15/03/2011 07:05 GMT+7

Nhật Bản: tang thương các thị trấn ven biển

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân ở tỉnh Miyagi ngày 14-3: hơn 2.000 thi thể được tìm thấy dọc các bãi biển của tỉnh, nâng số người thiệt mạng có thể lên đến gần 14.000 người và hàng ngàn người khác mất tích.

SdPFkziY.jpgPhóng to
Lính cứu hộ khiêng thi thể một nạn nhân ở thị trấn Otsuchi, tỉnh Iwate - Ảnh: Reuters

Tính đến ngày 14-3, số người chết và mất tích do động đất và sóng thần ở khu vực đông bắc và miền đông Nhật Bản đã vượt hơn 5.000 người, trong đó 2.886 người chết và 2.369 người mất tích.

Tuy nhiên, hàng chục nghìn người ở tỉnh Miyagi và Iwate vẫn trong tình trạng “không thể liên lạc”.

Trang Kyodo đưa tin 1.000 thi thể dạt vào bờ biển bán đảo Ojika trong khi 1.000 thi thể khác được tìm thấy ở khu vực thị trấn ven biển Minamisanriku, nơi chính quyền cho biết đã mất liên lạc với hơn 10.000 người - tương đương hơn một nửa dân số thị trấn. Cả thị trấn đã bị phá hủy hoàn toàn sau thảm họa kép vừa qua, chỉ vài tòa nhà còn trụ vững trong khi số còn lại thành đống đổ nát. Một chiếc tàu bị sóng thần đánh vào sâu trong đất liền hơn 3km.

Choushin Takahaski, nhân viên một văn phòng nhà nước ở địa phương, cho biết mọi người đều di tản khỏi thị trấn khi nghe cảnh báo sóng thần. “Một số phải để người già và người tàn tật trên tầng hai. Tôi nghĩ rất nhiều người bị bỏ lại đã chết. Tôi như nhìn thấy đáy biển khi cơn sóng rút đi và cuốn theo nhà cửa, người dân. Tôi không thể nhìn tiếp được nữa” - Choushin nhớ lại cơn ác mộng.

Chỉ 42 người được tìm thấy sống sót tại Minamisanriku hôm 13-2. “Tôi từng đưa về vụ sóng thần (năm 2004 trên Ấn Độ Dương) ở Thái Lan nhưng chưa thấy điều gì như vậy trong đời - nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Adrees Latif mô tả trên Reuters - Tôi dừng chụp hình và chỉ biết đứng nhìn, không tin nổi vào mắt mình”.

Phía nam Minamisanriku, tại thủ phủ Sendai, nhiều khu vực của thành phố biến mất, dưới bùn chỉ còn những tấm ván vỡ vụn ở nơi từng là những tòa nhà. Gần 500 học sinh và giáo viên đang trong một ngôi trường địa phương khi sóng thần ập đến, chỉ một số may mắn thoát ra được. Người dân địa phương cho biết thị trấn bị càn quét bởi những cơn sóng cao bằng ngọn cây. Khoảng 300 người thiệt mạng ở thành phố này. Tại thành phố Soma, một khu dân cư hơn 2.000 người bị quét sạch bởi những cơn sóng dữ.

Một thị trấn khác ở miền đông bắc là Otsuchi (tỉnh Iwate), nơi nổi tiếng với những bãi biển thu hút các đôi tình nhân và các tay lướt sóng, chỉ còn một siêu thị và một ngôi chùa trụ lại giữa bãi hoang tàn. Văn phòng chính quyền thị trấn, nơi thị trưởng và nhiều quan chức đang làm việc, cũng bị cuốn phăng. Các quan chức lo ngại hơn một nửa số dân gần 20.000 người ở thị trấn bị chôn vùi. Lửa cháy ở nhiều nơi và nhiệt độ gần ở mức đóng băng, khiến cơ hội sống và được tìm thấy sống sót của những nạn nhân càng mong manh.

Trên những đống đổ nát là gương mặt gần như tuyệt vọng của những người sống sót tìm kiếm người thân. Rất nhiều người xếp hàng trước những bảng thông báo tại các trung tâm khẩn cấp để chờ đợi tin tức.

Sống sót thần kỳ

TObWAFIy.jpgPhóng to

Ông Hiromitsu Shinkawa trôi lềnh bềnh trên biển nước hơn hai ngày - Ảnh: Reuters

Trong thảm họa tang thương ở Nhật Bản đã có những câu chuyện sống sót kỳ lạ. Hãng tin Kyodo tường thuật ông Hiromitsu Shinkawa, 60 tuổi, đã sống sót sau hơn hai ngày lênh đênh ngoài khơi xa 15 km. Ông đã sống sót nhờ bám vào mái một ngôi nhà bị sóng thần cuốn đi. “Tôi đã nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời vì lúc đó máy bay và tàu có đi ngang nhưng không ai phát hiện tôi” - ông Hiromitsu Shinkawa bật khóc ngay khi được lực lượng cứu hộ tiếp cận.

Ông kể lại trong lúc ông và vợ quay lại nhà để lấy vật dụng chạy nạn sau khi có cảnh báo sóng thần, nhưng cả hai chạy không kịp và bị dòng nước hung hãn cuốn đi. Ông sống sót nhờ bám vào mái nhà, còn vợ đã bị cuốn phăng đi và đến nay vẫn chưa biết tông tích. Trong lúc lênh đênh trên biển, người đàn ông 60 tuổi này đã xé một chiếc áo màu đỏ làm cờ kêu cứu.

Trong ngày đầu do thời tiết xấu nên đội tìm kiếm cứu nạn trên không và trên biển không phát hiện, đến ngày thứ hai ông được một tàu cứu hộ thuộc lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cứu sống khi gần như kiệt sức. Ông được chuyển bằng trực thăng đến một bệnh viện trong tình trạng “sức khỏe tốt”.

Ba phụ nữ lớn tuổi khác cũng đã sống sót sau khi chiếc xe hơi của họ bị sóng thần cuốn đi xa. Một phụ nữ khác thì bám vào những cành cây sau khi bị cuốn trôi vòng qua các tòa nhà cao tầng. Bà sống sót khi lênh đênh trong dòng nước nhờ bám vào một tấm thảm sàn nhà trôi gần đấy, cho đến khi vớ được những cành cây và bám vào chờ cứu hộ, còn con gái bà đã bị cuốn trôi và vẫn mất tích. “Tôi đã chờ đợi suốt đêm mới được cứu”- người phụ nữ này kể lại.

42 người đã được phát hiện sống sót ở Minami Sanriku trong những hoàn cảnh tương tự. Hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết tính đến nay đã có 15.000 người được cứu thoát.

Người Nhật ở Việt Nam - Akaishi Hironori (26 tuổi, đang học và làm việc tại TP.HCM): Cơn ác mộng khó quên

Ngay hôm xảy ra sóng thần và động đất lớn, tôi đã điện thoại về cho gia đình ở thành phố Akita. Tuyệt vọng, lo sợ và căng thẳng là tất cả cảm xúc mà tôi phải trải qua trong ngày hôm đó, bởi hoàn toàn không thể liên lạc được với bất kỳ ai.

Tới 12g tối cùng ngày, tôi mới nối máy được với di động của em trai... và đó là lần đầu tôi cảm nhận được khái niệm hạnh phúc tột độ là như thế nào, giọng cả hai đầu dây đều như muốn bật khóc.

Thời tiết lúc đó ở Akita rất lạnh, có tuyết rơi nhưng hầu hết mọi nhà đều mất điện, nước, gas... nên tôi rất lo lắng cho gia đình, người thân của mình. Tôi đã thử điện thoại rất nhiều lần cho bạn bè ở vùng Miyagi (nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sóng thần) nhưng tới tận hôm nay vẫn chưa liên lạc được bất kỳ ai. Thật sự tôi rất đau lòng về điều này.

Tôi nghe người thân nói rất nhiều người dân ở vùng bị sóng thần đang hoảng loạn vơ vét đồ đạc, mua thật nhiều xăng và đồ ăn... để chạy lên phía tây trú nạn do bị ám ảnh bởi những biến động vừa qua (và cả bởi thông tin sóng thần sẽ tiếp tục xảy ra ngay khu vực cũ). Tất cả khiến tâm trí tôi thật sự rối bời, bởi tôi chưa bao giờ ngờ rằng sẽ có ngày quê hương mình phải lâm vào cảnh như vậy.

Cơn ác mộng này chắc chắn sẽ khó quên được trong ký ức của chúng tôi.

Người Việt ở Nhật Bản - Lê Thanh Thiên Vũ (25 tuổi, sinh viên năm 4 ĐH Fukushima): 48 giờ liên tục di chuyển, ba nơi trú ẩn

Trong hai ngày 13 và 14-3, tám sinh viên Việt Nam chúng tôi đang học tại tỉnh Fukushima phải liên tục di chuyển đến ba nơi trú ẩn an toàn khác nhau ở các thành phố Fukushima, Koriyama (thuộc tỉnh Fukushima) và Tokyo.

Ngày 13-3, sau động đất chính quyền kêu gọi người dân không nên ở nhà mà hãy đến các khu vực rộng rãi, an toàn hơn. Tám người chúng tôi nhanh chóng thu xếp một ít vật dụng, mua thực phẩm và nước uống đủ cho ba ngày và chuyển đến sân một ngôi trường tiểu học ở thành phố Fukushima, nơi rất đông người Nhật cũng đang lánh nạn chờ nghe tin tức mới. Nước bị cúp trên toàn thành phố, do đó chúng tôi chỉ được cung cấp nước uống với số lượng có hạn.

Sáng 14-3, truyền hình Nhật loan báo sự cố ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daichi cách chỗ trú ẩn khoảng 80km. Nhiều người Nhật muốn chạy lánh nạn sâu xuống phía nam. Họ khuyên chúng tôi nên đi cùng hoặc trở về nước cho đến khi tình trạng khẩn cấp qua đi.

Chúng tôi hội ý và quyết định sẽ đi sâu xuống Tokyo. Hai bạn gái trong đoàn đang học tiếng Nhật, sẽ tốt nghiệp ngày hôm nay 15-3, nhất quyết không đi nhưng sau đã đồng ý đi trú ẩn cùng mọi người. Theo chỉ dẫn của một số người Nhật, chúng tôi đón xe buýt tới thành phố Koriyama. Rất đông người rồng rắn xếp hàng chờ mua vé xe. Sau nhiều giờ chờ đợi, cuối cùng chúng tôi mua được vé xuất bến lúc 4 giờ chiều.

Trên đường đi, nghe thông tin có người phải xếp hàng cả ngày mới mua được vé máy bay từ Koriyama đi Tokyo, chúng tôi đã nhờ một người quen là người Việt Nam sống lâu năm ở Nhật đang trú nạn ở Koriyama xếp hàng mua vé máy bay cho tám người đi tiếp đến Tokyo. Sau hai giờ, chiếc xe buýt chật cứng đã đến Koriyama. Tại đây, chúng tôi ngủ qua đêm tại một khu nhà trú ẩn để chờ bay đi Tokyo. Nhiều căn nhà tạm trú trở nên quá tải..

Chúng tôi chỉ còn một ít tiền để xoay xở và đều cảm thấy lo lắng, bất an khi phải di chuyển nhiều lần, gấp rút chỉ với ít thực phẩm và hành lý. “Trưa mai chúng tôi sẽ đến Tokyo. Nếu tình hình xấu quá phải mua thêm vé máy bay đi Narita và trở về Việt Nam. Nhưng chỉ sợ không mua được vé máy bay mà thôi”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên