10/04/2019 08:14 GMT+7

Thu phí người nuôi bệnh, nên không?

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - Quy định yêu cầu mỗi người nuôi bệnh qua đêm phải đóng 30.000 đồng chi phí chỗ ngủ, nước sinh hoạt, điện… của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) vấp phải sự phản ứng của người nhà bệnh nhân chỉ sau một ngày triển khai.

Thu phí người nuôi bệnh, nên không? - Ảnh 1.

Thẻ lưu trú dành cho người nhà nuôi bệnh của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp chiều 9-4) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại TP.HCM hiện nay cũng đã có một số bệnh viện xây dựng, đầu tư nhằm tăng tiện ích thêm cho người nhà bệnh nhân khi đi chăm bệnh và có thu phí. 

Hầu hết người đi chăm nuôi bệnh khi sử dụng các dịch vụ tăng thêm như nhà lưu trú, giường nằm, vệ sinh... đều tỏ ra hài lòng khi phải trả thêm chi phí mỗi ngày.

Nuôi bệnh phải đóng 30.000 đồng

Sáng 9-4, trên một trang Facebook xuất hiện đoạn clip dài gần 5 phút ghi lại cảnh nhiều người nhà bệnh nhân tỏ vẻ bức xúc trước việc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thu phí người nuôi bệnh. 

Theo nội dung đoạn clip, có khoảng 10 thân nhân người bệnh làm việc trực tiếp với bác sĩ Cao Tấn Phước - giám đốc bệnh viện. 

Một người phụ nữ trạc tuổi trung niên nói: "Chúng tôi không làm hao hụt hay phát sinh bất kỳ trang thiết bị y tế nào. Tôi chỉ đi tiểu tiện có làm tốn kém gì đâu. Thà rằng có nhà lưu trú, phục vụ việc tắm và ở lại thì còn chấp nhận được". Xen lời, một người đàn ông nói: "Tôi từng nuôi người nhà tại nhiều bệnh viện nhưng chỉ bệnh viện này thu tiền".

Nhiều thân nhân người bệnh cho rằng nếu tình trạng thu phí này được áp dụng thì người bệnh rất "kẹt" bởi chi phí điều trị đắt đỏ lại tốn thêm tiền nuôi bệnh, và mong muốn bệnh viện nghiên cứu có quyết định thấu tình đạt lý. 

Lý giải vấn đề này, bác sĩ Phước nói: "Bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ. Bệnh viện nghèo nên mong muốn có điều kiện phục vụ người bệnh và thân nhân tốt hơn, nếu giàu đã không làm như thế".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ sáng 8-4 "thẻ lưu trú" làm bằng nhựa này được các khoa phát cho nhiều người nhà nuôi bệnh ở bệnh viện. 

Trong một phòng dịch vụ tại khoa hồi sức tích cực rộng khoảng 40m2 có kê 4 chiếc giường cho người bệnh. Kế bên là các ghế bố được sắp san sát cho người nuôi bệnh nghỉ qua đêm. Trong phòng có một số tiện ích như tivi, tủ lạnh và quạt.

Thu phí người nuôi bệnh, nên không? - Ảnh 2.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Cao Tấn Phước xác nhận nội dung làm việc trên và khẳng định chủ trương thu phí 30.000 đồng/người/ngày đêm được đảng ủy, ban giám đốc của bệnh viện thông qua. 

Theo đó, khi một thân nhân đến nuôi bệnh có nhu cầu ở lại được phát một thẻ lưu trú và chi phí 30.000 đồng sử dụng các dịch vụ điện, nước, ghế bố... của bệnh viện được tổng hợp khi người bệnh xuất viện. 

"Khoản tiền thu từ người nuôi bệnh, chúng tôi chi phí cho việc tu sửa lại hệ thống điện nước, nhà vệ sinh, trang bị ghế bố... nhằm cố gắng tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân có chỗ ăn, nằm thay vì trải chiếu nằm vật vạ ở hành lang" - bác sĩ Phước lý giải.

Ngoài nguyên nhân quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) không chi trả cho các dịch vụ mà thân nhân người bệnh sử dụng, bác sĩ Phước chia sẻ ông về nhận công tác tại đơn vị đến nay tròn 1 năm 3 tháng. Lúc đó tình hình an ninh trật tự của bệnh viện khá phức tạp. 

Ngoài tình trạng mất cắp, xảy ra việc hộ lý, nhân viên vệ sinh, đặc biệt một số đối tượng bên ngoài cũng có quyền cho thuê ghế bố giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cái. Việc này kéo theo sự xích mích, đánh lộn buộc ban giám đốc phải giải quyết.

Từ thực tế này, bệnh viện thống nhất cung cấp cho thân nhân người bệnh 4 dịch vụ gồm trang bị ghế bố, máy nước nóng lạnh, sạc điện thoại và nơi để người bệnh giặt phơi đồ. Sau khi xét về điều kiện sống của khu vực, đơn vị thống nhất mức giá là 30.000 đồng/người.

"Đối với các trường hợp khó khăn bệnh viện miễn giảm hoặc không thu. Việc này cách đây 3 ngày tôi có họp với thân nhân ở các khoa thì đều đồng thuận cao. 

Hôm qua tôi gặp những người còn thắc mắc với mong muốn tiến tới một điều gì đó tốt đẹp cho thân nhân người bệnh và tới thời điểm này đơn vị chưa thu đồng nào. Qua vụ việc này chúng tôi sẽ mềm dẻo giải thích cho người bệnh và thân nhân hiểu" - bác sĩ Phước nói.

Trước việc phản ứng của người nhà bệnh nhân, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-4, bác sĩ Cao Tấn Phước cho biết ngay sau khi thông tin bệnh viện thu phí người nuôi bệnh lan truyền trên mạng, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đã gọi điện yêu cầu đơn vị báo cáo giải trình vụ việc.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Phước cho biết thêm bệnh viện đã ra thông báo "ngưng thu phí người nhà nuôi bệnh". Đối với một trường hợp đã thu tiền tại khoa ngoại thần kinh, bệnh viện yêu cầu bộ phận thực hiện thu hồi trả lại người bệnh chậm nhất ngày 10-4.

Thu phí phải đi kèm tiện ích

Khoảng 15h ngày 9-4, trong vai một người nhà bệnh nhân, chúng tôi đến khu "hướng dẫn phát thẻ thăm bệnh" tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1). Một nữ nhân viên cho biết chi phí trung bình cho người nuôi bệnh là 200.000 đồng/ngày/người và thanh toán chung với chi phí điều trị của bệnh nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giải thích thêm với mức phí thu như hiện nay, người nuôi bệnh được bệnh viện chăm sóc rất chu đáo. Cụ thể như có giường ngủ riêng, nhà vệ sinh được lau chùi thường xuyên... 

Ngoài ra bệnh viện còn trang bị cả bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm... hằng ngày cho người nuôi bệnh. "Hầu như thân nhân người bệnh đều rất hài lòng với những tiện ích tăng thêm được phục vụ của bệnh viện", vị cán bộ này nói.

Đang nuôi người nhà tại lầu 8 khoa cơ xương khớp của bệnh viện, bà N.T.L. (49 tuổi, ngụ Lâm Đồng) cho biết khá hài lòng với dịch vụ nuôi bệnh của bệnh viện. "Cứ ở đây một ngày tôi tốn gần 200.000 đồng chi phí, chưa kể phải ra ngoài ăn uống. Tuy nhiên, đổi lại tôi được nằm giường riêng, có máy lạnh, có sẵn các vật dụng vệ sinh rất tiện ích" - bà L. nói.

Thu phí người nuôi bệnh, nên không? - Ảnh 3.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ghi nhận, mặc dù chi phí nuôi bệnh còn khá cao nhưng nhiều người thân bày tỏ sự hài lòng bởi lẽ họ được hưởng những dịch vụ chất lượng cao, không gian yên tĩnh và sạch sẽ, đặc biệt thái độ nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phục vụ tận tình. 

"Tôi nuôi người bệnh ung thư và thấy số tiền mình bỏ ra với tiện ích có được là hoàn toàn xứng đáng. Tôi thấy nhu cầu thu phí là bình thường, điều quan trọng là bệnh viện phải cung cấp tiện ích tương ứng với số tiền và có thông báo rõ ràng ngay từ đầu để người bệnh lựa chọn" - chị N., một người nhà bệnh nhân khác, bày tỏ thêm.

Cùng nhằm phục vụ bệnh nhân, người đi chăm bệnh tốt hơn, Bệnh viện quận 2 đã triển khai chương trình "dịch vụ" lưu trú cho người nuôi bệnh có thu phí. Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện quận 2 - khẳng định đơn vị không thu phí nuôi bệnh mà có chương trình phục vụ người chăm bệnh riêng. 

Cụ thể, từ khoảng 2 năm nay đơn vị này đưa nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân đi vào hoạt động. Khi đăng ký dịch vụ này người nuôi bệnh được sử dụng máy lạnh, giường, tủ lạnh, bàn ăn, tắm rửa... với giá chi trả 50.000 đồng/người/ngày để bù lại các khoản tiền điện, nước. 

"Kể từ khi áp dụng, người nuôi bệnh rất hài lòng bởi có đầy đủ tiện ích và giúp họ không phải nằm vật vạ ở hành lang" - bác sĩ Khanh nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết hiện tại đơn vị đang có chủ trương chứ chưa tiến hành việc thu phí người nuôi bệnh. Để đi đến việc thu phí này đơn vị trải qua một quá trình làm công tác tuyên truyền khá kỹ để người bệnh, thân nhân người bệnh hiểu và chia sẻ. 

"Tuy nhiên khác với một số bệnh viện, chúng tôi chỉ thu phí người nuôi bệnh thứ 3. Tức là mỗi bệnh nhân hiện nay được phép có đến 2 người thăm nuôi, nếu thêm người thứ 3 thì bệnh viện sẽ thu phí" - lãnh đạo bệnh viện nói và cho rằng việc thu phí này một phần hỗ trợ các chi phí phát sinh, còn giúp giảm lượng người nhà đông đúc.

Chia sẻ về vấn đề trên, bác sĩ Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết với các khoản phát sinh từ thân nhân người bệnh mà các bệnh viện đang phải gánh mỗi ngày, nếu không có nguồn thu bù đắp vào cũng rất khó cho các đơn vị. 

Theo đó, ở các bệnh viện công chi phí thu không cao nhưng lại phải chi một khoản tiền phục vụ phụ trợ, vấn đề an ninh trật tự... Do đó, việc thu "phí người đi nuôi bệnh" cần được hiểu là trách nhiệm cùng chia sẻ gánh nặng để chăm sóc người bệnh được tốt nhất. 

"Không nên nhìn ở góc độ bệnh viện tận thu tiền, điều này là không đúng" - bác sĩ Chiến nhấn mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Chiến cũng cho biết thêm bệnh viện của ông có "bàn tới bàn lui" nhưng nhận thấy còn nhiều cái phải lo cho người bệnh nên chưa đưa việc thu phí người nuôi bệnh vào áp dụng.


Còn bác sĩ Nguyễn Minh Quân - giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức - khẳng định đơn vị không có chủ trương thu phí người nuôi bệnh bởi nhận thấy người bệnh còn nhiều khó khăn. "Chưa kể nhiều người chạy xe ôm vào xin đi vệ sinh, tắm rửa. 

Rồi đêm hôm có nhiều trường hợp không có chỗ ngủ, vào bệnh viện, bảo vệ không thể đuổi được đành để họ ngủ" - bác sĩ Quân nói. Bởi theo bác sĩ Quân, đặc thù của đơn vị khá đặc biệt do lượng bệnh nhân đến thăm khám rất đông (trên 6.000 bệnh nhân/ngày và 1.000 giường nội trú) nên có thể "gánh" được các chi phí phát sinh khác như điện, nước…

Anh P.M.P. (31 tuổi, Bình Dương, người chăm mẹ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức):

Cơ sở vật chất không tương xứng với phí

Tôi là người phản ánh vụ việc. Tôi cho rằng việc thu phí ở bệnh viện này là bất hợp lý.

Theo tôi tính, ngoài khoản 30.000 đồng/ngày, còn chi phí gửi xe, ăn uống, mướn ghế bố... hết gần cả 100.000 đồng/ngày. Chưa kể cơ sở vật chất ở đây không được khang trang như các bệnh viện khác. Ví dụ chỉ có một nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần đi rất xa và không có phòng tắm.

Ngoài ra phòng dịch vụ thường chỉ 2 - 3 giường nhưng ở đây đến 4 - 5 giường. Tôi không phản đối quyết liệt nhưng chỉ mong với mức phí bỏ ra thì bệnh viện phải đáp ứng được nhu cầu của người nhà bệnh nhân.

PGS.TS Tăng Chí Thượng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):

Cách làm chưa đúng

tangchithuong

PGS.TS Tăng Chí Thượng

Việc này phía bệnh viện chưa có trao đổi với Sở Y tế TP. Về tinh thần chắc bệnh viện cố gắng phục vụ cho thân nhân được tốt hơn. Tuy nhiên cách làm kiểu thu phí trọn gói như thế là không đúng.

Hiện nay sở chưa có hướng dẫn thu phí người nuôi bệnh. Ngoài nhà vệ sinh đương nhiên phải phục vụ, Sở Y tế TP chỉ yêu cầu các đơn vị tăng các tiện ích, ai có nhu cầu về giường nằm, nước, ăn uống... thì đáp ứng dưới dạng dịch vụ cung ứng.

Theo tôi được biết, hiện nay ở TP.HCM có Bệnh viện Đại học Y dược, Nhi Đồng 1 có các dịch vụ kê giường cho thân nhân người bệnh.

Bác sĩ Võ Đức Chiến (giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương):

Phải có quyền lợi đi kèm

voducchien

Bác sĩ Võ Đức Chiến

Tôi cho rằng trước một vấn đề khá nhạy cảm như việc thu phí người đi chăm sóc bệnh nhân thì bệnh viện nên có cách truyền thông linh hoạt như dán tuyên truyền về chủ trương của bệnh viện và quyền lợi của người nuôi bệnh.

Ngoài ra lãnh đạo bệnh viện cũng cần tận dụng đối thoại, họp hội đồng bệnh nhân để giải thích cho người bệnh hiểu, chia sẻ. Khi có sự đồng thuận cao thì triển khai chương trình.



Bác sĩ Nguyễn Minh Quân(giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức):

Bù lỗ chi phí bằng cách khác

Tôi nghĩ không nên thu phí người nuôi bệnh. Hiện nay bệnh viện nào cũng tự chủ, do đó là khó khăn chung.

Nếu được nên có suy nghĩ thêm nhiều hoạt động khác như tổ chức đoàn đi khám cho công ty xí nghiệp, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tập huấn cấp cứu... để bù lỗ vào khoản chi phí này thay vì thu phí người đi chăm sóc bệnh nhân.

Vụ thu người nuôi bệnh 30.000 đồng/ngày: Ngưng thu tiền Vụ thu người nuôi bệnh 30.000 đồng/ngày: Ngưng thu tiền

TTO - Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng tin “người nuôi bệnh phản ứng vì phải đóng 30.000 đồng mỗi ngày”, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) quyết định ngưng việc thu tiền người nuôi bệnh.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên