Phóng to |
* So sánh giữa hai lần Việt Nam làm chủ tịch ASEAN thì sự khác biệt lớn nhất là gì?
- Một trong những khác biệt là yếu tố Việt Nam. Năm 1998 là giai đoạn đầu của đổi mới. Thế và lực Việt Nam chưa bằng bây giờ. Khi đó chúng ta mới vào ASEAN ba năm, cả kinh nghiệm và hợp tác niềm tin giữa hai bên chưa ở độ sâu sắc như bây giờ. Năm 2010 thì ASEAN đã khác.
Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt về đối ngoại đa phương chúng ta đã đi những bước rất dài, trong đó phải kể việc vào WTO và hai năm làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an có kết quả rất thành công. Đó là nền tảng để chúng ta tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN.
Về thách thức cũng khác: năm 1998, lúc đó ta có những đóng góp vào tăng cường gắn kết khu vực. Lần này quyết định của các lãnh đạo là rút ngắn lộ trình cộng đồng từ năm 2020 xuống 2015 cũng tạo thách thức rất lớn. Trong 2-3 năm gần đây, các thách thức toàn cầu, thách thức an ninh phi truyền thống đã nổi lên: ngoài khủng hoảng kinh tế - tài chính là câu chuyện biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai.
Ngoài những chuyện thế giới gánh chịu như khủng bố thì đây là câu chuyện hiện hữu hằng ngày các nước phải đối phó mà từng nước không làm được. Thứ ba, hiến chương là điều kiện thuận lợi cho hoạt động ASEAN nhưng cái khó là làm sao đưa hiến chương vào cuộc sống và chúng ta đang nỗ lực làm, đặc biệt là đưa bộ máy mới của ASEAN vào hoạt động hiệu quả.
* Một số thay đổi sẽ tác động ngay đối với dân cư cả khối như một visa cho toàn khối, một cửa về thương mại đầu tư... bao giờ có thể triển khai được?
- Đến nay, ASEAN đang xây dựng cho mình những bước đi để thuận lợi hóa và tự do hơn ở các lĩnh vực. Năm ngoái ASEAN đã ký hiệp định khu vực đầu tư toàn diện ASEAN và đang được triển khai từ năm nay. Khối cũng đã ký thông qua gói dịch vụ thứ 7, tạo thuận lợi cho trao đổi dịch vụ cao hơn.
Dự kiến năm nay chúng ta cũng thúc đẩy sự đồng thuận ASEAN để thông qua gói dịch vụ thứ 8. Hội nghị kinh tế tuần này sẽ bàn thêm về tự do hải quan và các hợp tác tài chính khác. Câu chuyện một cửa visa, một cửa thương mại đầu tư (single-window) thì ASEAN vẫn còn đang bàn và sẽ là một chặng đường dài.
* Năm nay chúng ta làm chủ tịch ASEAN. Năm 2013 Việt Nam sẽ lần đầu tiên đảm nhận chức tổng thư ký khối. Đã có một số ý kiến nói Việt Nam có thể trở thành lãnh đạo khối. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tinh thần chúng ta khi tham gia ASEAN có hai điểm rất chủ chốt: một, hợp tác ASEAN là lợi ích chiến lược của Việt Nam; hai, tham gia hợp tác ASEAN với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm. Hiến chương và tính chất của ASEAN dựa trên một tổ chức liên chính phủ. Các quyết định của ASEAN dựa trên nguyên tắc đồng thuận.
Việc đưa ASEAN phát triển dựa trên nguyên tắc đó: tôn trọng các nguyên tắc, tôn chỉ mục đích trong hiến chương, làm sao tranh thủ được đồng thuận cao nhất của ASEAN. Chúng ta sẽ làm theo nguyên tắc đó. Đồng thuận, liên chính phủ có nghĩa là bình đẳng về mặt chủ quyền và chia sẻ những lợi ích chung. Lịch sử của ASEAN muốn phát triển được phải gắn kết lợi ích và đi theo những mục đích gắn kết ưu tiên. Chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục làm theo con đường như vậy.
Tuyên bố chung về kinh tế và biến đổi khí hậu Hội nghị cấp cao ASEAN 16 sẽ là điểm nhấn trong triển khai chủ đề của cả năm: hướng tới cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn tới hành động. Dự kiến tại hội nghị cấp cao này, với sự đề xuất chủ động của Việt Nam và sự đồng thuận của các nước, sẽ trình các lãnh đạo thông qua hai tuyên bố chung về “phục hồi kinh tế và phát triển bền vững” và về “ứng phó biến đổi khí hậu”. Ngoài ra, các vấn đề được các lãnh đạo ưu tiên xem xét là đẩy nhanh lộ trình cộng đồng ASEAN và thực hiện có hiệu quả hiến chương ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN, đẩy nhanh hợp tác khu vực với các bên đối tác và xây dựng các cấu trúc hợp tác tại khu vực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận