01/11/2018 18:26 GMT+7

Thủ tướng: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những lĩnh vực yếu kém

T.CHUNG
T.CHUNG

TTO - "Trăm dâu đổ đầu tằm", Thủ tướng khẳng định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong những lĩnh vực còn yếu kém trong buổi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội chiều 1-11.

Thủ tướng trả lời làm thế nào để các thành viên Chính phủ "đều tay" - Nguồn: THQH

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa diễn ra ngay trước phiên chất vấn, trong đó các thành viên Chính phủ có các mức tín nhiệm khác nhau, được đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM nêu ra với Thủ tướng.

Câu hỏi của bà Tâm là làm thế nào để các tư lệnh ngành hoạt động "đều tay".

Khắc phục tình trạng làm việc "sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ"

Thủ tướng chia sẻ: "Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một cổ tay. Cổ tay đó là sự đoàn kết nhất trí của Chính phủ với 30 ủy viên trung ương Đảng, trong đó có 6 ủy viên Bộ Chính trị".

Nhưng "trăm dâu đổ đầu tằm", Thủ tướng khẳng định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong những lĩnh vực còn yếu kém.

Giải pháp đầu tiên để khắc phục, theo Thủ tướng, chính là người đứng đầu Chính phủ phải kiểm tra, đôn đốc tốt hơn các bộ trưởng và các chủ tịch UBND tỉnh.

"Cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành làm tốt, ngược lại còn có sự trì trệ, sai sót lớn, đều do điều hành mà ra", Thủ tướng nói.

Giải pháp thứ hai là các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Thứ ba là tự học tập, rèn luyện, đổi mới, sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ".

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh khắc phục tình trạng làm việc "sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ". Và theo Thủ tướng, những người có vi phạm nặng phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Nhân diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng cũng chia sẻ tâm tư chung của Chính phủ: "Ở một đất nước 100 triệu dân như Việt Nam, các tư lệnh ngành điều hành rất phức tạp, rủi ro, mong các đại biểu Quốc hội rất thông cảm vì anh em phần lớn là nhiệm kỳ đầu".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói không để tái diễn vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu - Nguồn: THQH

Không để lặp lại vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng

Trước đó, trong bài phát biểu giải trình, Thủ tướng nói cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Thủ tướng đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Không bỏ lại ai ở phía sau

Trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng cung cấp các thông tin: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. 

"Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế", Thủ tướng nói.

"Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD". 

Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể: Đầu thập niên 1990, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…

Theo Thủ tướng, chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững. 

"Đến năm 2045, quy mô GDP nước ta ước tính đạt 2.500 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn, nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này", Thủ tướng nói.

"Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc".

Thủ tướng nhấn mạnh trọng tâm chuẩn bị cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao. 

"Chúng ta có trách nhiệm trước lịch sử cũng như với thế hệ hôm nay trước sứ mệnh đưa tài nguyên con người trở thành ưu thế chủ đạo của Việt Nam trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh toàn cầu, bởi Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số vàng, quy mô dân số lớn thứ 14 thế giới với truyền thống hiếu học đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử văn hiến hàng ngàn năm", Thủ tướng nói.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nỗ lực để cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân.

"Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới", Thủ tướng nói. 

"Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nêu dự báo dân số Việt Nam sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019 để nhấn mạnh yêu cầu "hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển".

Có câu nói: "Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn". Nhưng đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng: Không để ai bị bỏ sót trong chính sách phát triển Thủ tướng: Không để ai bị bỏ sót trong chính sách phát triển

TTO - "Chúng ta phải hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chiều 1-11.

T.CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên