11/08/2010 08:24 GMT+7

Tín dụng đen ở Nha Trang

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Hoạt động tín dụng “đen”, đòi nợ thuê, bảo kê... ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn tồn tại như một tảng băng ngầm khiến dư luận hết sức lo lắng, đồng thời đang là hồi chuông báo động nạn giang hồ hồi sinh trên “lãnh địa” của Phạm Chí Tin, Hà “Lê”, Hạnh “Nhật”, Ánh “Phú”... thuở nào.

ao8EvIu2.jpgPhóng to

Ánh “Phú” (ngồi) tại phiên tòa ngày 27-3-2009 bị TAND TP Nha Trang xét xử ba tội danh: cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích - Ảnh: P.S.N.

Đầu tháng 8, Công an TP Nha Trang thụ lý hai vụ bắt giữ người trái pháp luật, đòi nợ thuê. Vụ thứ nhất, nạn nhân vay từ tín dụng “đen” 600 triệu đồng với lãi suất cắt cổ, đến khi không còn khả năng trả lãi thì số tiền nợ đã lên đến 1,2 tỉ đồng. Sau nhiều lần “nhắn nhủ” mà con nợ làm ngơ, phía chủ nợ cho người bắt trói nạn nhân, đưa về nhà tra tấn, đánh đập.

Vụ thứ hai, một người ở Nha Trang vay tiền nuôi tôm không có tiền trả nợ đã bị côn đồ đến bắt đưa đi tra khảo, hiện Công an TP Nha Trang đang củng cố hồ sơ để xử lý.

“Vòi bạch tuộc”

Tiền quy ra... thẹo

Giới cho vay ở Nha Trang thường nhắc đến cha con C. “mát”, T. “bo” với thái độ kiêng dè vì cách hành xử không nương tay đối với con nợ. Tính T. “bo” lạnh lùng, nói là làm. “Phương châm” đòi nợ của T. “bo” là “quy tiền ra... thẹo”. Trong một lần trà dư tửu hậu, T. “bo” cho biết xưa nay chưa có ai dám quỵt nợ anh ta mà sống yên ổn. Con nợ có chạy vào Sài Gòn hay qua Campuchia cũng không thoát vì đàn em của T. “bo” có mặt khắp mọi nơi.

Chiều 28-7, có tin cho biết T. “bo” mang 17 đàn em vào Cam Ranh thu nợ. Thường thì việc này T. “bo” giao đàn em nhưng đây là con nợ khó đòi nên đích thân đi. Con nợ khóc lóc xin ba ngày trả đủ. T. “bo” gằn giọng: “Đến ngày đó không trả tao lấy hai ngón tay của mày và sẽ lấy nữa nếu tiếp tục chậm trễ”.

Ở Nha Trang, khu vực chợ Đầm được xem là mảnh đất màu mỡ của tín dụng “đen”. Trước đây, chi phối khu vực này là B. “ủi”. Sau khi B. “ủi” đi trại về tội tổ chức đánh bạc, D. “lò heo” nhảy vào “tiếp quản”. Các chủ sạp buôn bán ở chợ Đầm phải vay bạc 12, 15 (20-50%) của D. “lò heo”. Chia “thị phần” với D. “lò heo” là T. “nam”. “Cắt cổ” con nợ được bao nhiêu T. “nam” nướng hết vào cá độ. Nghe đâu năm 2009, T. “nam” thua cá độ trên 3 tỉ đồng phải bán ba chiếc ôtô.

Tín dụng “đen” ở Nha Trang vươn vòi khá sâu vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bia ôm, vũ trường, quán bar. Các chủ đường dây chăn dắt gái, quản lý đào đứng ra cho vay với lãi suất cắt cổ. Khu Bình Tân có B. “canh”. Dọc Lê Hồng Phong có B. “bò”, T. “toại”. Còn H. “bô” “cai quản” tuyến đường 2-4. Sang khu Lạc Long Quân có “đại ca” H.. T. “siđa” cát cứ khu vực Phương Sài...

Tuy nhiên, ở Nha Trang không ai qua Đ. “lạnh” và B. “con” về khoản cho vay nặng lãi. Sau khi mãn hạn tù về tội cố ý gây thương tích, Đ. “lạnh” kinh doanh hai nhà hàng, karaoke trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và Ngô Gia Tự, đồng thời kiêm luôn cho vay góp, đòi nợ, chăn dắt gái.

Dưới trướng Đ. “lạnh” có một số đàn em sẵn sàng đâm chém nếu con nợ chây ì. B. “con” thì mở hai điểm “ăn chơi trọn gói” trên đường Bùi Thị Xuân và Tô Hiến Thành. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính là khai thác mảng tín dụng “đen”. Ngoài ra B. “con” còn đứng ra lo đáo hạn ngân hàng cho giới làm ăn ở Nha Trang.

Gặp một “đại ca”

Thông qua một vài mối quan hệ ở Nha Trang, chúng tôi có một cái hẹn với “đại ca” T. “bo”. Trước đây T. “bo” tham gia tín dụng “đen” ở Sài Gòn. Năm 2005, T. “bo” về Nha Trang gầy dựng “cơ đồ” và nhanh chóng trở thành một trong những côn đồ khét tiếng.

Hằng ngày T. “bo” rời nhà lúc 12g. Sau khi ăn, T. “bo” ngồi quán cà phê chỉ đạo đàn em đi lấy tiền góp, tiền lãi. Chiều, T. “bo” gặp gỡ các “đồng nghiệp” ở quán nhậu, karaoke, massage... Đêm, sau khi tổng kết tiền bạc trong ngày, T. “bo” cùng một vài đàn em thân tín ra vũ trường, quán bar đốt tiền.

21g ngày 28-7, tôi và M. (dân cá độ chuyên nghiệp) đến một quán bên kia cầu Trần Phú để gặp T. “bo”. M. vừa mở miệng “có chuyện cần giúp đỡ”, giọng T. “bo” lạnh băng: “Xử thằng nào cứ nói”. M. quay sang chúng tôi giới thiệu: “Có ông anh ở Sài Gòn muốn vào một chân làm ăn ở đây”.

Sau vài chiêu thăm dò, T. “bo” cởi mở: “Muốn làm ăn phải có người đỡ đầu, nếu không sẽ bị dập ngay. Riêng khoản này tui hứa sẽ chuyển mối làm ăn và bảo kê cho ông anh”. T. “bo” còn gợi ý hùn vốn mở nhà hàng, karaoke ôm khép kín với điều kiện phải để băng T. “bo” bảo kê.

Ngay lúc đó có một con nợ tìm đến tận bàn nhậu để trả tiền góp. Theo T. “bo”, người phụ nữ này thua độ trong đợt World Cup, cầm chiếc Attila vay bạc 14 (40%). Con nợ vừa đi thì một thanh niên cưỡi xế hộp đến cắm 200 “chai”. T. “bo” gọi đàn em đem tiền đến và lái xe về nhà. T. “bo” cho biết con nợ của mình thuộc nhiều giới, từ công chức nhà nước đến mấy em ở vũ trường, quán bar.

Đang nhậu thì điện thoại của đàn em réo gọi, T. “bo” quát: “ĐM, không trả thì lấy thẹo nó”. Vài phút sau, một đàn em báo có con nợ lèng èng không chịu trả, “xử sao đại ca?”. T. “bo” chỉ đạo: “Lấy thẹo”. Quay qua chúng tôi, T. “bo” nhếch mép: “Chắc tối nay thằng đó đứt nhượng”.

Trở lại chuyện “làm ăn”, T. “bo” cho biết sẽ đứng ra tập hợp một “đại hội” để chúng tôi ra mắt. T. “bo” còn hứa: “Thằng nào đụng đến ông anh là tui ra mặt”. Ngà say, T. “bo” rỉ tai: “Riêng thằng này chỉ chơi hàng nóng. Xốn mắt thằng nào là rút ra làm cái đùng là xong, không cần phải chặt chém chi cho mỏi tay”.

Khó chứng minh tội phạm

Theo tài liệu, năm 2006, Ánh “Phú” (Trần Thị Hoàng Ánh) bị Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an bắt giữ trong đợt truy quét các băng nhóm tội phạm ở Nha Trang. Qua sáu lần trả hồ sơ, ngày 24-3-2009, phiên tòa xét xử Ánh “Phú” (lần thứ 4) mới diễn ra trọn vẹn. Tòa tuyên phạt Ánh “Phú” 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản,

3 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích và 1 năm tù về tội cho vay nặng lãi. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày

13-10-2009, TAND tỉnh Khánh Hòa sửa một phần bản án, tuyên miễn hình phạt tù Ánh “Phú” về tội cho vay nặng lãi. Dư luận cho rằng mức án dành cho Ánh “Phú” không tương xứng với tội trạng mà bị cáo đã gây ra.

Năm 2006 Ánh “Phú” còn bị Công an Khánh Hòa khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ Hạnh “Nhật” cùng đàn em chém anh Phạm Anh Duy bị thương tật 43%. Theo điều tra, Ánh “Phú” là người đã bàn bạc, chi tiền cho Hạnh “Nhật” chỉ đạo đàn em thực hiện vụ chém mướn trên.

Trong hai phiên tòa diễn ra cuối năm 2007, TAND TP Nha Trang trả hồ sơ vì đàn em Ánh “Phú” phản cung, cho rằng những lời khai trước đây nói Ánh “Phú” thuê chém anh Duy là không đúng sự thật. Sau khi điều tra bổ sung, Viện KSND TP Nha Trang ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Ánh “Phú” vì không đủ chứng cứ. Ánh “Phú” thoát tội.

Một nhân vật khác từng làm... khổ các cơ quan tố tụng là Nguyễn Thị Mỹ Linh (Sơn Linh). Đại úy Nguyễn Sỹ Hân, đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Nha Trang, kể: “Năm 2003, hàng chục hộ dân ở Hòn Rớ (Phước Đồng) tố cáo bà Linh có hành vi cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt nhà. Qua xác minh, Công an TP Nha Trang đã khởi tố bà Linh về tội “cho vay nặng lãi” và “hủy hoại tài sản”.

Lúc đó, UBND TP Nha Trang chỉ đạo các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm vụ này. Kết thúc điều tra, Công an TP Nha Trang đề nghị Viện KSND TP Nha Trang truy tố Linh”. Ngày 15-8-2008, TAND TP Nha Trang đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau nhiều lần trả hồ sơ, cả ba cơ quan tố tụng của TP Nha Trang đành bó tay trong hành trình chứng minh tội phạm của Linh nên ra quyết định đình chỉ vụ án.

Trao đổi về vụ này, ông Nguyễn Thuận - phó viện trưởng Viện KSND TP Nha Trang - cho biết về tội danh “hủy hoại tài sản”, theo quy định mới mức thiệt hại phải từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý, trong khi đó thiệt hại của vụ này chỉ 538.000 đồng. Riêng tội “cho vay nặng lãi”, do cơ quan điều tra không thu được chứng cứ về mức lãi suất cho vay nên không có cơ sở xử lý.

Thượng tá Đặng Văn Tân - phó trưởng Công an TP Nha Trang - cho biết nạn cho vay nặng lãi ở Nha Trang chắc chắn là có nhưng hoạt động kín đáo, các bên tự thỏa thuận với nhau. Chỉ khi nào bể nợ, nạn nhân đến tố cáo thì công an mới có cơ sở xử lý. Theo ông Tân, điều đáng lo ngại là kèm theo dịch vụ cho vay là đi đòi nợ, xiết nhà, hành hung con nợ giống như băng nhóm Ánh “Phú”, Sơn Linh trước đây.

Đại úy Nguyễn Sỹ Hân quả quyết hoạt động cho vay nặng lãi ở Nha Trang hiện nay rất nhiều nhưng không manh động, lộ liễu như trước.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên