Thầy Võ Đăng Thể trò chuyện với học sinh sau giờ thi - Ảnh: B.D.
Năm 2011, thầy Võ Đăng Thể (lúc đó 33 tuổi) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình, Quảng Nam). Trước khi làm hiệu trưởng, thầy Thể đang là giáo viên toán Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khi Trường THPT Hùng Vương thành lập, có tổng cộng 5 hồ sơ ứng viên hiệu trưởng được trình lên Sở GD-ĐT Quảng Nam, trong đó có thầy Thể.
"Được tin dùng thì cứ đi!"
Sau khi xem xong các hồ sơ, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam hỏi ý kiến trưởng phòng tổ chức cán bộ. Vị trưởng phòng này đã nhận xét rằng, dù thầy Thể có hồ sơ không "lấp lánh" bằng các ứng viên khác nhưng là người cực giỏi, nên nếu được chọn, ông sẽ chọn thầy Thể.
Nghe xong câu này, vị giám đốc sở liền nói: "Ý anh giống ý tôi".
Sau cuộc hội ý ấy, thầy Võ Đăng Thể được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương. "Nay chúng tôi yên tâm là lựa chọn của mình đúng" - ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nói.
Thầy Thể kể rằng trước khi về làm giáo viên toán Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy từng làm hiệu phó một trường cấp 3, nhưng do cuộc sống khó khăn nên thầy xin... thôi chức, về làm ông thầy giáo bình thường để tập trung chuyên môn.
Còn lần bổ nhiệm hiệu trưởng này: "Mình còn trẻ, làm lãnh đạo nhiều thầy cô khác lớn tuổi hơn cũng rất nhạy cảm. Nhưng còn trẻ, được tin dùng thì cứ đi" - thầy Thể bộc bạch.
Từ chậu cây đi xin đến những buổi "giao ban" đặc biệt
Năm 2011, tỉnh Quảng Nam cho thành lập Trường THPT Hùng Vương để rút ngắn khoảng cách đến trường của học sinh vùng khó khăn ở Thăng Bình.
"Lúc chúng tôi về trường nhận công tác, mọi thứ dường như trống trơn. Trường chỉ là một dãy nhà bêtông nằm trơ trọi trên khu đất trống đặc bùn đất, bao quanh là ruộng. Khi trường được hối hả xây, thầy trò phải dắt nhau qua dãy nhà tạm bợ để tổ chức dạy - học, rồi thời gian sau đó mới chuyển về trường mới" - một giáo viên Trường THPT Hùng Vương kể.
Ngày về làm hiệu trưởng, thầy Thể làm quen với các lãnh đạo xã, rồi xuống tận các hộ gia đình để... hỏi dò, tìm những người thành đạt từ địa phương.
"Mình hỏi hết, tập hợp lại thành một danh sách các lãnh đạo chính quyền giữ chức vụ quan trọng trên cả nước mà quê gốc ở mấy xã quanh trường, rồi các doanh nghiệp lớn. Khi có danh sách, địa chỉ, số điện thoại, mình tự tay viết thư xin tài trợ cho trường, vì lúc đó thiếu thốn đủ thứ" - thầy Thể kể.
Một ngày nọ, Trường THPT Hùng Vương nhận được điện thoại từ Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. Sau đó, 5 triệu đồng đã được gửi về giúp thầy trò mua sắm thêm cơ sở vật chất. Cứ thế, nhiều sự tài trợ cho trường đã đến dần dần từ những lá thư của thầy Thể...
Tới Trường THPT Hùng Vương hiện nay, dễ thấy nhất là những hàng cây xanh lớn tỏa bóng. Từng giò lan được treo khéo léo trang trí các lối đi, từng trảng cỏ, luống hoa được chăm sóc kỹ càng, rồi hệ thống sân bãi vui chơi học tập cho học sinh, tất cả đều có gắn tên... đơn vị tài trợ. Ai cho cây, cho hoa, thầy đều nhận và tự lấy xe máy chở về trồng ở trường.
Bất ngờ hơn, toàn bộ thiết kế xây sân bãi tại trường đều do thầy cùng cán bộ trường thực hiện, bố trí từ việc trồng cây, tạo hàng... Ngày lát nền bêtông sân trường, Trường THPT Hùng Vương cũng huy động phụ huynh góp công, rồi mời thợ nề đến làm để tiết kiệm chi phí.
Ngoài các mô hình đầu tư cho dạy học, thầy Thể còn nghĩ ra và tổ chức các buổi "giao ban" đặc biệt - giao ban kín giữa hiệu trưởng với bí thư, lớp trưởng.
"Đặt các em ngồi đối thoại riêng tư, ngang hàng với hiệu trưởng như thế là một cách để mình có rất nhiều thông tin về giáo viên, học sinh trong lớp" - thầy nói.
Sau 5 năm thành trường chuẩn quốc gia
Một ngôi trường vùng ven chỉ sau 5 năm thành lập đã được UBND tỉnh Quảng Nam chính thức công nhận là trường chuẩn quốc gia đã làm bất ngờ nhiều người trong ngành giáo dục.
Ngoài việc hoàn thành các chỉ tiêu được xem là khá khắt khe khi đạt chuẩn, hằng năm học sinh của Trường THPT Hùng Vương đậu vào các trường đại học luôn xếp trong nhóm đầu các trường trong tỉnh. Năm học 2016-2017, tỉ lệ đậu đại học của trường xếp thứ 8/66 trường THPT toàn Quảng Nam.
Lượng học sinh nhập học tăng vọt từ 353 em năm học 2011-2012, đến nay đã có trên 1.500 học sinh với 40 lớp học, tỉ lệ học sinh nhóm khá giỏi hằng năm đạt mức trên 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận