27/09/2011 08:03 GMT+7

Xuống đường "chiếm lấy Phố Wall"

ANH THƯ (Theo ABC, Daily Mail, Bloomberg)
ANH THƯ (Theo ABC, Daily Mail, Bloomberg)

TT - Nhiều tờ báo Mỹ và Anh đang tiếp tục đưa tin về cuộc biểu tình từ suốt một tuần qua thu hút hàng chục ngàn người Mỹ tham gia tại quận tài chính của New York: Phố Wall, theo lời kêu gọi mang tên “Occupy Wall Street” (Hãy chiếm lấy Phố Wall) trên mạng.

xeCh0Ja7.jpgPhóng to

Một người biểu tình mang mặt nạ của nhóm Anonymous và tham gia cuộc xuống đường “Chiếm lấy Phố Wall” với khẩu hiệu “Chúng tôi là những kẻ bị khinh rẻ, chứ không phải là những tên khủng bố“ - Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình mở đầu hôm 17-9 khi khoảng 1.500 người tụ tập tại công viên Bowling Green, Manhattan, nơi có tượng con bò tót vốn là biểu tượng của Phố Wall, và tại khu vực đặt trụ sở của Công ty chứng khoán New York NYSE Euronest, Ngân hàng Mellon Corp, các chi nhánh của nhiều công ty tài chính lớn như Bank of America, Morgan Stanley, Citigroup... Từ cuối tuần trước, những người biểu tình đã cắm trại tại Phố Wall, ngủ trên các hộp cactông, ăn pizza bữa trưa và bữa tối bằng cách góp tiền chung với nhau. Khoảng 200 người hiện còn trụ lại đến nay.

99% và 1%

Mặc dù các nhà tổ chức sự kiện trên đã khẳng định sẽ không sử dụng bạo lực, một số nhà bình luận của các phương tiện truyền thông và trong lĩnh vực tài chính vẫn lo ngại tình trạng bất ổn sẽ gia tăng.

Và cảnh sát đã vào cuộc. Theo ABC, một đoạn phim do nhóm biểu tình cung cấp vào ngày thứ 9 của cuộc chiếm giữ Phố Wall này (25-9) tố cáo cảnh sát đã sử dụng súng điện và gậy để kiểm soát đám đông. Một đoạn phim trên trang mạng của Occupy Wall Street lại cho thấy cảnh sát đã dùng gậy tấn công một phụ nữ trẻ tuổi đang bị nhốt trong một tấm lưới. Một số đoạn phim khác cho thấy cảnh sát ném người biểu tình xuống đất dù không rõ lý do. Một đoạn khác lại cho thấy cảnh sát dùng những chiếc lưới lớn để “lùa” người biểu tình khỏi Phố Wall.

Cristina Gonzalez, 25 tuổi, bị bắt hôm 24-9, cho biết qua điện thoại từ trong thùng sau xe cảnh sát: “Chúng tôi đã không bị buộc tội, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi đang ở tại quảng trường One Police, có 16 người chúng tôi trong thùng sau chiếc xe và một người đàn ông cần được chăm sóc y tế”.

Tối chủ nhật 25-9, một nhóm người biểu tình đã diễu hành từ công viên Zuccotti đến quảng trường One Police và đến khu vực cảnh sát số 5 tại Chinatown để tìm kiếm những người đã bị bắt vào hôm trước.

Một người phát ngôn Sở Cảnh sát New York xác nhận cảnh sát đã bắt giữ gần 80 người vào hôm 24-9, chủ yếu do hành vi gây mất trật tự và tắc nghẽn giao thông của họ. “Một người đã bị bắt do tấn công cảnh sát” - bà khẳng định. Tuy nhiên, người phát ngôn này bác bỏ việc cảnh sát đã dùng gậy và súng điện hay lưới để đàn áp người biểu tình.

Những người biểu tình tuyên bố: “Có hàng triệu người trong quận này không có việc làm, nhưng 1% trong số những người ở đây lại chiếm giữ đến 99% lượng tiền”. Trang mạng của cuộc biểu tình Occupy Wall Street cũng tuyên bố: “Điểm chung duy nhất giữa chúng tôi là 99% chúng tôi sẽ không tiếp tục chịu đựng sự tham lam và tham nhũng của 1% còn lại”.

Những người tham gia biểu tình cho rằng các tập đoàn tài chính đã tác động xấu đến nền chính trị Mỹ và đã không có hành động tích cực nào để góp sức giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tạp chí trực tuyến ADbusters, trong một tuyên bố trên trang mạng của Occupy Wall Street, đã tỏ ra giận dữ với cái mà tạp chí này gọi là “lợi nhuận nhiều hơn và đứng trên tất cả” của Phố Wall. Tạp chí này kêu gọi cần sự thay đổi không chỉ trong chính sách kinh tế của Mỹ mà còn yêu cầu những thay đổi trong chính sách giáo dục và nhân quyền.

Không có ngoại lệ!

So sánh các cuộc biểu tình trên thế giới gần đây như ở Israel, Ấn Độ, Chile, nhất là ở châu Âu như Athens, Madrid, London, báo Financial Times của Anh nhận xét: “Người ta sẽ nhận ra một ngoại lệ rất rõ ràng trong bức tranh chung ấy, đó là Mỹ. Đất nước này cũng đang phải gánh chịu một sự tăng trưởng ì ạch cùng những bất công xã hội ngày càng trở nên trầm trọng.

Nhưng cho đến nay, sự không hài lòng xã hội, cả ở phía tả lẫn phía hữu như với Đảng Trà chẳng hạn, chỉ thể hiện qua các phương tiện truyền thông và qua lá phiếu chứ không phải trên đường phố. Văn hóa chính trị Mỹ luôn mang tính cá nhân hơn, chứ không mang tính bình quân như ở các nước khác. Ở Mỹ, những ai thành công thì kiếm được nhiều tiền, song những sai lầm thì phải trả giá rất đắt”.

Rõ ràng, với cuộc xuống đường “Chiếm lấy Phố Wall” này, nước Mỹ cũng không có ngoại lệ nào trước bất công, trước phân hóa giàu nghèo ngày càng không thể chấp nhận được, khi người giàu Mỹ cứ ngày càng giàu hơn, còn người nghèo ngày càng nghèo hơn.

ANH THƯ (Theo ABC, Daily Mail, Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên