18/06/2019 11:34 GMT+7

Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa ĐBSCL

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho thấy nếu thượng nguồn sông Mekong phát triển đủ thủy điện, tổng lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị suy giảm tới 90%.

Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa ĐBSCL - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đất mũi giờ đã không còn phù sa - Ảnh: XUÂN LONG

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết trước đây Cà Mau luôn luôn được bồi phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn.

Cà Mau đã hết phù sa

Tham luận tại diễn đàn quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL sáng 18-6, ông Hải nói Cà Mau đã, đang chịu tác động nặng nề nhất so với các tỉnh trước tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo ông Hải, một trong những thách thức lớn với Cà Mau là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Theo đó, khi thiên tai diễn biến khó lường, các mâu thuẫn trong phát triển cũng nảy sinh, như nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm dẫn đến tình trạng sụt lún, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn tài nguyên nước.

Để ứng phó, theo ông Hải, cần định hướng chuyển sang sản xuất luân canh lúa - tôm để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, cần đa dạng nguồn cung, trước mắt đầu tư các hồ chứa nước mưa ở các vùng phù hợp như U Minh Thượng, U Minh Hạ.

Đồng thời đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa. Về lâu dài, cần triển khai hệ thống cung cấp nước ngọt cho các tỉnh ĐBSCL từ nguồn nước của sông Hậu.

Thủy điện thượng nguồn Mekong làm giảm 90% phù sa ĐBSCL - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu tại hội thảo - Ảnh: XUÂN LONG

Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cũng nêu khó khăn địa phương đang phải đối mặt, đó là những mâu thuẫn chưa có hướng giải quyết.

Nguy hiểm hơn, theo ông Thư, trong khi nguồn phù sa giảm chủ yếu là nhóm phù sa cát và bùn đáy (nhóm phù sa rất cần thiết), thì nhóm phù sa cát lơ thì không giảm, trong khi đây lại là phù sa gây bồi lắng.

"Thứ phù sa chúng ta mong thì lại giảm, thứ phù sa mong giảm thì lại có, rất mâu thuẫn" - ông Thư nói.

Theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 về sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện, sụt lún đất ở Cà Mau trong vòng 15 năm có thể đạt 30 - 70cm, bình quân khoảng 1,9cm - 2,8cm/năm.

Nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm, trong vòng 25 năm tới dự báo sụt lún sẽ lên đến 90cm.

Thủy điện "chặn" mất 90% lượng phù sa

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động đến môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp.

"Các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát, để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói bờ" - báo cáo của Bộ TN-MT chỉ rõ.

Bộ TN-MT cũng đánh giá tác động của phát triển thủy điện và khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn phía Lào, Campuchia và Thái Lan.

Đặc biệt, theo bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, ngoài quá trình tự nhiên, địa chất kiến tạo và phát triển kinh tế xã hội không phù hợp, những tác động do hoạt động khai thác của các thủy điện ở thượng nguồn với những con số thực tế cho thấy nguyên nhân chính đe dọa đến việc phát triển lâu dài, bền vững ở ĐBSCL.

Theo đó, Nếu phát triển đủ các thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Mekong ở thượng nguồn, có tới trên 90% lượng bùn cát bị giữ lại.

"Một ĐBSCL phát triển màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nhưng nay lượng lớn phù sa đã mất, đó là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển vùng ĐBSCL" - ông Hà nhấn mạnh.

Vì vậy, theo ông Hà, trong các giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL cần lấy tài nguyên nước làm trung tâm nghiên cứu và có đánh giá tổng thể trên toàn lưu vực, trong đó xác định rõ những nguyên nhân do quá trình phát triển, do con người để thay đổi.

"Đặc biệt, cần chú trọng các giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, có tính chủ động dựa trên các hệ sinh thái thuận thiên" - ông Hà nói.

Từ kết quả "Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong", theo Bộ TN-MT, các bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn tới nghiêm trọng, nếu không có các biện pháp giảm thiểu.

Đó là các vấn đề về suy giảm dòng chảy mùa cạn trong thời đoạn ngắn hạn; suy giảm phù sa, bùn cát.

Tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% và nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên; xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.

Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mekong và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mekong, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm giảm tới 80%.



XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên