Khu dân cư xâm lấn di tích được giải tỏa để phục vụ việc khôi phục, tôn tạo thành Điện Hải - Ảnh: B.D.
Nhiều lãnh đạo rất vô cảm với di tích, cứ thấy cấp dưới trình văn bản lên là ký
Ông Hà Phước Mai (nguyên giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng)
Đó là câu chuyện được đưa ra tại hội thảo bàn hướng bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích thành Điện Hải (TP Đà Nẵng), do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 15-12.
Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng - cho biết thành Điện Hải trước đây là đồn Điện Hải, được xây từ năm Gia Long thứ 12 (1813) ở khu vực biển, năm 1823 được dời vào vị trí hiện nay: nằm ngay trong lòng TP Đà Nẵng trên trục đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, sát tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng.
Nhiều lần gánh chịu "thương tích"
Thành Điện Hải đã trải qua hai biến cố lớn:.Sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp, chính quyền thực dân đã lấy thành xây Bệnh viện Quân y, nhà nguyện khiến toàn bộ các kiến trúc cổ bên trong thành bị phá hủy.
Tới năm 1975, Xí nghiệp Dược trung ương V lấy thành làm xưởng tân dược. Năm 1988, thành được công nhận di tích quốc gia nhưng nhiều hạng mục, tường, hào rãnh phía bắc và tây nam bị đập phá xây nhà kho, làm đường chuyển thuốc.
Năm 2007, UBND TP Đà Nẵng lại cho xây Bảo tàng Đà Nẵng. Lúc xây xong, một tòa nhà bêtông đồ sộ án ngữ sừng sững trên nền di tích. Thành Điện Hải đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.
Trước thời điểm diễn ra hội thảo, sáng 15-12, khi trực tiếp đi thăm bao quanh thành Điện Hải, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đã lắc đầu và nói rằng "đau xót" khi thấy một công trình cổ bị dân cư xâm lấn thô bạo, tường thành dính đầy "thương tích".
UBND TP đang cho giải tỏa nhiều nhà dân sinh sống dọc các hướng của tường thành, di dời các hộ dân ra các khu tái định cư. Ở hướng thành Điện Hải bên đường Nguyễn Chí Thanh, một khu đất rộng hàng trăm mét vuông đã được san ủi. Trên khu đất này trước đây nhà dân mọc dày đặc, nhà vệ sinh, công trình phụ và các hạng mục dân sinh ken sát tường thành.
Khó phục hồi nguyên trạng
Theo nhiều chuyên gia, việc Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục án ngữ trên nền di tích là minh chứng về "sai lầm" nghiêm trọng trong bảo tồn di tích.
Theo ông Nguyễn Tiến Bình - Giám đốc Trung tâm Triển khai công nghệ xây dựng miền Trung, ông đã đeo đuổi, phản đối gay gắt chủ trương xây Bảo tàng Đà Nẵng ngay trên nền di tích, nhưng các lời góp ý không được lắng nghe.
Tương tự, ông Hà Phước Mai - nguyên giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - bức xúc khi nhớ lại quãng thời gian ông đi "cầu cứu" cho thành Điện Hải nhưng đành bất lực.
PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cũng cho rằng việc xây tòa nhà bảo tàng trên di tích là sai lầm nghiêm trọng và hiện nay, những nỗ lực của TP Đà Nẵng bao gồm di dời hàng chục hộ ra khỏi phạm vi di tích, di dời tòa nhà bảo tàng về vị trí khác là quyết tâm sửa sai cần được ủng hộ.
Dù vậy, theo các nhà khoa học, các cứ liệu, dấu tích, nền móng... của thành Điện Hải đã bị xóa sổ, nên hướng phục hồi nguyên trạng gần như không thể. Phương án được đa số đại biểu đưa ra là biến di tích trở thành một địa điểm "lưu giữ ký ức lịch sử", thông qua việc sử dụng hiệu ứng 3D, sa bàn, mô hình giả định kết hợp hiệu ứng ánh sáng kỹ thuật để vẽ không khí thành những ngày kháng địch.
Thành Điện Hải được xây bằng gạch, chu vi 556m, bao quanh là hệ thống hào sâu 7 thước, cao gần 5m.
Thành gồm hai cửa: cửa hướng đông nhìn ra sông Hàn,và cửa hướng về phía nam được làm cửa chính.
Trong thành có hành cung, kỳ đài, cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng, quanh thành được trang bị 30 khẩu súng đại bác cỡ lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận