05/11/2018 07:59 GMT+7

Thợ sửa xe 69 tuổi lấy bằng cử nhân

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Hơn 45 năm, giấc mơ trở thành cử nhân luật của ông Hoàng Tiến Mai, 69 tuổi, ngụ phường 3, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã trở thành hiện thực. Chưa dừng lại, ông đang tiếp tục việc học của mình.

Thợ sửa xe 69 tuổi lấy bằng cử nhân - Ảnh 1.

Ông Hoàng Tiến Mai với công việc sửa xe đạp hàng ngày - Ảnh: D.T.

Với nhiều người, đó là một sự bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, nên mấy ngày qua ông Mai (tên quen thuộc là ông Ba Tộ) đón nhiều bạn bè cũ, người quen đến chúc mừng.

"Tôi không nghĩ là mình sẽ hành nghề luật sư ở ngoài tuổi 70, nhưng tôi có thể giúp dân mình - những người nghèo khó, ít hiểu biết về pháp luật"

Ông Hoàng Tiến Mai

Nuôi khát vọng dù nhiều lần dang dở

Ông Mai cho biết năm 1954, ông mới 5 tuổi đã theo cha mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn. "Cha tôi bệnh nặng qua đời sau đó. Mẹ tôi làm thuê, không sống nổi ở Sài Gòn, đã tìm ra miền Trung và cuối cùng dừng chân ở Tuy Hòa, Phú Yên" - ông kể.

Mẹ ông đã tự tìm tòi, làm nghề sửa xe đạp ở ngay mảnh đất bây giờ là nhà của ông. Ông Mai đỗ tú tài 1 tại Nha Trang, đến năm 1971 thì đỗ tú tài 2, gọi là tú tài toàn phần, tương đương tốt nghiệp THPT bây giờ.

Mặt phía sau tấm bằng tú tài 2 ban A mà ông tốt nghiệp tại Quy Nhơn năm 1971 còn đóng dấu ông đã ghi tên vào ĐH Luật khoa Sài Gòn khóa 1972-1973.

"Tôi thích học luật, bởi mình ở trong một đất nước phải hiểu luật của nước mình, rồi sau nữa là còn giúp những người không biết luật. Nhưng tôi học được một năm thì phải nghỉ vì mẹ hay đau ốm, thu nhập cũng không đủ để nuôi tôi đi học" - ông Mai kể.

Dang dở giấc mơ, ông Mai về Tuy Hòa, vừa phụ vừa học nghề sửa xe đạp từ mẹ để mưu sinh, rồi lập gia đình, vẫn là một anh thợ sửa xe đạp trong khu phố nhỏ yên bình ở thị xã Tuy Hòa nhỏ bé ngày ấy. Nhưng trong ông, ước vọng một ngày phải trở thành sinh viên trường luật luôn thôi thúc.

"Năm 1991, lần đầu tiên tại Phú Yên có một trường ĐH tại Hà Nội thông báo phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh mở ngành luật hệ tại chức. Tôi đem bằng tú tài 2 nộp cùng hồ sơ để mong được thi tuyển vào học.

Thế nhưng lúc ấy người ta bảo lớp ĐH luật này chỉ dành cho đối tượng là cán bộ đương chức có liên quan đến ngành luật và những cán bộ ở vùng sâu vùng xa, nên giấc mơ thành sinh viên luật khoa dở dang tiếp tục dang dở" - ông Mai kể lại.

Ước nguyện hơn 45 năm

Thợ sửa xe 69 tuổi lấy bằng cử nhân - Ảnh 3.

Ông Hoàng Tiến Mai cầm bằng cử nhân luật "khoe" với cháu ngoại, mong muốn cháu không bao giờ dừng bước với việc học - Ảnh: D.THANH

Tiếp tục là người sửa xe đạp cần mẫn đến năm 2014, ông Mai hay tin Trường ĐH Huế mở ngành luật hệ đào tạo từ xa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên. Lúc bấy giờ, ở tuổi 65, ông vẫn quyết định giấu vợ con đi nộp hồ sơ để đăng ký.

"Ngày nhận được thông báo nhập học, tôi mừng như trẻ nhỏ được quà. Tôi báo với gia đình là từ nay tôi đóng cửa tiệm sửa xe trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật để đi học. Không chỉ khách hàng mà vợ con, bạn bè tôi đều không tin lời tôi nói, càng không tin là một lão già như tôi có thể theo học luật đến khi tốt nghiệp" - ông Mai kể.

Từ ấy, sau giờ sửa xe, ông Mai lại tập trung vào việc nghiên cứu, học tập tài liệu do trường gửi về.

Học sinh bình thường đỗ ĐH học khó khăn một thì với ông Mai, sự khó khăn ấy phải là hàng chục, hàng trăm lần bởi ông phải trở lại với kiến thức hầu như từ đầu. Đôi tay chai sần, thô ráp bởi thời trai trẻ lao động nặng nhọc và dính đầy dầu mỡ đen sì vì sửa chữa xe đạp của ông trở lại trên trang giấy trắng học trò.

Ông Mai kể lớp học ĐH luật hệ từ xa của ông đa số là cán bộ đang làm việc liên quan đến lĩnh vực pháp luật nên những ngày đầu vào học, thấy ông đã già, "bạn học" cứ tưởng ông là cán bộ làm ở cơ quan nhà nước nào đó.

Bốn năm ĐH rồi cũng qua. Trung tuần tháng 10-2018, ông Mai nhận bằng cử nhân luật hạng trung bình khá. "Ước mơ nung nấu từ năm 1972 của tôi cuối cùng cũng đã thành hiện thực" - ông bộc bạch.

Việc học còn tiếp...

Ông T.V.B. - giám đốc một doanh nghiệp nhà nước đã nghỉ hưu gần 10 năm nay, là bạn học từ thời thơ bé của ông Mai - nói thật không ngờ bạn mình vẫn nuôi dưỡng ý chí khi đã đến tuổi người ta chỉ nghĩ về chuyện nghỉ ngơi.

Không chỉ có ông B., nhiều người hay tin đã đến tận nhà ông thợ sửa xe Ba Tộ cầm xem tấm bằng cử nhân luật của ông mà trầm trồ, thán phục.

Được hỏi vì sao đã đến tuổi nghỉ ngơi mà vẫn quyết tâm phải học xong ĐH, ông Mai trả lời: "Tôi nhớ một học giả từng nói: "Điều ta biết chỉ là một giọt nước, điều ta chưa biết là cả một đại dương", nên tôi học trước là để tự mình phải hiểu biết, thứ nữa là để con cháu tôi nhìn thấy tôi học mà không bao giờ dừng bước việc học tập và cuối cùng là để mong được giúp đỡ người dân chưa hoặc không được học như mình".

Ông Mai nói ở tuổi sắp 70, ông vẫn thích học và nghiên cứu để bù lại những ngày không có cơ hội được làm việc ấy.

"Sau khi có bằng cử nhân luật, tôi đã nộp hồ sơ để tham gia lớp đào tạo chức danh tư pháp sắp tới. Tôi nghĩ là mình học rồi, bây giờ phải áp dụng vào thực tiễn.

Tôi không nghĩ là mình sẽ hành nghề luật sư ở ngoài tuổi 70, nhưng tôi có thể giúp dân mình - những người nghèo khó, ít hiểu biết về pháp luật - để họ hiểu biết pháp luật hơn, tìm lại công bằng và lẽ phải đúng những quy định của luật pháp.

Nói nôm na là tôi muốn trợ giúp, hỗ trợ pháp lý cho người dân thấp cổ bé miệng vì không hiểu luật nên không biết kêu ai" - ông Mai cho hay.

Ông Lê Văn Hữu - chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên - nói câu chuyện học ĐH của ông Mai có một sức lan tỏa rất lớn, bởi ông học vì thấy bản thân cần và để thực hiện mơ ước ấp ủ hơn 45 năm qua.

Ông học không phải vì yêu cầu của công việc hay bằng cấp. Sự ham học hỏi của ông Mai mang lại nguồn cảm hứng về học tập suốt đời cho mọi người.

"Nhiều người hỏi tôi lớn rồi sao còn đi học"

"Tôi cũng mặc cảm, trước khi đến lớp cố dùng xà bông chà cho sạch những vết dầu mỡ do sửa xe đạp dính trên tay để khỏi "mắc cỡ". Nhiều bạn cứ theo hỏi tôi làm cơ quan nào, sao lớn rồi mà còn đi học, cuối cùng tôi nói với họ là tôi làm nghề sửa xe đạp, thích học nên học, vậy thôi" - ông Mai kể. Cũng với bàn tay ấy, giờ ông Mai cầm bằng cử nhân luật "khoe" với cháu ngoại, mong muốn cháu không bao giờ dừng bước với việc học.

Cụ Lê Phước Thiệt hoàn thành giấc mơ thạc sĩ ở tuổi 85 Cụ Lê Phước Thiệt hoàn thành giấc mơ thạc sĩ ở tuổi 85

TTO - Cụ Lê Phước Thiệt (ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) có lẽ là người cao tuổi nhất Việt Nam tốt nghiệp thạc sĩ. Ông vừa lấy bằng thạc sĩ khóa 12 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Duy Tân ngày 10-6 khi đã 85 tuổi.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên