![]() |
Ông Maehara phải ra đi chỉ sau sáu tháng ngồi ghế ngoại trưởng - Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo ngắn hôm 7-3 tại Tokyo, ông Maehara thừa nhận từ năm 2005 ông đã nhận tổng cộng 3.000 USD (chứ không phải là 610 USD như thông tin ban đầu) tiền quyên góp chính trị từ một công dân Hàn Quốc sống tại Nhật. Luật pháp Nhật nghiêm cấm các chính trị gia nhận tiền quyên góp chính trị từ người nước ngoài để ngăn chặn người nước ngoài gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của quốc gia.
Luật là luật!
Thế nhưng, người có thể “gây ảnh hưởng chính trị” lên ông Maehara là ai? Một bà cụ Hàn Quốc 72 tuổi, đã thường trú tại Nhật trong rất nhiều năm, nói tiếng Nhật trôi chảy như người bản xứ và sở hữu một nhà hàng bò nướng ở Kyoto. Bà quen thân với gia đình ông Maehara khi họ chuyển đến Kyoto lúc ông đang học lớp 8. Ông Maehara khẳng định ông không hề biết về khoản quyên góp này và nó chẳng hề ảnh hưởng đến công việc của ông, nhưng luật là luật và ông phải chấp nhận.
Luật quyên góp chính trị ở Nhật cực kỳ nghiêm ngặt. Nếu bị phát hiện cố tình nhận tiền quyên góp từ người nước ngoài, chính trị gia có thể phải ngồi tù tối đa 3 năm hoặc bị phạt 6.000 USD, cũng có thể bị cấm tranh cử hoặc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trong một thời gian.
Vụ việc đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về chính sách nghiêm ngặt của nhà nước Nhật đối với cộng đồng người gốc nước ngoài. Tại Nhật, người nước ngoài rất khó trở thành công dân dù gia đình của họ có thể đã sống ở quốc gia này trong nhiều thế hệ. Hiện có gần 1 triệu người Hàn Quốc đang định cư tại Nhật, phần lớn là con cháu của những người lao động bị ép sang Nhật thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ một số ít được cấp quốc tịch Nhật, do đó phần lớn vẫn bị xem là người ngoại quốc dù đã sống ở Nhật hàng chục năm và coi Nhật là quê hương.
Nội các trong cơn khủng hoảng
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu buộc ông Maehara phải từ chức, theo giới quan sát phương Tây, là do sự chia rẽ quá sâu sắc trên chính trường Nhật. Ông Maehara là một ngôi sao của Đảng Dân chủ Nhật (DPJ), được người dân ưa chuộng vì vẻ ngoài trẻ trung, lịch lãm và có những phát biểu mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ tự do (LDP) đối lập cho rằng ông Maehara đã tạo ra hố sâu ngăn cách với hai nước láng giềng hùng mạnh là Trung Quốc và Nga vì những tuyên bố cứng rắn của ông về các vấn đề lãnh thổ.
Và khi ông Maehara mắc sai lầm, dù không lớn, LDP lập tức tấn công. Sau khi vụ xìcăngđan tiền quyên góp xuất hiện trên báo chí, các quan chức LDP đã ào ạt lên tiếng đòi ông Maehara từ chức. Kẹt nỗi ông Maehara từng nhiều lần chỉ trích dữ dội cựu lãnh đạo DPJ Ichiro Ozawa, người từng dính nhiều xìcăngđan có liên quan đến tiền quyên góp chính trị, khiến nội bộ DPJ gặp nhiều sóng gió! Giờ đến lượt mình, ông Maehara chỉ còn cách từ chức.
Sự ra đi của ông Maehara, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất nước Nhật và là một ứng cử viên cho chiếc ghế thủ tướng, là cú sốc lớn đối với DPJ cho dù sự ổn định là điều xa xỉ đối với chính trường Nhật trong nhiều năm qua. Vụ từ chức của ông xảy ra ngay thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với Thủ tướng Kan, khi tỉ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông chỉ xấp xỉ 20%.
LDP đang kiểm soát thượng viện, và ông Kan đang gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục quốc hội thông qua ngân sách 1.000 tỉ USD cho năm tài khóa mới bắt đầu từ tháng 4. LDP đã thề sẽ ngăn chặn mọi dự luật để buộc ông Kan phải giải tán hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Chưa kể đảng đối lập lớn thứ hai là Tân Komeito cũng đang gây sức ép với ông Kan.
Lãnh đạo Tân Komeito Natsuo Yamaguchi tuyên bố ông Kan chỉ còn hai lựa chọn là giải tán hạ viện hoặc toàn bộ nội các từ chức bởi họ “đã đánh mất niềm tin của người dân”! Do vậy, việc mất đi một thành viên nội các thuộc hàng ngôi sao vào lúc này càng khiến uy tín của ông Kan sa sút.
Dư luận báo chí Nhật cũng tỏ ra bi quan. “Chính quyền Kan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ông Kan nhậm chức hồi tháng 6-2010 - báo Mainichi nhận định - Nó sẽ ảnh hưởng đến việc liệu chính quyền Kan, thậm chí cả Đảng DPJ cầm quyền, có sụp đổ hay không”. Báo Nikkei cũng cho rằng chính quyền Kan “đang đứng trước bờ vực”.
Quan hệ Nhật - Mỹ, vốn trở nên căng thẳng sau khi DPJ lên cầm quyền hồi tháng 9-2009 vì bất đồng trong việc di dời căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, cũng không khỏi bị ảnh hưởng vì sự ra đi của ông Maehara. Ông Maehara là một trong những chính trị gia thân Mỹ nhất trong DPJ và là nhà thương thuyết hàng đầu về vấn đề căn cứ quân sự Okinawa. Ông Maehara cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại được Mỹ ủng hộ nhưng gây chia rẽ tại Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận