* Ít nhất 65 người chết. Hàng trăm người kẹt dưới đống đổ nát
Phóng to |
Hàng chục người có thể đang bị mắc kẹt trong tòa nhà cao tầng Pyne Gould Guiness ở trung tâm thành phố - Ảnh: AFP |
Không có du khách VN kẹt ở Christchurch Theo các công ty du lịch, lữ hành lớn ở TP.HCM, ít có khả năng vào thời điểm động đất có đoàn khách Việt đang ở Christchurch. Tối 22-2, đại diện các công ty du lịch Saigontourist, Vietravel, TST, Bến Thành... đều khẳng định không có khách Việt đang du lịch ở New Zealand. Theo ông Lâm Tứ Khôi - phó phòng du lịch nước ngoài Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, trong năm công ty chỉ có vài tour đưa khách đến New Zealand du lịch, chủ yếu các tour tổ chức ở khu vực thành phố Auckland và một vài điểm du lịch thuộc đảo Bắc, không có tour xuống đảo Nam vì xa, chi phí cao và thời tiết lạnh không phù hợp với du khách VN. |
Trận động đất 6,3 độ Richter xảy ra lúc 12g51 ngày 22-2 (giờ địa phương), thời điểm các văn phòng và những con đường mua sắm ở thành phố lớn thứ hai New Zealand đầy ắp người đang làm việc và học sinh đang học. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn chỉ nằm cách mặt đất 4km và cách thành phố Christchurch chỉ 5km.
Thị trưởng Christchurch Bob Parker mô tả thành phố tươi đẹp với 400.000 dân đã biến thành một “bãi chiến trường”. Hàng chục tòa nhà cao tầng sụp đổ hoàn toàn, trong đó có tòa nhà sáu tầng là trụ sở Đài truyền hình Canterbury TV. Tòa tháp của nhà thờ cổ ở trung tâm thành phố cũng sụp đổ.
Christchurch nằm trên một vùng đất được tạo thành từ bùn, cát và sỏi, phía dưới là các mạch nước ngầm. Khi động đất xảy ra, nước ngầm dâng lên hòa với cát, biến mặt đất thành bãi sình lầy, nuốt gọn nhiều con đường và xe cộ. Có mặt tại Christchurch, Thủ tướng New Zealand John Key mô tả ngày 22-2 là “ngày đen tối nhất” ở New Zealand.
Thị trưởng Parker dự báo số người thiệt mạng sẽ còn tăng cao bởi theo các đội cứu hộ, khoảng 200 người đang bị mắc kẹt trong các tòa nhà đổ nát. Trong đó có 30 người đang nằm dưới đống đổ nát của một tòa văn phòng bốn tầng ở trung tâm thành phố. Một vài tòa nhà bốc cháy dữ dội.
Chính quyền phải điều động trực thăng đến trút nước để dập lửa. Đài truyền hình địa phương TV 3 thông báo các đội cứu hộ đã kéo được nhiều thi thể ra khỏi một khách sạn và một hiệu sách, trong khi nhiều hành khách bị nghiền nát trong một chiếc xe hơi và hai xe buýt.
Các đội cứu hộ phải làm việc suốt đêm qua để tìm kiếm người sống sót.
Phóng to |
Tình trạng khẩn cấp đã được công bố ở Christchurch trong vòng năm ngày để bảo đảm an ninh và cứu hộ.
Hiện sân bay thành phố rơi vào tình trạng tê liệt do đài kiểm soát không lưu bị hư hại. Hàng ngàn hộ gia đình bị mất điện, mạng điện thoại di động trở nên chập chờn. Hệ thống đường sắt và đường cao tốc cũng bị phá hủy nghiêm trọng. Cơn địa chấn mạnh đến mức làm đổ 30 triệu tấn băng từ sông băng Tasman ở công viên quốc gia Aoraki Mt Cook xuống hồ Terminal nằm phía dưới, tạo ra những đợt sóng cao tới 3,5m.
Nhiều người đã thiệt mạng, nhưng cũng có không ít trường hợp thoát chết một cách thần kỳ. Cô Pip Ramby đang ở lầu 7 tòa nhà Canterbury khi thảm họa xảy ra. “Mười người chúng tôi đang ngồi trong phòng họp thì bỗng nhiên đất trời rung chuyển, các bức tường vỡ vụn - cô Ramby bàng hoàng kể lại - Tôi gần như ngất đi, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi tất cả ngừng lại, một người ngẩng đầu lên và thấy mình đang nằm gần mặt đất, trước mặt không còn bức tường chắn nào cả. Chúng tôi gọi mọi người trên phố và họ tới dìu chúng tôi dậy”.
Còn anh Tupi Emery ở tầng 4 một tòa nhà trung tâm và bị mắc kẹt trong đống đổ nát suốt năm giờ. Vẫn tỉnh táo, anh đã nhắn tin bằng điện thoại di động cầu cứu mẹ. Bà cùng mọi người trên đường phố đã đến kéo anh ra khỏi “địa ngục”.
Phóng to |
Các bệnh viện trong vùng đang quá tải do hàng trăm người đến trị thương, phần lớn bị đá và kính rơi vào người. Buổi tối, mưa lớn và nhiệt độ giảm cùng với hàng loạt đợt dư chấn, có đợt mạnh tới 5 độ Richter khiến hoạt động cứu hộ càng trở nên khó khăn.
Đến tối qua, những tiếng kêu cứu vẫn vang lên từ các đống đổ nát. Các quan chức Nhật cho biết một số sinh viên Nhật đã gọi điện về gia đình ở Nhật báo họ đang bị chôn trong đống đổ nát. Khoảng 12 sinh viên Trường ngoại ngữ Toyama (Nhật) đang có mặt ở Christchurch đã mất tích.
Chính quyền New Zealand đã điều động 180 cảnh sát và 350 binh sĩ đến hỗ trợ cứu hộ. Khoảng 450 cảnh sát và binh sĩ khác cũng đang trên đường đến Christchurch.
Thảm họa nghiêm trọng nhất trong 80 năm Trận động đất ngày 22-2 là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở New Zealand trong vòng 80 năm, kể từ cơn địa chấn 7,8 độ Richter ngày 3-2-1931 ở vịnh Hawkes làm 256 người thiệt mạng. Tháng 9-2010, một trận động đất 7,1 độ Richter đã làm hàng trăm tòa nhà ở Christchurch bị hư hại và gây thiệt hại vật chất 3 tỉ USD nhưng không ai thiệt mạng. Tâm chấn nằm sâu trong lòng đất và cách xa Christchurch tới 40km. Chuyên gia James Goff thuộc ĐH New South Wales (Úc) cho biết nhiều tòa nhà ở Chrischurch đã suy yếu sau trận động đất năm ngoái và hơn 1.000 đợt dư chấn sau đó, nên lần này đã sụp đổ như những lâu đài cát! Theo USGS, trận động đất mới đây là một phần của chuỗi dư chấn từ trận động đất ngày 4-9-2010. New Zealand nằm trên “vòng cung lửa Thái Bình Dương” với hơn 15.000 trận động đất mỗi năm, trong đó khoảng 20 trận có cường độ cao hơn 5 độ Richter. Philippines cũng rung rinh Cùng ngày, một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter đã làm các tòa nhà ở Manila rung chuyển khiến nhiều người hoảng loạn. Tuy nhiên không có thông tin về thiệt hại hay thương vong. Theo USGS, tâm chấn trận động đất nằm cách Manila 66km về phía tây nam và sâu 137km dưới lòng biển, do đó không đủ mạnh để gây thiệt hại. Christchurch qua lời kể của 3 người Việt Nam tại chỗ Du học sinh VN tại Christchurch chủ yếu học tập tại Trường đại học Canterbury và Lincoln. Tuổi Trẻ đã gặp và trao đổi qua điện thoại với hai sinh viên VN và đại sứ VN ở New Zealand, những người đang sống tại “trung tâm” của trận động đất. Ghi nhận qua lời kể trực tiếp. * Anh Nguyễn Phước Vĩnh Thuận (sinh viên ĐH Canterbury): Tôi may mắn và đã quay về nơi ở trọ sau khi vụ động đất xảy ra. Liên lạc với tất cả các bạn du học sinh mà tôi biết ở Christchurch thì được biết mọi người đều đã di tản ra khỏi các tòa nhà đến nơi an toàn ngay khi trận động đất xảy ra. Trở về nhà ở khu vực Upper Riccarton, cách trung tâm thành phố 10-12km, tôi thấy đồ đạc trong nhà bị xáo trộn hoàn toàn và máy tính xách tay ở trên bàn cũng bị rơi xuống đất. Các trạm xăng dầu và siêu thị đóng cửa toàn bộ trong phạm vi Christchurch. Tuy nhiên, những nơi du học sinh VN trú ngụ đa số nằm ở vùng ngoại ô nên vẫn có điện và nước. Thời tiết ở Christchurch hiện gần chuyển sang mùa thu nên cũng không lạnh lắm. Lúc này các trường đại học cũng cảnh báo sinh viên không nên đến trường trước khi có các thông báo mới. Từ 12g50 đến giờ, cứ khoảng 10 phút là có một dư chấn khiến tôi cảm thấy lo sợ!. * Anh Nguyễn Trọng Quang (sinh viên VN mới tốt nghiệp và hiện là nhân viên IT): Tôi may mắn thoát khỏi một tòa nhà có nguy cơ bị sập vì động đất trên đường Colombo ở ngay trung tâm thành phố - cũng là nơi tôi đang làm việc. Khi động đất xảy ra, ở văn phòng làm việc trên tầng 3 đồ đạc bị xáo trộn, các thiết bị rơi vãi khắp nơi, tường bắt đầu nứt và mất điện hoàn toàn. Mọi người trong văn phòng đều nháo nhào nhưng cùng nhau thoát ra khỏi tòa nhà trong trật tự. Bên ngoài tòa nhà là một cảnh tượng rất hỗn loạn. Tôi quyết định đi bộ về nhà. * Đại sứ VN ở New Zealand Vương Hải Nam: Cộng đồng người VN ở Christchurch không đông lắm và đa số tập trung ở vùng ngoại ô nên hi vọng không có người VN bị ảnh hưởng vì trận động đất. Đại sứ quán VN đang túc trực để cập nhật thông tin trong số các nạn nhân có người VN hay không để kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ. Trước tình hình hỗn loạn hiện thời, rất khó để cập nhật chính xác thông tin. Trong ngày 22-2, do các sân bay ở Christchurch đóng cửa, nên đại sứ quán có kế hoạch cử cán bộ đến Christchurch bằng đường bộ để hỗ trợ du học sinh và người VN vào hôm nay (23-2). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận