Phóng to |
Các kỹ sư làm việc trong bóng tối tại Nhà máy Fukushima Daiichi - Ảnh: Reuters |
Kyodo News đưa tin ngày 24-3, các kỹ sư TEPCO và lực lượng cứu hỏa Tokyo tiếp tục phun thêm 500 tấn nước biển vào các lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi. Nhờ đó, nhiệt độ tại lò phản ứng số 1 đã giảm từ mức nguy hiểm 4000C hôm 23-3 xuống còn 2430C. Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật cho biết lò phản ứng này đã ổn định trở lại nhưng vẫn sẽ được theo dõi chặt chẽ.
TEPCO cho biết ô nhiễm phóng xạ tiếp tục gia tăng quanh khu vực Nhà máy Fukushima Daiichi. Ở một nhà máy nước cách đó 330m, tỉ lệ phóng xạ trong không khí cao gấp 147 lần mức cho phép, tăng so với ngày 21-3 cao gấp 127 lần mức cho phép. Các khảo sát cho thấy sự tồn tại rất lớn của những đồng vị phóng xạ như cesium-134 và cesium-137.
Ba công nhân nhiễm xạ
Theo Đài truyền hình NHK, hai công nhân làm việc tại Nhà máy Fukushima Daiichi đã phải nhập viện vì bị nhiễm xạ ở chân với mức độ 170-180 millisievert sau khi giẫm phải một vũng nước nhiễm phóng xạ. Họ được đưa đến Viện Khoa học phóng xạ quốc gia để được chữa trị. Một công nhân khác cũng bị nhiễm xạ ở mức cao nhưng chưa cần chữa trị. Thông thường, giới hạn nhiễm xạ đối với công nhân nhà máy điện hạt nhân ở Nhật là 100 millisievert (nhiễm xạ từ mức này trở đi có nguy cơ gây ung thư). Tuy nhiên, gần đây Bộ Y tế Nhật nâng giới hạn đối với các công nhân Nhà máy Fukushima Daiichi lên 250 millisievert.
9.253 người thiệt mạng, 16.094 người mất tích, phần lớn ở các tỉnh Miyagi, Iwate và Fukushima, theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật. 309 tỉ USD thiệt hại vật chất do thảm họa động đất - sóng thần gây ra, vượt xa trận động đất Kobe ở Nhật năm 1995 và bão Katrina ở Mỹ năm 2005. |
TEPCO xác nhận sẽ chuyển sang phun nước ngọt vào các lò phản ứng nhưng không giải thích lý do vì sao. Theo các chuyên gia hạt nhân, phun nước biển vào các lò phản ứng nóng làm nước biển bốc hơi, dẫn đến tình trạng muối tích tụ ở các lò phản ứng.
Ước tính đã có 25.854kg muối tích tụ ở lò phản ứng số 1, 44.900kg muối tích tụ ở lò số 2 và con số tương tự ở lò số 3 do hai lò này lớn hơn lò số 1. Hiện tượng muối tích tụ có thể tạo ra các lớp cứng trên các thanh nhiên liệu uranium. Nếu lớp muối cứng này trở nên quá dày sẽ làm các thanh nhiên liệu nóng lên, thậm chí tan chảy và xả nhiều phóng xạ ra môi trường.
Theo Kyodo News, hiện các kỹ sư và công nhân TEPCO đã khôi phục nguồn điện từ bên ngoài tới sáu lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Daiichi. Tuy nhiên, họ phải kiểm tra từng thiết bị trước khi mở lại hệ thống điện. Nếu được khởi động lại, hệ thống làm mát các lò phản ứng có thể ổn định trở lại. Tuy nhiên, TEPCO thừa nhận sẽ phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới có thể hoàn thành sứ mệnh khó khăn này. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá đã có “tiến triển tích cực”, nhưng tình hình ở nhà máy vẫn “rất đáng ngại”.
Lo lắng vì nước máy nhiễm xạ
Vấn đề nước máy và thực phẩm nhiễm xạ đang gây lo lắng tại Nhật. Báo Asahi cho biết ngày 24-3, các xét nghiệm cho thấy tỉ lệ phóng xạ trong nước máy ở thủ đô Tokyo đã giảm xuống còn 79 becquerel/kg, thấp hơn giới hạn dành cho trẻ dưới 1 tuổi là 100 becquerel/kg (300 becquerel/kg đối với người lớn).
Tuy nhiên, nước máy ở thành phố Kawaguchi thuộc tỉnh Saitama lại nhiễm xạ ở mức 210 becquerel/kg. Ở tỉnh Chiba, nhà chức trách yêu cầu các gia đình thuộc 11 thành phố trong tỉnh không dùng nước máy cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Tại Tokyo, người dân vẫn tiếp tục đổ xô đi mua nước bình, làm các siêu thị “cháy” hàng. “Khách đổ đến đông nghịt nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì” - Reuters dẫn lời anh Masayoshi Kasahara, nhân viên một siêu thị ở phía đông Tokyo. Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Thành Thông, sinh viên ĐH Yokohama, cho biết từ hai ba ngày qua anh đã mua thêm bình nước dự trữ tại nhà. “Trước khi có thông tin nhiễm xạ, tôi uống thẳng nước từ vòi mà không cần nấu sôi, nhưng giờ thì không dám - anh cho biết - Ở Tokyo hiện đang rất thiếu nước đóng chai, mua rất khó”.
Còn chị Phạm Xuân Thu Vân, thạc sĩ quan hệ quốc tế đang làm việc ở Tokyo, cho biết nhiều gia đình, trong đó có gia đình chị, tạm thời chuyển sang ăn các loại củ thay vì ăn rau lá, do lo ngại phóng xạ được cảnh báo trong các loại rau này. Nhiều gia đình dự trữ gạo làm các siêu thị đột ngột thiếu hàng trong một vài ngày. “Gia đình tôi chưa có con nhỏ nên vẫn uống nước từ vòi như thường lệ. Nhưng để yên tâm hơn, tôi nấu sôi nước trước khi dùng” - chị cho biết. Theo Kyodo News, chính quyền Nhật đã cung cấp thêm 240.000 bình nước cho Tokyo, đủ để mỗi trẻ trong tổng số 80.000 trẻ em dưới 1 tuổi ở thủ đô có ba bình nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận