Phóng to |
Thủ lĩnh nhóm tổ chức biểu tình Suthep Thaugsuban (giữa) đi nhận tiền quyên góp của người ủng hộ ông trong cuộc tuần hành tại trung tâm thủ đô Bangkok hôm qua - Ảnh: Reuters |
Quân đội Thái đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nói đây chỉ là đợt diễn tập cho lễ duyệt binh vào ngày 18-1, ngày thành lập quân đội nước này. Họ thậm chí nói xe tăng là để dành cho ngày thiếu nhi vào cuối tuần.
Nhưng cuộc điều binh lần này có khác biệt. Đây là lần đầu tiên tăng thiết giáp và trực thăng được điều đến cho lễ diễu binh. Và trong quân đoàn kéo về Bangkok có lực lượng tinh nhuệ đến từ Lopburi - một tỉnh nhỏ cách thủ đô 150km về phía đông bắc. Và đây chính là lực lượng từng thực hiện cuộc đảo chính hồi tháng 9-2006, lật đổ ông Thaksin Shinawatra, anh trai của thủ tướng hiện tại, bà Yingluck.
Theo báo The Nation, phe áo đỏ UDD (thân chính phủ) ngay lập tức đã tiến hành cuộc gặp của nhóm lãnh đạo toàn quốc để chuẩn bị phương án chống đảo chính. UDD tin rằng việc chiếm đóng Bangkok mà phe chống chính phủ dự định thực hiện đầu tuần tới sẽ là cái cớ để quân đội có thể chính thức nhảy vào. Giới quan sát thừa nhận việc “đóng cửa” Bangkok hoàn toàn có thể là cái cớ.
Phát ngôn của Đảng Phuea Thai đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch “bí mật” của PDRC (nhóm chống chính phủ) nhằm lôi kéo quân đội đảo chính. Theo bà Sunisa Letphakkawat, lý lẽ của PDRC là quân đội sẽ xuất hiện như người hùng sau đảo chính. Và theo bà, tất cả những bất ổn hiện tại là để tạo tiền đề cho việc này. Lãnh đạo khác của UDD, ông Jatuporn Prompan, đã lên tiếng yêu cầu tư lệnh lục quân Prayuth Chan Ocha phải làm rõ số vũ khí này là để cho duyệt binh hay đảo chính.
Lãnh đạo phe đối lập Suthep Thaugsuban đến giờ vẫn bác bỏ thông tin có sự lôi kéo. Theo ông Suthep, “nếu đảo chính xảy ra, đó là vì sai lầm của chính phủ”.
Người phát ngôn của Phuea Thai trước đó đã nói có ít nhất hai tướng quân đội đang ủng hộ PDRC. Tuyên bố này đã bị đại tá Winthai Suwaree, phó phát ngôn quân đội, chỉ trích. Ông đại tá này yêu cầu ông Jatuporn không nên phát tán những tin đồn như vậy.
Những lo ngại xuất phát từ thực tế là ông Suthep có mối quan hệ gần gũi với cựu bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwan và cựu tư lệnh lục quân Anupong Paochinda - và cả hai người này có liên hệ mật thiết với Đảng Dân chủ có ảnh hưởng quan trọng đối với tư lệnh Prayuth hiện tại.
Tin đảo chính càng được tin hơn khi bản thân ông Prayuth không công khai loại trừ khả năng đảo chính. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông úp mở: “Quân đội không đóng hay mở cánh cửa với đảo chính. Điều gì cũng có thể xảy ra, tùy thuộc vào tình huống”.
Trong cuộc đảo chính hồi năm 2006, các tướng lĩnh quân đội cũng liên tục bác bỏ thông tin sẽ tiến hành đảo chính cho đến khi đưa xe tăng tiến vào thủ đô vào tháng 9. Các thông tin sau này nói kế hoạch lật đổ thực tế đã được chuẩn bị cách đó hơn nửa năm trời.
Bangkok Post trích một nguồn tin thân cận với thủ tướng nói bà Yingluck từng có lần nói hài hước với ông Prayuth rằng “cứ làm đảo chính đi” để bà có thể được nhẹ nợ.
Tướng Prayuth đến giờ vẫn chưa trả lời nhưng câu trả lời có thể sẽ đến rất sớm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận