15/03/2011 07:09 GMT+7

Lại nổ ở nhà máy Fukushima

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hai vụ nổ đã xảy ra ở lò phản ứng hạt nhân số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) vào ngày 14-3, theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

Read this on Tuoitrenews.vn

WmtyUDGy.jpgPhóng to
Nhân viên y tế kiểm tra dấu hiệu phóng xạ trên cơ thể người dân thành phố Nihonmatsu ở tỉnh Fukushima - Ảnh: AFP

Theo Kyodo News, sóng chấn động lan rộng tới 40km, một cột khói khổng lồ bốc lên bầu trời. Nhà chức trách Nhật cho biết có 11 công nhân nhà máy bị thương, trong đó một người bị thương rất nặng. Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết đây là những vụ nổ khí hydro, lò phản ứng hạt nhân số 3 chưa bị hư hại gì và khả năng rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng là thấp.

Trong khi đó, theo Hãng tin Jiji, hệ thống làm mát của lò phản ứng hạt nhân số 2 của Nhà máy Fukushima Daiichi cũng đã hỏng và có khả năng sẽ xảy ra cháy nổ tương tự. TEPCO dự tính sẽ mở một hay nhiều lỗ thoát trên mái tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân số 2 để cho áp lực thoát ra nhằm tránh một vụ nổ khí hydro khi tích tụ.

Đến đêm qua, mực nước làm mát sụt giảm trong lò phản ứng số 2 do máy bơm nước hết nhiên liệu dẫn đến tình trạng các thanh nhiên liệu hạt nhân dài 4m ở lò phản ứng này đã lộ ra ngoài tới 3,7m. TEPCO thừa nhận không thể loại bỏ khả năng các thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ tan chảy do quá nóng.

Trong ba ngày qua, TEPCO đang chật vật kiểm soát hai lò phản ứng hạt nhân số 1 và số 3 ở Nhà máy Fukushima Daiichi do hệ thống làm mát của chúng bị hỏng. Ngày 12-3, vụ nổ đầu tiên đã làm sập tòa nhà bao quanh lò phản ứng hạt nhân số 1, dù vỏ bọc thép của nó vẫn còn nguyên vẹn. Lõi của lò phản ứng 1 và 3 đã tan chảy một phần. Mới đây Nhật cho biết đã đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cử một nhóm chuyên gia tới Nhật để hỗ trợ đối phó với khủng hoảng hạt nhân.

Tàu hải quân Mỹ trốn chạy phóng xạ

Báo Washington Post đưa tin ngày 14-3, bất chấp các báo cáo tích cực từ phía TEPCO, hạm đội số 7 của hải quân Mỹ đã rút tàu và máy bay ra khỏi khu vực ngoài khơi gần Nhà máy Fukushima Daiichi sau khi phát hiện tình trạng ô nhiễm phóng xạ ở cấp độ 4 trên thang cấp độ quốc tế từ 0-7. 17 sĩ quan Mỹ đã bị nhiễm phóng xạ. Ba trực thăng chở số sĩ quan này đã bay qua một đám bụi phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi khi đang trên đường thực hiện nhiệm vụ cứu trợ cách đó 96km.

Ba trực thăng này đáp xuống tàu sân bay USS Ronald Reagan, lúc đó đậu cách nhà máy khoảng 160km về phía đông bắc. Các máy đo trên tàu phát hiện tình trạng ô nhiễm phóng xạ và 17 sĩ quan này đã được yêu cầu hủy bỏ quần áo đang mặc trên người và tắm chống ô nhiễm. “Họ bị nhiễm một lượng phóng xạ nhỏ - Washington Post dẫn lời ông Jeff A. Davis, người phát ngôn hạm đội 7 - Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ hiện tượng này để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm”.

Cơ quan khí tượng Nhật (JMA)cho biết gió đã thổi phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi xuống phía nam về hướng thủ đô Tokyo cách đó 250km. Tuy nhiên, gió thổi chậm và hướng gió thường thay đổi ở tốc độ chậm.

Đến nay đã có 210.000 người sống trong bán kính 20km tính từ Nhà máy Fukushima Daiichi được di tản, 22 người đã bị nhiễm phóng xạ và 190 người bị nghi nhiễm. Tuy nhiên, vẫn còn gần 750 người, phần lớn là người già, người bệnh, nhân viên y tế thuộc ba bệnh viện và cơ sở y tế trong vùng, vẫn chưa được di tản.

Theo báo Telegraph, khoảng 90.000 người từ khu vực được di tản đã đến thành phố Koriyama kế cận. Từ hôm 13-3, dòng người dài dằng dặc đã xếp hàng để được tắm chống nhiễm xạ. Nhà chức trách Nhật đã phát iôt đến các trung tâm di tản cho người dân. Iôt có tác dụng ngừa ung thư tuyến giáp trong trường hợp bị nhiễm phóng xạ.

Iq4QSlyL.jpgPhóng to
Cư dân Nhật trốn chạy khỏi khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima trú ẩn trong một trung tâm khẩn cấp ở thành phố Kawamata - Ảnh: Reuters

Khó có khả năng như Chernobyl

Báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia nguyên tử Nhật và Mỹ am hiểu về thiết kế Nhà máy Fukushima Daiichi cho biết việc binh sĩ Mỹ bị nhiễm xạ cho thấy có khả năng ô nhiễm phóng xạ, dù thấp, đang xảy ra ở phạm vi rộng. Điều đáng nói là TEPCO sẽ buộc phải xả hơi nước chứa phóng xạ từ nhà máy nhằm làm mát ba lò phản ứng hạt nhân. TEPCO sẽ phải liên tục đổ nước biển vào các lò phản ứng và xả hơi nước chứa phóng xạ ra môi trường. Điều đó có nghĩa hơn 210.000 người đã di tản có thể sẽ không được trở về nhà trong một thời gian dài và gió có thể thổi hơi phóng xạ tới các thành phố ở Nhật.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ: “Kể cả trong tình huống tích cực nhất thì cuộc khủng hoảng hạt nhân này cũng còn lâu mới chấm dứt”. Dù vậy, giáo sư nguyên tử James F. Stubbins thuộc ĐH Illinois cho rằng dù mối nguy cơ rất lớn nhưng khó có khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân tương tự như vụ Chernobyl, bởi không giống như Chernobyl, các lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi đều có vỏ bọc bằng thép đủ sức hạn chế phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài.

Kinh tế Nhật thiệt hại 180 tỉ USD

Thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mà còn gây thiệt hại vật chất cực lớn và là cú đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nhật.

Theo ước tính của các chuyên gia tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse, thiệt hại kinh tế của các vùng bị động đất - sóng thần tàn phá lên tới 171-183 tỉ USD. Hãng tư vấn AIR Worldwide xác định chi phí bảo hiểm của riêng trận động đất đã lên đến 35 tỉ USD, gần bằng toàn bộ thiệt hại do thiên tai của ngành bảo hiểm toàn cầu năm 2010. Trong khi đó, Hãng Eqecat ước tính tổng thiệt hại vào khoảng 100 tỉ USD, bao gồm 20 tỉ USD thiệt hại về nhà cửa và 40 tỉ USD thiệt hại hệ thống hạ tầng và giao thông công cộng.

Động đất - sóng thần là cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp Nhật. Hàng loạt nhà sản xuất lớn đã phải dừng hoạt động các nhà máy. Các hãng xe hơi Honda, Nissan và Toyota cho biết dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất ở Nhật cho đến ít nhất đầu tuần này. Hãng Sony đóng cửa ít nhất sáu nhà máy ở tỉnh Miyagi và Fukushima. Mitsubishi và Suzuki cũng dừng toàn bộ hoạt động trong nước. Chính phủ cảnh báo việc các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện và gây mất điện trên diện rộng. Theo các chuyên gia, thảm họa kép vừa qua có thể đẩy nền kinh tế Nhật vào suy thoái trong một hoặc hai quý tới.

Động đất - sóng thần Nhật cũng khiến thị trường chứng khoán châu Á chấn động. Thị trường Nhật hôm 14-3 giảm tới 6,2%, trong đó cổ phiếu Công ty Điện lực Tokyo và các công ty vận tải đường sắt giảm tới hai con số. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật đã bơm 184 tỉ USD vào thị trường tài chính nhằm phục hồi sự ổn định. Các thị trường Úc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc cũng giảm sâu.

Các thảm họa hạt nhân

* Thế giới từng chứng kiến không ít tai nạn lò phản ứng hạt nhân nghiêm trọng trên thế giới. Từ năm 1952-1977, đã xảy ra bảy vụ tan chảy lõi phản ứng hạt nhân, trong đó có trường hợp hai nhà máy điện dân sự là Fermi 1 ở Michigan, Mỹ năm 1966 và A1 ở Jaslovske Bohunice, CH Czech năm 1977. Tuy nhiên, các vụ tai nạn này không gây ô nhiễm phóng xạ ngoài môi trường.

* Tháng 3-1979, lò phản ứng Đơn vị 2 của Nhà máy điện nguyên tử Three Mile ở Pennsylvania, Mỹ tan chảy một phần, gây ô nhiễm phóng xạ ngoài môi trường ở mức độ thấp. Theo ước tính của Tổ chức Nguyên tử thế giới, hoạt động làm sạch tại Nhà máy Three Mile kéo dài tới 12 năm, tốn 973 triệu USD. Các ước tính năm 2007 xác định tổng thiệt hại của tai nạn này khoảng 2,4 tỉ USD. Tai nạn hạt nhân này được xếp cấp độ 5 trên thang cấp độ thế giới từ 0-7.

* Tai nạn nguyên tử nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người là thảm họa Chernobyl, xảy ra ngày 26-4-1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine. Hàng loạt vụ nổ tại nhà máy đã dẫn đến việc một lượng lớn phóng xạ bay ra không khí. Phóng xạ bay sang các khu vực lớn ở Liên Xô, Đông Âu, Tây Âu và Bắc Âu. Khoảng 336.000 người ở Ukraine, Belarus và Nga bị di dời vĩnh viễn.

Sau tai nạn, 237 người bị nhiễm xạ nặng và 31 người thiệt mạng trong ba tháng đầu tiên. Tổng cộng 4.000 trường hợp thiệt mạng trong những năm sau đó có liên quan đến thảm họa Chernobyl. Tổng thiệt hại do thảm họa này gây ra lên đến 200 tỉ USD. Tai nạn hạt nhân Chernobyl được xếp vào cấp độ 7.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên