Ở Ninh Bình có núi Long Triều, còn gọi là Mã Yên Sơn. Dưới chân núi có đền vua Đinh và đền vua Lê. Ninh Bình còn có sông Hoàng Long (rồng vàng), gắn liền với sự tích Đinh Bộ Lĩnh chơi cờ lau tập trận, mổ trâu khao quân bị ông chú rượt đuổi đến bờ sông, may có rồng vàng hiện ra đưa sang bên kia bờ an toàn. Tên sông Hoàng Long có từ đó.

Ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có núi Long Đọi. Đây là quả núi gắn liền với lịch sử. Thuở xưa, vua Lê Đại Hành cùng các quan đến đây cày ruộng tịch điền vào dịp đầu xuân để mở đầu cho công việc đồng áng.

Thanh Hóa nổi danh với núi Hàm Rồng thời đánh Mỹ cứu nước. Núi toàn sa thạch, đứng sừng sững, hiên ngang trên bờ sông Mã. Thuở xưa vua Lê Thánh Tông có đến đây ngoạn cảnh, làm thơ cho khắc vào đá núi.

Xa hơn về phía nam, ở huyện Tĩnh Gia có núi Long Cương, hình dáng núi tròn và đẹp đẽ như mày ngài nên còn gọi là Nga Mi Sơn. Thuở xưa Đào Duy Từ dựng nhà đọc sách ở trên núi để làm khúc Long cương vãn bày tỏ chí khí, sau người ta nhân đó mà đặt tên cho núi là Long Cương.

Ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có mạch núi từ Đại Hoạch dẫn về rồi vọt lên cao như đầu rồng nên gọi là núi Đầu Rồng. Ở huyện Quỳnh Lưu có núi Long Sơn (núi rồng), vách đá dựng đứng, hang sâu thăm thẳm.

Ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có núi Long Mã Phụ Đồ, hai ngọn liền nhau, ngọn đằng trước nhô cao như đầu ngựa, ngọn phía sau bằng phẳng như thân ngựa mang đồ thư.

Ở Quảng Bình có núi Long Tị, nghĩa là mũi rồng. Núi toàn đá giống cái mũi con rồng. Ở phía nam, trên dòng sông Gianh có bãi cát mang tên bãi Rồng. Thuở xưa, Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành đã dừng ở đây.

Ở Thừa Thiên - Huế có núi Kim Long, dáng núi thanh thoát, nên thơ, là phên giậu của kinh thành.

Ở Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức có ba ngọn núi mang tên Rồng: Long Phụng, Long Cốt và Lạc Long. Ở huyện Bình Sơn có núi Đầu Rồng tức “Long đầu hí thủy”, là một trong Quảng Ngãi thập cảnh. "Long đầu hí thủy" có nghĩa là đầu rồng giỡn nước.

Gia Lai cũng có núi Hàm Rồng nằm ở tây nam thành phố Pleiku, là một thắng cảnh ở Tây nguyên.

Ở Bình Định có núi Hàm Long, còn gọi là Úc Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 8km về hướng bắc. Nơi đây từng là bãi chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Gia Định của Nguyễn Ánh.

Đất Bà Rịa còn có tên “Cửu long thập phước”, nhưng địa danh nổi tiếng hơn cả là Long Hải, một bãi biển đẹp và hấp dẫn đối với khách nhàn du. Lại còn có các địa danh Long Sơn, Long Điền, Long Đất...

Ở Biên Hòa (Đồng Nai) có núi Bửu Long, trên đỉnh có chùa Bửu Phong, có Long đầu thạch động, có Hàm Rồng, Hàm Hổ. Gần núi Bửu Long có hồ Long Ẩn và Long Vân, được xem như một tiểu Hạ Long ở Nam bộ.

Sông Đồng Nai ngày xưa còn mang tên Phước Long Giang, còn đất Biên Hòa là huyện Phước Long thời Nguyễn Sơ, thuộc Gia Định thành.

Miền Tây Nam bộ cũng có nhiều địa danh mang tên rồng như Cù Lao Rồng (Tiền Giang), Long Hồ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Long Mỹ (Cần Thơ)...

Cửu Long Giang là tên gọi của đoạn hạ lưu sông Mekong. Sông Cửu Long gồm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu đổ nước ra biển Đông bằng chín cửa.

Ở Nam bộ còn tồn tại một số địa danh mang thành tố “luông” như sông Hàm Luông, Mỹ Luông, Bạch Bà Luông, Vũng Luông (tỉnh Bến Tre). Người địa phương cho biết cách đọc chệch từ âm Long mà thành do kiêng húy vua Gia Long.

Trên đây chỉ nêu ra một số địa danh, sông núi tiêu biểu mang từ Long hay Rồng. Nếu kể ra cho hết, chắc sẽ còn nhiều lắm.

70VmjXfl.jpgPhóng to

Áo Trắng Xuân Nhâm Thìn 2012 ra ngày 26/12/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 CÔN GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên