16/01/2014 04:00 GMT+7

Thuyên tắc ối không vô phương cứu chữa

MỸ DUNG 
MỸ DUNG 

TT - Ở Việt Nam thuyên tắc ối thường được xem là sát thủ không kịp trở tay. Tuy nhiên, tại nhiều nước tỉ lệ cứu mẹ trong các ca này hơn 70%. Theo các chuyên gia, để có thể giành giật sản phụ với thần chết khi biến chứng sản khoa này xảy ra thì phải có phương án phòng thảm họa sản khoa.

fjhPLLIk.jpgPhóng to
Phòng mổ hiện đại của một bệnh viện ở Sydney, Úc. Trong phòng mổ đặt cả xe hồi sức em bé để các bác sĩ nhi có thể hỗ trợ bé khi cần thiết - Ảnh: Vân Việt

TS.BS Nguyễn Thị Thanh - trưởng bộ môn gây mê hồi sức ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết thuyên tắc ối được giới y khoa coi là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ hoặc ngay lập tức sau sinh. Trong dạng nặng, bệnh nhân khó thở dữ dội kèm tình trạng sốc với ngưng tim, ngưng thở, đôi khi kèm co giật, tử vong mẹ. Tuy nhiên, không phải các ca thuyên tắc ối đều đưa đến tử vong cho sản phụ và thai nhi.

5 phút vàng để cứu con

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau có thể là nguy cơ gây ra thuyên tắc ối như: tuổi mẹ cao và đa thai, truyền dịch vào ối và catheter áp suất trong tử cung, phá ối và chọc ối, dị ứng và thai nam, chấn thương bụng kín, cắt chỉ khâu cổ tử cung, mổ lấy thai, phong bế tủy sống và ngoài màng cứng, phá thai vào tam cá nguyệt thứ hai, phân su nhuộm nước ối, tiền sản giật, bong nhau thai, nhau tiền đạo...

Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

ThS.BS Hà Văn Dần, trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết hồi tháng 11-2013, bệnh viện này đã cứu sống cả mẹ lẫn con trong một ca thuyên tắc ối. Thai phụ Đ.T.D.H. nhập viện lúc 19g30 với triệu chứng đau bụng sinh. Các xét nghiệm cận lâm sàng và siêu âm trước sinh đều cho biết tình trạng sức khỏe mẹ và bé bình thường, tiên lượng sản phụ có thể sinh ngả âm đạo. Tuy nhiên tại phòng sinh, sau khi bấm ối 30 giây, chị D.H. đột ngột lên cơn khó thở, tím tái toàn thân, co giật rồi chuyển sang hôn mê, đồng tử giãn to, tim rời rạc, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tim thai 50-60 lần/phút, bụng gồng cứng không đánh giá được cơn co tử cung.

Ngay sau khi chẩn đoán theo dõi thuyên tắc ối, các bác sĩ đã xử lý hồi sức tích cực. Vừa cho bệnh nhân thở ôxy, xoa bóp tim, chuyển lên phòng mổ..., vừa mổ bắt con và cắt tử cung bán phần của sản phụ. Kết quả, sau một tháng sinh ra, bé trai con chị D.H. đã bú và vận động bình thường. Chị D.H. sau 10 ngày đã được xuất viện với tình trạng vận động được tay chân, ăn uống bình thường, hết nhiễm trùng, nhận biết được người nhà. Theo ThS.BS Hà Văn Dần, để cứu được cả con lẫn mẹ, kíp các bác sĩ đa khoa như gây mê hồi sức, sản, huyết học... phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Vân, phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, nguyên là bác sĩ gây mê hồi sức tại Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong các ca thuyên tắc ối, chỉ có 5 phút vàng để có thể cứu con và phải rất nhanh mới có thể cứu mẹ. Từ khi mẹ ngưng tim, thời gian cho phép cứu con là từ 5-15 phút nhưng muốn trẻ ra đời ít bị di chứng nhất thì chỉ có 4 phút để bắt em bé ra. Việc cứu mẹ cũng được tiến hành ngay lập tức, sau khi mổ bắt con, bác sĩ sẽ hút nước ối, cắt bỏ tử cung. Biện pháp cắt bỏ tử cung được xem là chỉ định bắt buộc nếu muốn cứu sản phụ trong thuyên tắc ối.

Kế hoạch chống thảm họa

Tại Việt Nam, nhiều bác sĩ cho biết thuyên tắc ối giống như chiếc “sọt rác” để các bệnh viện kết luận khi có trường hợp sản phụ tử vong không rõ nguyên nhân.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh đánh giá sở dĩ thuyên tắc ối gây tử vong mẹ ở nước ta vẫn rất cao một phần nguyên nhân vì nhiều bệnh viện ở Việt Nam chưa có phương án phòng chống thảm họa sản khoa. “Tôi đi các bệnh viện ở Singapore thấy ngay trong phòng sinh (không phải phòng mổ), các hộp dụng cụ phòng chống thảm họa đều được chuẩn bị sẵn như hộp băng huyết sau sinh, hộp ngưng tim, hộp dụng cụ mổ lấy con. Với sự chuẩn bị chu đáo này, khi có thảm họa sản khoa, bác sĩ có thể thao tác ngay, không cần phải chuyển bệnh nhân về phòng mổ mới có thể mổ được”. TS.BS Thanh cho rằng những hộp dụng cụ này không tốn kém nhiều.

Bên cạnh các trang thiết bị y tế và thuốc thang, ngân hàng máu, để có thể “ứng cứu” thảm họa sản khoa, các êkip bác sĩ cũng phải thực hành lâm sàng tốt, nhanh nhạy mới có thể hạn chế tử vong. “Nhiều bệnh viện ở VN chẳng có ngân hàng máu, khi cấp cứu sản phụ phải chạy đi mua máu, mua được máu thì... kẹt xe, mất mấy giờ đồng hồ làm sao cứu người được nữa”, TS.BS Thanh nhìn nhận.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh dẫn những số liệu của y khoa thế giới cho biết trong 29 năm gần đây, tỉ lệ tử vong của thuyên tắc ối giảm đáng kể. Trong khi năm 1979, tỉ lệ tử vong là 86% thì năm 2002 chỉ còn 25%. Theo thống kê, thuyên tắc ối chiếm 4,7% tử vong mẹ tại Anh, 13% tại Pháp, 30% tại Singapore và 10% tại Mỹ và Úc. 70% thai nhi sống sót sau khi mổ lấy thai nhưng 50% trong số đó có di chứng thần kinh.
MỸ DUNG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên