09/07/2019 10:44 GMT+7

Thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm cho trẻ

Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng
Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thường được tìm thấy trong các sản phẩm, các loại trái cây và rau quả là một vấn đề quan trọng trong chế độ ăn uống của trẻ.

Thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm cho trẻ - Ảnh 1.

Nông sản hữu cơ. Ảnh: ifreshdelivery.com

Thuốc trừ sâu bệnh bảo vệ mùa màng khỏi hư hại, giữ cho hàng hóa thực phẩm có mức giá phải chăng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả ung thư, bệnh phổi, các vấn đề sinh sản và các rối loạn của tuyến nội tiết và hệ thống miễn dịch. Thử nghiệm trên động vật cho thấy, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra những thay đổi lâu dài về đặc tính hóa học của não, có thể dẫn đến rối loạn hành vi, mất khả năng học hỏi, và thậm chí tổn hại lâu dài đến não bộ và hệ thần kinh.

Tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn ở hiện tại và tương lai. Thực tế, một số hệ quả có thể không xuất hiện rõ ràng ngay bây giờ, mà là sau này trong cuộc sống.

Có phải trẻ em dễ bị tổn thương bởi thuốc bảo vệ thực vật hơn so với người lớn không?

Đúng vậy! Trẻ em có xu hướng chỉ ăn một vài loại thực phẩm, điều này có thể gia tăng sự tiếp xúc của trẻ với một vài loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên biệt. Chúng cũng ăn nhiều thức ăn so với trọng lượng cơ thể hơn là người lớn.

Trẻ em cũng hấp thụ thuốc bảo vệ thực vật dễ dàng hơn. Và vì đường tiêu hóa vẫn đang phát triển, cơ thể trẻ ít có khả năng phá vỡ các độc tố. Cuối cùng, thuốc bảo vệ thực vật có thể ngăn chặn sự hấp thu các chất dinh dưỡng chủ yếu cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Hãy nhớ rằng, thức ăn không phải là con đường duy nhất trẻ có thể tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật: Cũng có thể là từ nước uống.

Và nếu bạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nhà hoặc sân vườn, sẽ thêm nguy cơ để con bạn tiếp xúc với thuốc. Bạn có thể sẽ mang các loại thuốc bảo vệ thực vật vào nhà từ đế giày dính bùn đất. Sau đó, con bạn có thể ăn phải các hóa chất này khi trẻ chơi đùa trên sàn nhà, ví dụ như cho vào miệng cái gì đó từ sàn nhà.

(Thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể đi qua nhau thai, vì vậy phụ nữ mang thai phải cẩn thận, giảm thiểu sự tiếp xúc.)

Không có quy định nào bảo vệ con tôi tránh khỏi thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm?

Tại Mỹ, các điều luật hiện hành có quy định về vấn đề này. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đặt ra giới hạn về lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể được sử dụng trên các loại cây trồng. Giới hạn đưa ra dựa trên độ độc hại của một loại thuốc bảo vệ thực vật cụ thể, dư lượng tồn dư còn lại trên cây trồng và lượng rau quả một người có thể tiêu thụ.

Luật Bảo vệ Chất lượng Thực phẩm, được thông qua vào năm 1996, yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong đó có xem xét đến tính nhạy cảm đặc biệt của trẻ đối với thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định - như trong trường hợp kinh tế đang khó khăn với nông dân - EPA có thể cho phép việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Một số nhóm vận động người tiêu dùng cho rằng, giới hạn về thuốc bảo vệ thực vật nên được siết chặt hơn để bảo vệ trẻ em.

Trong khi các quy định của liên bang đã dần dần cấm những loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hiểm nhất, phần còn lại nhiều hơn vẫn được sử dụng. Ngoài ra, việc kiểm mẫu đã phát hiện ra một số sản phẩm có chứa hàm lượng cao các loại thuốc bảo vệ thực vật từ lâu đã bị cấm ở Mỹ vì các hóa chất này vẫn còn nằm trong đất. Và khi nông dân trồng trọt trên đất đã bị nhiễm hóa chất, sản phẩm thường cũng bị nhiễm theo.

Chương trình Dữ liệu Thuốc bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) kiểm tra những loại thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo báo cáo hàng năm của chương trình, 64% các loại trái cây và rau quả - cả tươi lẫn chế biến (bao gồm cả thức ăn trẻ em) - thử nghiệm trong năm 2010 có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hàm lượng thấp được tìm thấy trong trứng, yến mạch, cá da trơn và nước uống.

Bộ Nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh rằng những thực phẩm này là an toàn. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận của EPA.

Tại sao trái cây và rau quả tươi có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn so với loại đóng hộp?

Rau quả được trồng với mục đích chế biến không cần trông thật hấp dẫn, vì vậy thường không được phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Và qua quá trình chế biến, rau quả thường được bỏ vỏ, rửa sạch, hoặc gia nhiệt, những công đoạn này giúp loại bỏ nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tôi có nên cắt giảm lượng trái cây và rau quả tươi cho con tôi ăn không?

Không! Đừng để nỗi lo sợ về thuốc bảo vệ thực vật làm bạn hạn chế các mặt hàng nông sản trong khẩu phần ăn của bé. Trái cây và rau quả là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh của mọi trẻ em.

Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã chỉ ra rằng, các tác động tiêu cực của việc không có các loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn của bé sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào từ thuốc bảo vệ thực vật ở mức tìm thấy được trong sản phẩm. Và có nhiều cách bạn có thể làm để giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật mà con bạn hấp thụ và không cần hạn chế khẩu phần rau quả trong chế độ ăn uống của trẻ.

Tôi có thể làm gì để bảo vệ con khỏi thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm?

Các bước đơn giản sau có thể làm giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm của gia đình bạn:

- Gọt vỏ trái cây và các loại củ quả, loại bỏ các lá bên ngoài của các loại rau lá như rau diếp và cải bắp.

- Chà rửa (dưới vòi nước chảy) tất cả các loại trái cây và rau quả mà bạn không gọt vỏ. Các sản phẩm nước rửa chuyên biệt cho nông sản cũng có thể giúp ích.

- Một số loại thực phẩm như dâu tây, nho, bông cải xanh, rau diếp, rau bó xôi thì khó rửa hơn. Ngâm với nước trong thời gian ngắn, sau đó rửa sạch.

- Lựa chọn sản phẩm không bị nấm mốc, không bầm dập và không bị sâu. Những phần đó có thể chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

- Cắt bỏ phần mỡ của thịt và loại bỏ da của gia cầm. Thuốc bảo vệ thực vật (và các hóa chất khác trong môi trường xung quanh) thường tập trung ở phần mỡ và da của gia cầm, thịt và cá.

- Xem xét việc mua thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là các loại thực phẩm mà trẻ ăn nhiều hoặc nằm trong danh sách "Dirty Dozen" (xem bên dưới).

- Hãy dùng sản phẩm được trồng tại địa phương. Trái cây và rau quả được trồng ở xa cần phun thuốc bảo vệ thực vật và phủ sáp sau khi thu hoạch để giúp chúng vẫn tươi mới trong quá trình vận chuyển đường dài. Và các sản phẩm cần vận chuyển xa thường được thu hái trước khi chín, làm giảm hương vị cũng như các chất dinh dưỡng.

- Mua nông sản theo mùa vụ. Mặc dù bạn sẽ có cảm giác tuyệt vời khi ăn dâu tây hoặc cà chua ngon ngọt, chín đỏ giữa mùa đông, nhưng hãy nhớ rằng thực phẩm trái mùa thường được cung cấp từ những nơi rất xa (có thể cách nửa vòng trái đất). Những sản phẩm này sẽ được thu hái sớm hơn và có thể chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn.

- Cung cấp đa dạng thực phẩm, đặc biệt là hàng nông sản. Một chế độ ăn uống đa dạng sẽ hạn chế việc tiêu thụ liên tục một loại thuốc bảo vệ thực vật nào đó.

Tránh danh sách 'Dirty Dozen'

Khi mua các mặt hàng nông sản và chuẩn bị bữa ăn, hãy nhớ tới danh sách "Dirty Dozen" của Nhóm Làm việc Môi trường (Environmental Working Group). Đây là danh sách các loại trái cây và rau quả có mức cao nhất và thấp nhất - về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên kết quả từ 60.700 kiểm tra thu thập bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Tính đến năm 2012, có 12 loại trái cây và rau quả được xếp vào nhóm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao nhất. Đó là táo, cần tây, ớt chuông đỏ, đào, dâu tây, quả xuân đào nhập khẩu, nho, rau bó xôi, rau diếp, dưa chuột, quả việt quất nội địa và khoai tây.

Những loại có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp nhất bao gồm: Hành tây, bắp ngọt, dứa, bơ, bắp cải, đậu ngọt, măng tây, xoài, cà tím, kiwi, dưa lưới nội địa, khoai lang, bưởi chùm, dưa hấu và nấm.

Điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ táo ra khỏi danh sách đi chợ, mà là bạn không nên chủ yếu chỉ dùng táo  để đáp ứng nhu cầu trái cây của bé. Cho con bạn dùng nhiều loại trái cây khác nhau, bao gồm những loại có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp, như kiwi và xoài. Và khi bạn mua táo không phải loại hữu cơ, hãy rửa kỹ hoặc gọt vỏ.

Sản phẩm hữu cơ thường đắt tiền hơn, có đáng mua không?

Tùy bạn! Hai nghiên cứu gần đây cho thấy, không có bằng chứng thuyết phục rằng thực phẩm hữu cơ tốt hơn về dinh dưỡng so với các loại thực phẩm không phải hữu cơ. Ăn các loại thực phẩm hữu cơ có thể làm giảm sự tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, nhưng giá trị dinh dưỡng thì tương đương các loại thực phẩm nuôi trồng thông thường. Ngoài ra, một số loại thịt hữu cơ (như thịt heo) không có tính kháng khuẩn làm cho vi khuẩn trong thịt có khả năng phát triển hơn.

Nhưng một nghiên cứu thực hiện năm 2008 cho thấy, khi trẻ chuyển sang chế độ ăn uống thực phẩm hữu cơ, lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước tiểu giảm xuống tới mức gần như không thể phát hiện. Và một số nghiên cứu cũng cho thấy các loại trái cây và rau quả hữu cơ thực sự bổ dưỡng hơn vì chúng có chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa hơn - có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim - so với các loại trái cây và rau quả không phải hữu cơ. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy dâu tây hữu cơ có thêm 8,5% chất chống oxy hóa so với loại không phải hữu cơ.

Nếu bạn chọn mua sản phẩm hữu cơ, hãy cố gắng mua trực tiếp từ nhà sản xuất - nhiều cơ hội là sẽ rẻ hơn. Hãy tìm đến những người trồng trọt hữu cơ tại chợ nông sản địa phương, quầy hàng của trang trại, hoặc hợp tác xã thực phẩm.

Và nếu bạn có khoảng đất trống ngoài trời, hãy xem xét việc trồng một số loại trái cây và rau quả hữu cơ của riêng mình. Làm vườn cũng là một cách tuyệt vời để dạy trẻ về dinh dưỡng.


Nguồn: Cổng Thông tin Thực phẩm Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên