17/11/2017 15:50 GMT+7

Tín dụng đen thách thức pháp luật

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Có một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay, đó là tuy có nhiều trường hợp tan cửa nát nhà vì tín dụng đen nhưng không có bao nhiêu người cho vay lãi nặng bị xử lý theo pháp luật.

Tín dụng đen thách thức pháp luật - Ảnh 1.

Vay 150 triệu đồng với lãi suất cao ngất nên phải gánh nợ gần 2 tỉ đồng và đang hết sức bất an với những tin nhắn đe dọa cùng với việc có người thường xuyên đập cửa hăm dọa, tạt sơn, tạt mắm tôm vào nhà... 

Từ chỗ không trả nổi nợ khiến tiền lãi bị cộng dồn vào tiền gốc, người vay bị chủ nợ ép ký nhận một số tiền được cho là tiền cọc bán nhà để rồi có nguy cơ mất nhà.

Tình cảnh đáng thương này của một gia đình ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM (bài "Kiệt quệ vì vay nóng") là một đơn cử về nỗi khốn khổ của những nạn nhân bị rơi vào vòng xoáy vay nóng.

Luật chưa cụ thể, các "trùm" đối phó

"Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...". 

Căn cứ vào khoản 1 điều 468 này của Bộ luật dân sự năm 2015 thì mức lãi suất lên đến 20%/tháng mà gia đình trên phải trả cho khoản vay của mình là gấp hơn 11 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định! 

Vậy chủ nợ đó có bị xử lý hành vi cho vay lãi nặng hay vẫn nhởn nhơ như nhiều chủ nợ khác đã, đang cho vay "cắt cổ" với mức lãi suất xấp xỉ, thậm chí là cao hơn thế nữa?

Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội cho vay lãi nặng như sau: "Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm...". 

Như vậy, không phải cứ cho vay với lãi suất cao từ 10 lần trở lên là có dấu hiệu phạm tội, mà người đó còn phải "có tính chất chuyên bóc lột".

Điều đáng nói là dấu hiệu "có tính chất chuyên bóc lột" lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể. 

Qua thực tiễn xét xử, dấu hiệu này được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. 

Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Chính từ đòi hỏi đầy định tính như thế của điều luật mà không có nhiều người cho vay lãi nặng bị xử tội. 

Ngay từ đầu, nhiều "trùm" cho vay lãi nặng đã chủ động đối phó với các cơ quan công an bằng cách mở cơ sở kinh doanh, buôn bán để thể hiện mình có thu nhập khác chứ không phải chỉ sống nhờ vào tiền lãi. 

Đồng thời, đa số việc cho vay mượn đều được các "trùm" thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ thì cũng chỉ ghi số tiền vay chứ không ghi lãi suất. Với chiêu này, nếu không sợ giang hồ "xử" để mạnh dạn đi thưa thì người vay cũng không có đủ chứng cứ tố giác. 

Từ các lý do này, nếu các cơ quan công an không quyết tâm điều tra phá án thì không thể có đủ chứng cứ chứng minh để kết tội nhiều "trùm".

Kỳ vọng ở quy định mới

Có một thông tin cần được ghi nhận là Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực ngày 1-1-2018) đã có những quy định rõ ràng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. 

Điều 201 bộ luật này quy định: "Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng... thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm".

Mong là những thay đổi tích cực trên của luật pháp sẽ giúp các cơ quan tố tụng triệt hạ được tín dụng đen dễ dàng hơn. 

Để qua đó, không chỉ những gia đình có liên quan mà cả xã hội đỡ phải gánh các hậu quả khôn lường do loại tội phạm cho vay lãi nặng có mối liên hệ khá nguy hiểm với hàng loạt loại tội phạm khác như: gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích...

Tạo kênh vay vốn cho người nghèo

Hiện nay tín dụng đen phát triển rất mạnh. Loại hình này nhắm đến những người nghèo, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nào đó nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Khu vực cho vay nóng chủ yếu là vùng nông thôn, chợ, người buôn bán nhỏ ở thành thị...

Hiện nhu cầu vay vốn của nhóm người này rất lớn, trong khi đang thiếu vắng các tổ chức tài chính có khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của những người dân nghèo.

Ở nước ngoài có nhiều hội đoàn không chỉ đảm nhiệm chức năng của tổ chức xã hội mà còn có thể đứng ra bảo lãnh cho các thành viên vay vốn khi khó khăn.

Do am hiểu về người vay, khi các tổ chức này đứng ra bảo lãnh thì tạo được sự tin tưởng của các tổ chức cho vay.

Trong điều kiện hiện nay, theo tôi, cần phát triển các hình thức này để có thể là nơi người dân tìm đến khi khó khăn, tránh vướng vào tín dụng đen để rồi sau đó mất nhà cửa.

Chuyên gia Bùi Quang Tín

Phần lớn chỉ giải quyết dân sự

Với câu hỏi "Có phát hiện nhiều trường hợp mua bán nhà thực chất là gán nợ cho tín dụng đen?", nhiều công chứng viên ở TP.HCM cho biết: "Thấy kiểu của bên bán là nhận ra liền!".

Tuy nhiên, công chứng viên chỉ có thể lưu ý nhiều lần với chủ nhà "ký bán là không còn nhà" để họ có thêm sự cân nhắc chứ không thể cấp báo gì với cơ quan công an do không có chứng cứ.

Một số thẩm phán cho biết họ đã kỳ công lật tẩy nhiều hợp đồng mua bán nhà mà người bán bị ép bán nhà và có thể là nạn nhân của vay lãi nặng.

Có điều, kết quả giải quyết cũng chỉ dừng lại ở chỗ ra bản án dân sự tuyên hủy hợp đồng do vô hiệu để chủ nhà nhận lại nhà đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

B.T.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên