Phóng to |
Phóng to |
Bé Bình Thanh chỉ là một trong số hơn 150 trường hợp dân làng Tân Mã cứ chết dần chết mòn vì nước sông Tương nhiễm cadmium nặng trong những năm qua. Câu chuyện đau lòng của họ lại một lần nữa được Thời báo Hoàn Cầu kể lại ngày 24-5 cùng với những khuất tất về hiện trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Trung Quốc hiện nay.
Những cuộc đời bị đánh cắp
Năm năm trước (2006), câu chuyện người làng Tân Mã bị nhiễm độc cadmium đã gây chấn động Trung Quốc khi được đưa lên mặt báo. Những tưởng tình hình đã được cải thiện, nhưng năm năm đã trôi qua mà tình hình vẫn không hề có biến chuyển gì.
Con sông dài nhất tỉnh Hồ Nam này vẫn mang nặng trong lòng những thứ chất độc hại, kéo theo cuộc sống khốn khổ của người dân làng này mỗi ngày qua khi nguồn đất và nguồn nước ngày một tồi tệ mà họ lại chẳng biết bấu víu vào đâu.
Uất ức vì con gái chết oan, ba năm qua ông Lưu Quý An cùng vợ cứ âm thầm thu thập chứng cứ và hình ảnh để tố cáo Nhà máy mạ điện Long Đằng, nằm ở làng Tân Mã, chính là thủ phạm gây ra cái chết của con mình và làm hàng trăm người dân khác nhiễm bệnh. “Con gái tôi đã không còn cơ hội nhìn thấy thế giới này nữa” - người nông dân 39 tuổi ở làng Tân Mã này nói trong nỗi u uất.
Năm 2010, ông Lưu và vợ đã đâm đơn kiện Công ty Long Đằng lên tòa án địa phương. Thế nhưng, cửa quan chỉ tuyên phạt công ty này bồi thường 6.000 nhân dân tệ (922,9 USD) cho cái chết tức tưởi của con gái họ. Hai vợ chồng lại đi kiện cửa quan trên ở tận Bắc Kinh.
“Một mạng sống sao có thể có cái giá chỉ 6.000 nhân dân tệ?” - bà Y Tiểu Miêu, mẹ của bé Bình Thanh, nói.
Cũng như dòng sông Tương, nhiều dòng sông ở miền nam Trung Quốc đang oằn mình gánh chịu ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu khai khoáng đổ xuống. Thời báo Hoàn Cầu cho biết giới chủ khai thác quặng mỏ, sau khi vét sạch tài nguyên, đã bỏ lại hàng trăm hecta đất nhiễm độc, hàng chục con sông ô nhiễm nghiêm trọng mà ước tính phải mất đến hàng trăm năm sau mới hồi phục nổi.
Và người dân nghèo ở các thôn làng trong các vùng mỏ của các tỉnh Hồ Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu cứ mãi phải đặt cược sinh mạng mình trên miệng hố tử thần để có được miếng cơm mỗi ngày.
Tuần báo Kinh Tế Trung Quốc dẫn chứng nông dân ở huyện tự trị dân tộc Hoàn Giang Mao Nam (tỉnh Quảng Tây) đang bị ba mối nguy đe dọa khi một mỏ than đã bắt đầu hoạt động ngay giữa vùng đất sinh sống của họ: đất đai trong vùng đang bị xỉ than bao phủ, nước thải từ mỏ than chảy vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, hệ thống nước ngầm đang bị kim loại từ mỏ than thẩm thấu. Người dân đã khản cổ mỏi chân đi kiện mà cứ như “đá rơi ao bèo”!
Càng rúng động hơn khi ở huyện Cá Cựu (tỉnh Vân Nam), hơn 100.000 tấn xỉ arsenic đã tồn tại trong nguồn đất và nước vài chục năm qua nhưng chính quyền vẫn chưa để tâm đến. Dân ở đây đã phải tự cứu mình bằng cách xây các bờ đê bao bằng đất xung quanh những khu vực chất thải arsenic này, nhưng nguồn nước sông, nước ngầm và mùa màng của họ vẫn bị nhiễm arsenic nặng.
“Chính quyền bỏ dân đến chết”
Chính quyền Tân Mã đã ra lệnh cấm canh tác trên vùng đất trong vòng bán kính 500m tính từ bờ sông Tương và đền bù cho mỗi hộ nông dân có đất canh tác trong khu vực này 500 nhân dân tệ/mẫu. Quyết định này đang gây bất mãn trong dân cư ở sông Tương bởi gánh nặng mưu sinh càng đè nặng lên vai họ khi đất canh tác bị mất.
Một số nông dân để sinh tồn vẫn liều canh tác trên đất bị ô nhiễm và dùng nguồn nước nhiễm cadmium để tưới tiêu. Một nông dân ở đây nói: “Sợ chính quyền là một chuyện, nhưng nuôi sống gia đình tôi là chuyện khác”.
Đất và nước đều bị nhiễm độc, chính quyền địa phương chỉ cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân trong vòng vài tháng sau khi vụ bê bối “sông Tương nhiễm độc” đươc khui ra năm 2006. Từ đó đến nay người dân dọc sông Tương thiếu nước uống, thiếu lương thực nhưng chính quyền không có biện pháp hỗ trợ cụ thể nào.
Nông dân Đàm Đình Huy cho biết hằng tháng ông đành phải bỏ ra 200 nhân dân tệ mua nước uống từ làng Mã Gia Hà cạnh bên để uống dần và dùng nước ô nhiễm từ sông Tương để tắm rửa, kết quả là “cơ thể tôi nổi mẩn đỏ và nổi ban do tắm nước bẩn quanh năm”.
“Chính quyền địa phương không ngó ngàng gì đến chúng tôi, họ đã bỏ chúng tôi đến chết” - Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Đàm.
Thiếu minh bạch trong thông tin ô nhiễm
Năm 2011, Chính phủ trung ương Trung Quốc đã cam kết cấp 59,5 tỉ nhân dân tệ (9,16 tỉ USD) để khắc phục ô nhiễm dọc sông Tương trong 10 năm tới.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng vấn đề nhiễm độc sông Tương, đất làng Tân Mã chết dần chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm trong vấn nạn ô nhiễm ở Trung Quốc hiện nay, cá biệt là vùng miền nam nước này. “Ô nhiễm môi trường đã tồn tại khắp nơi trong thời gian rất dài nhưng nhiều vụ đã bị bưng bít” - ông Trần Đồng Bân, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sự hồi phục môi trường thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, nhận định.
Theo ông Trần, ô nhiễm kim loại nặng đang xảy ra nghiêm trọng ở miền nam Trung Quốc, nơi mà ngành khai khoáng đang bùng nổ. “Kim loại nặng không chỉ làm ô nhiễm đất mà còn làm ô nhiễm các vùng trồng lúa rộng lớn ở Hồ Nam và Giang Tây” - ông Trần nói.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh đưa ra hồi tháng 2-2011 cho biết 10% gạo của Trung Quốc nhiễm chất cadmium đã gióng lên hồi chuông báo động cho nền nông nghiệp nước này.
Bộ Tài nguyên và đất đai Trung Quốc ước tính hàng trăm hecta đất ở Trung Quốc nhiễm kim loại nặng và hơn 12 triệu tấn ngũ cốc cũng bị nhiễm mỗi năm. Theo Thời báo Hoàn Cầu, năm 2010 Chính phủ trung ương Trung Quốc đã triển khai cuộc nghiên cứu đất nông nghiệp nhiễm kim loại nặng nhưng chi tiết và kết quả nghiên cứu vẫn chưa được công bố.
“Các bộ ngành quan ngại kết quả nghiên cứu sẽ làm người dân hoảng sợ” - một chuyên gia về môi trường yêu cầu giấu tên đã trả lời trên báo Thanh Niên Trung Quốc.
“Chính phủ nên minh bạch hơn và công bố những con số cụ thể với cộng đồng và nên cho họ biết tình trạng ô nhiễm đang trầm trọng đến mức nào” - ông La Trung Vĩ, chuyên gia Viện Kinh tế công nghiệp Trung Quốc, nói.
Hạn hán nghiêm trọng nhất trong 50 năm ở Trung Quốc Khu vực miền trung và miền nam Trung Quốc hiện hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ năm 1954. Lưu lượng nước trên Động Đình Hồ, hồ lớn thứ hai ở Trung Quốc nằm trên sông Dương Tử, hiện thấp hơn 73% so với cùng kỳ năm 2010. Trung Quốc đã yêu cầu ban quản lý đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất Trung Quốc, xả thêm 12.000m3 nước/giây để tăng lưu lượng nước cho các nhánh sông Dương Tử ở vùng trung và hạ lưu. Chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc, 1.400 hồ chứa nước hiện không đủ nước để sản xuất điện. Hơn 10 triệu người và 1,2 triệu hecta đất nông nghiệp ở tỉnh này đang bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra. Nhật báo Trung Quốc ngày 25-5 cho biết từ tháng 3-2011, hàng loạt doanh nghiệp ở khu vực duyên hải và các tỉnh Giang Tô, An Huy, Hồ Nam, Hồ Bắc và Chiết Giang đang gặp khó khăn do bị cắt điện luân phiên vì mực nước ở các hồ thủy điện giảm, kéo theo sản lượng điện cũng giảm đáng kể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận