29/03/2011 08:09 GMT+7

Châu Âu biến động vì nợ công

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục đẩy nhiều nước châu Âu đến những biến động chính trị - xã hội nóng bỏng.

URkgI0m2.jpgPhóng to

Châu Âu biến động vì nợ công

Hôm 21-3, hàng trăm nông dân biểu tình ở Bulgaria để đòi khoản trợ cấp nông nghiệp 220 triệu USD đến nay chính quyền vẫn chưa trả đủ do gánh nặng nợ nần và tăng trưởng thấp. Một số cuộc biểu tình khác cũng nổ ra để phản đối mức lương quá thấp. Hiện mức lương trung bình ở Bulgaria khoảng 504 USD/tháng, trong khi mức lương hưu chỉ 187 USD/tháng.

Là một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào xuất khẩu, Bulgaria bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu và cả năm 2010 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,2%. Chính quyền Bulgaria đã phải áp dụng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Tại Anh, báo The Guardian đưa tin cảnh sát đã khởi tố 149 người trong tổng số 201 người bị bắt trong cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng ở London hôm 27-3. Khoảng 250.000-500.000 người đã tham gia cuộc biểu tình này, do các nghiệp đoàn lao động tổ chức để phản đối việc chính phủ áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo để giảm thâm hụt.

Mới đây chính quyền London tuyên bố có lắng nghe nguyện vọng của người dân nhưng sẽ không thay đổi chính sách giảm thâm hụt. Báo Independent cho biết chính quyền Anh lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu 135,9 tỉ USD từ năm 2011-2015. Mục tiêu là nhằm giảm thâm hụt từ 10% GDP của năm 2010 xuống còn 1,1% vào năm 2015-2016.

Các cơ quan chính phủ phải cắt giảm 19% chi tiêu trong vòng bốn năm tới, dẫn đến việc phải cắt giảm hàng trăm ngàn việc làm. Chính quyền đã tăng hàng loạt khoản thuế, trong đó có việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 17,5% lên 20% đối với phần lớn hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, chính quyền cũng cắt giảm nhiều khoản trợ cấp xã hội, trong đó có trợ giá nhiên liệu mùa đông cho người ở độ tuổi hưu trí.

Ở Pháp, tình hình chính trị đang biến động mạnh. AFP ngày 28-3 đưa tin đảng UMP của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương hôm 27-3. Đảng Xã hội giành được 36% số phiếu bầu trong khi đảng UMP chỉ có 20% số phiếu. Đây được xem là phép thử quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4-2012. Giới quan sát nhận định đây là thông điệp mà các cử tri Pháp muốn gửi tới Tổng thống Sarkozy.

Trong thời gian qua, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Sarkozy đã sụt giảm xuống dưới 30% do người dân phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của ông nhằm hạn chế nợ công của Pháp và giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2013. Hiện mức thâm hụt ngân sách của Pháp vào khoảng 7,7% GDP. Nợ công nước này hồi năm 2010 lên đến 2.100 tỉ USD, tương đương 83,5% GDP. Năm 2010 kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 1,5%, tỉ lệ thất nghiệp hiện khoảng 9,5%.

Tổng thống Bồ Đào Nha đã gặp Chủ tịch quốc hội Jaime Gama ngày 28-3 để thảo luận về việc tổ chức bầu cử sớm. Trước đó ngày 23-3, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates đã từ chức sau khi quốc hội bác bỏ kế hoạch thắt lưng buộc bụng của ông. Bồ Đào Nha đến hạn trả nợ 6,3 tỉ USD vào tháng 4 và 13 tỉ USD vào tháng 6. Theo báo Wall Street Journal, hầu như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ cần cứu trợ tài chính, ít nhất là 99 tỉ USD. Nợ công Bồ Đào Nha chiếm 83% GDP và thâm hụt ngân sách vào khoảng 7,3% GDP.

Giới quan sát nhận định Tây Ban Nha sẽ sớm rơi vào nguy cơ do tăng trưởng năm 2010 chỉ đạt 0,9%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20%. Theo nhiều dự báo, các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ cần ít nhất 70 tỉ USD để chống lỗ. Cơn ác mộng nợ nần châu Âu sẽ không dừng lại. Có thể rút ra nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng này.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên