07/07/2006 04:05 GMT+7

Thủ tướng đồng ý ông Nguyễn Văn Lâm từ chức

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận đơn xin từ chức chức vụ phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Nguyễn Văn Lâm” - người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc, chiều qua (6-7) đã chính thức xác nhận thông tin này với Tuổi Trẻ.

* Không để thiếu tướng Cao Ngọc Oánh giữ chức tổng cục phó, thủ trưởng Cơ quan CSĐT

sfpHRYss.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Lâm
TT - “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận đơn xin từ chức chức vụ phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Nguyễn Văn Lâm” - người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc, chiều qua (6-7) đã chính thức xác nhận thông tin này với Tuổi Trẻ.

Theo ông Kinh Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó một ngày (hôm 5-7) đã có buổi làm việc với bộ trưởng chủ nhiệm và ban lãnh đạo Văn phòng Chính phủ về việc nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tại buổi làm việc này, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm đã có đơn xin từ chức gửi lên Thủ tướng và được chấp thuận.

Lý do được ông Nguyễn Văn Lâm trình bày trong đơn xin từ chức là vì đã có khuyết điểm trong việc nhận phong bì của các đơn vị: thủy điện Sê San 3A, văn phòng UBND tỉnh Bình Định và văn phòng UBND tỉnh Phú Yên với số tiền 2,25 triệu đồng. Đây là hành vi vi phạm qui định của Chính phủ, làm ảnh hưởng uy tín của Văn phòng Chính phủ và cá nhân ông Nguyễn Văn Lâm. Đồng thời với việc chấp thuận cho ông Lâm từ chức, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ông Nguyễn Văn Lâm nộp trả số tiền đã nhận cho các đơn vị nêu trên.

gbSC2Ru2.jpgPhóng to
Tướng Cao Ngọc Oánh
Ông Nguyễn Văn Lâm sinh năm 1957, được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phụ trách mảng nội chính từ năm 2003, trước đó là vụ trưởng Vụ I (Vụ Theo dõi công tác chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại) của Văn phòng Chính phủ.

Cũng ngày 6-7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Công an truyền đạt ý kiến Thủ tướng về trường hợp thiếu tướng Cao Ngọc Oánh liên quan tới vụ án PMU18. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước khi có kết luận điều tra vụ việc liên quan đến tướng Oánh, bộ trưởng Bộ Công an không để thiếu tướng Cao Ngọc Oánh tiếp tục đảm nhiệm chức phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khởi tố điều tra, làm rõ việc bị can Bùi Tiến Dũng (nguyên tổng giám đốc PMU18) khai đưa 20.000 USD cho trung tá Đỗ Huy Kim, cán bộ Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Ngoài ra, Bộ Công an cũng sẽ phải làm rõ việc trung tá Đỗ Huy Kim đứng tên đăng ký hộ gia đình Bùi Tiến Dũng một ôtô năm chỗ ngồi.

Phó chủ nhiệm VPQH Trần Quốc Thuận: Hoan nghênh Thủ tướng

VqonUFQP.jpgPhóng to
Ông Trần Quốc Thuận

Sau khi báo chí và các đại biểu Quốc hội vào cuộc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lâm đã phải đệ đơn từ chức. Xung quanh việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

* Ông nhận xét gì về việc ông Lâm xin từ chức ?

- Trước hết là hoan nghênh tân Thủ tướng ngay khi nhận nhiệm vụ mới đã nhanh chóng chấp nhận đơn xin từ chức, có ý kiến để xử lý vụ việc. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực ban đầu, tạo nên một không khí mới trong việc phòng chống tham nhũng. Tôi tin là công tác chống tham nhũng sẽ có nét mới, tích cực hơn trong thời gian tới.

* Ông Lâm từ chức ở thời điểm này là thích hợp ?

- Nếu từ chức sớm hơn thì tốt. Ở cương vị người cán bộ cấp cao, có lòng tự trọng thì mình phải tự xử chứ không nên để buộc phải thực hiện dưới một áp lực. Việc này lẽ ra không phải tốn nhiều công sức của báo chí, các đại biểu quốc hội. Tiết kiệm thời gian, người ta làm được nhiều việc có ích hơn.

* Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Lâm sẽ không việc gì nếu báo chí không vào cuộc ?

- Rõ ràng nó có dấu hiệu của sự chìm xuồng rồi. Bởi vì việc này cũng đã kéo dài mấy năm rồi. Đây cũng là một cái tích cực của báo chí. Nhưng mà như tôi nói, việc từ chức là quá trễ. Từ chức là một thái độ tự nguyện nhưng mà tự nguyện và tự giác nên đề cao, tích cực hơn. Đối với những trường hợp khác nên có sự chủ động hơn đừng có để báo chí, dư luận rồi đại biểu Quốc hội nói đi nói lại rất nhiều.

Tích cực ở đây có hai mặt, một là những người ở bên trên phải tỏ thái độ rõ ràng. Ông Lê Huy Ngọ và ông Đào Đình Bình từ chức là thế chẳng đặng đừng chứ không phải bị kỷ luật rồi người ta mới từ chức. Nếu có ý thức, văn hóa cao hơn, khi xảy ra tiêu cực thì nên từ chức ngay. Coi việc đó cũng là bình thường.

* Theo ông, trường hợp của ông Lâm nên cách chức hay đồng ý cho từ chức ?

- Người ta nói cái ẩn số là ở trong hơn 10.000 USD. Chỗ này bây giờ gần như mặc nhiên bỏ qua, chỉ nhắc lại có mấy triệu bạc. Mấy triệu đó cũng là điều đáng trách nhưng mà không phải là điều mà người ta muốn nói.

* Có nghĩa là sau khi ông Lâm từ chức, các cơ quan nội chính phải tiếp tục điều tra vụ này ?

- Đây cũng là vấn đề. Như đại biểu Quốc hội đã nói, anh là cán bộ cao cấp mà lại đi mua sừng tê giác. Đó là vi phạm vào điều cấm. Chỉ riêng việc này thôi chứ tôi chưa nói đến nguồn gốc của số tiền. Vậy anh mua ở đâu, anh gửi ai? Phải tìm ra đường dây này. Nên chăng là phải khởi tố vụ án mua, bán sừng tê giác trái phép. Từ đó mới điều tra ngược lại. Làm được việc này thì mới rõ ràng.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên