11/01/2018 09:56 GMT+7

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi

LAM ĐIỀN - MAI THỤY - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - NGÔ HẠNH
LAM ĐIỀN - MAI THỤY - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - NGÔ HẠNH

TTO - Sự thành công của mô hình đường sách tại TP.HCM đang được nhiều nơi chú ý. Riêng trong những người gắn bó xây dựng đường sách từ những ngày đầu lại là những câu chuyện vẫn còn ấp ủ

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi - Ảnh 1.

Nguồn: Công ty Đường sách TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Sau hai năm, ông Lê Hoàng (hiện là giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM) nhẩm lại những "ý đồ" của ông và những người cộng sự từ khi vận động thành lập đường sách, nay hầu như đang thực hiện đúng hướng.

Nơi có môi trường sống tốt

Đó là biến một con đường giao thông thành một không gian văn hóa; con đường Nguyễn Văn Bình sẽ mang một sức sống khác, được làm nên từ những bàn tay của các đơn vị tham gia từng gian hàng/kiôt ở đây. 

Không bán sách thuần túy, các đơn vị được yêu cầu phải làm sự kiện cho sách, bằng sức sáng tạo được khích lệ, mỗi đơn vị tham gia đường sách là một nhà tổ chức sự kiện độc đáo, quyến rũ và lành mạnh để đường sách vừa mang tính nghề nghiệp, vừa trở thành điểm đến cho mỗi người dân, gia đình, trường học, các cơ quan...

Thực tế cho thấy đường sách không chỉ thu hút người dân TP với hình ảnh cả gia đình cha mẹ ông bà con cháu cùng nhau đến đường sách, mà trong các sự kiện, nhiều văn nghệ sĩ, tác giả, cả những Việt kiều khi về Sài Gòn cũng đều chọn đường sách làm nơi gặp gỡ công chúng.

Muốn vậy, chúng ta phải có không gian cho cà phê sách, chỗ nghỉ chân, phối cảnh đẹp, những tiện ích khác tại đường sách để mọi người đến đây đều có cảm giác thoải mái, thân thiện bên người thân và bạn bè yêu thích sách. Tựu trung lại, đường sách phải là nơi có môi trường sống tốt, nó thể hiện chất lượng cao của một cuộc sống đô thị hiện đại mà bất kỳ người dân nào cũng có thể đến để thụ hưởng.

Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi - Ảnh 3.

Nhiều sự kiện tại Đường sách TP.HCM thu hút đông đảo bạn đọc trẻ, nhất là các cuộc giao lưu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh: L.Điền

Xây dựng thư viện cộng đồng cho học sinh

Nhiều ý kiến gặp nhau ở chỗ: dù gì đi nữa, những đơn vị tham gia bán sách ở đây phải trụ được, tức doanh thu thực tế tại đường sách phải đủ bù đắp các khoản chi phí, đơn giản là nhìn dưới góc độ thị trường, phải kinh doanh có lãi thì hoạt động ấy mới được xem là hiệu quả.

Câu trả lời từ thực tế đến nay là rất khả quan. 

Bởi nếu trong năm đầu 2016, cả đường sách có 4 đơn vị đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng, thì đến năm 2017, trong số 15 đơn vị tại đường sách, chỉ có 3 đơn vị doanh thu thấp dưới 1 tỉ, còn lại 12 đơn vị đều đạt doanh thu "tiền tỉ" - điều mà khi bỏ phiếu đăng ký chọn gian hàng tại đường sách Nguyễn Văn Bình, dường như các đơn vị không ai "mơ tưởng" tới.

Thậm chí, đường sách mang lại những thắng lợi bất ngờ về doanh số, như trường hợp năm 2017 Nhà xuất bản Trẻ bán sỉ tại đường sách đạt 2 tỉ (tổng doanh thu của Nhà xuất bản Trẻ tại đường sách năm 2017 là 7 tỉ). 

Phát biểu về những thành công của đơn vị mình tại đường sách, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng Nhà xuất bản Trẻ đã tham gia đường sách "như một sự thay đổi nhận thức". 

"Đường sách đã định vị trong lòng bạn đọc như một dấu ấn của thương hiệu, cho nên nếu Nhà xuất bản Trẻ mà không có mặt ở đường sách thì Nhà xuất bản Trẻ không còn là Nhà xuất bản Trẻ nữa".

Thật may, những người tham gia xây dựng đường sách đã thống nhất với nhau về một mục tiêu tốt đẹp: đây là không gian của sách, của văn hóa cư dân TP, là nơi tạo thói quen đọc sách và gắn kết tác giả - tác phẩm - bạn đọc
Bà Quách Thu Nguyệt (phó giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM)

Tuy nhiên, có mặt tại hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động, bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - lưu ý các đơn vị tại đường sách nên nỗ lực giữ vững thế mạnh đang có, để "phát triển mạnh hơn, bền vững và lâu dài".

Đây cũng chính là điều ưu tư của đội ngũ Công ty Đường sách và Sở Thông tin - truyền thông. 

Theo bà Quách Thu Nguyệt - phó giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, trong thời gian qua đường sách đã tạo được sự tín nhiệm trong nhiều trường từ mầm non đến các cấp tiểu học, trung học. 

Đã có nhiều trường phối hợp với đường sách tổ chức sự kiện cho các em, tạo điều kiện cho học sinh tham quan tìm hiểu và sinh hoạt về sách tại đây. 

Cho nên trong kế hoạch năm 2018 sẽ tăng tỉ lệ các sự kiện dành cho thiếu nhi tại đường sách. Đồng thời, Sở Thông tin - truyền thông cũng đưa vào kế hoạch sẽ xây dựng tại đường sách một thư viện cộng đồng (mini) để phục vụ các em học sinh.

Điều này hẳn sẽ là một tín hiệu vui như mong muốn của An Vy và nhóm bạn Trường Trần Đại Nghĩa gặp nhau hôm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. Vy bày tỏ mong muốn đường sách có một thư viện để các bạn có thể xem như một chỗ hẹn hò, cùng nhau đến đọc sách và học bài.

Còn từ phía những người đang vận hành đường sách, ý kiến chung là làm sao giữ vững thành công và không để thụt lùi.

Ông Lê Hoàng cho biết tinh thần chung của mỗi đơn vị tại đường sách và ban giám đốc Công ty Đường sách là sẽ ngồi gần hơn nữa với nhau để lắng nghe và rút ra bài học. Và rồi tự thân mỗi đơn vị sẽ phải tự vươn lên để hiệu quả hơn.

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi - Ảnh 5.

Bạn trẻ tìm mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Điểm đến yêu thích của người trẻ

Nhiều bạn trẻ cho biết họ thường xuyên đến đường sách Nguyễn Văn Bình để chụp ảnh, uống cà phê, gặp gỡ bạn bè… bên cạnh việc mua và đọc sách.

Hai năm nay, đường sách Nguyễn Văn Bình đã trở thành một điểm đến thường xuyên của bạn trẻ với các chương trình giao lưu ra mắt sách, triển lãm diễn ra hằng tuần. 

Bạn Hà Giang - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết mỗi lần đến đây cô đều được tham gia một chương trình mới, có lúc là một buổi giới thiệu sách, cũng có lúc là buổi bán đấu giá tranh ủng hộ từ thiện. 

Mình chưa bao giờ có cảm giác phải ở đây một mình, bởi khi đọc sách cũng có những người đọc cùng ở bên cạnh. Điều đó đã tiếp thêm cho mình rất nhiều động lực để đọc sách.

Bạn Hà Giang chia sẻ

Kinh nghiệm để đường sách thành công

Công ty Đường sách đã đúc kết một số kinh nghiệm cho rằng để thực hiện thành công đường sách, cần có các yếu tố sau:

- Xác định mục tiêu cho đường sách.

- Có sự hỗ trợ và chủ trương đúng của cấp lãnh đạo.

- Nên có cơ chế xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng đường sách, tạo tâm thế cho những người tham gia nhận thấy đây chính là sự nghiệp của mình.

- Chọn lựa các đơn vị tham gia có đủ điều kiện để đạt mục tiêu đặt ra đối với đường sách.

- Phải được quản lý bởi một đội ngũ có năng lực quản trị, có nghề và tâm huyết với sự nghiệp xuất bản, tha thiết muốn phát triển thói quen đọc cho cộng đồng.

- Tìm được địa điểm thích hợp để tổ chức đường sách.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của truyền thông, quảng bá cho hoạt động đường sách.

Cũng theo Hà Giang, đường sách là một nơi đặc biệt để uống cà phê và nhìn ngắm Sài Gòn ở một diện mạo khác. Với chiều dài chỉ vỏn vẹn 144m, đường Nguyễn Văn Bình như một tuyến phố biệt lập của Sài Gòn. 

Bên cạnh những khu vực sân khấu dành cho các buổi giao lưu, tuyến đường Nguyễn Văn Bình vẫn luôn có những góc nhỏ, quán cà phê tĩnh lặng cho người đọc sách. 

Từ đường sách nhìn ra, Sài Gòn vừa hiện lên vẻ đẹp trầm lặng qua những cuốn sách, vừa tràn đầy sức sống với những dòng người qua lại tấp nập trên cung đường Hai Bà Trưng, Công Xã Paris.

Nếu một số bạn trẻ tìm thấy ở đường sách Nguyễn Văn Bình niềm vui đọc sách, chụp ảnh thì nhiều người khác lại nhìn nơi đây như một không gian gắn kết gia đình.

Phương Thảo (22 tuổi) thường đến đường sách với mẹ vào những ngày cuối tuần. Cô chia sẻ: "Mình và mẹ có thể chọn những cuốn sách mà mỗi người thích. Mẹ thường đọc sách về dinh dưỡng hay nấu ăn, mình lại thích sách văn học, khởi nghiệp".

Còn nhớ, hồi tháng 6-2017, trong buổi ra mắt cuốn sách Thư gửi con của GS.TS Thái Kim Lan, nhiều độc giả đã có dịp lắng nghe tiếng đàn tranh của Lục Phạm Quỳnh Nhi (21 tuổi), một nghệ sĩ trẻ đang du học ở Canada. 

Trong không gian mở giữa trung tâm thành phố, dường như âm thanh của những bản nhạc về tình cảm quê hương, gia đình, về Sài Gòn tạo thêm sự xúc động cho người tham dự.

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi - Ảnh 8.

Nhạc sĩ Vũ Thành An (phải) hát trước đông đảo khán giả, độc giả tham gia buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM tối 3-8-2017 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần Thơ, Vũng Tàu cũng sẽ có đường sách

Ông Đỗ Hoàng Trung, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP Cần Thơ, cho biết qua hai lần tổ chức hội sách thành công, TP Cần Thơ đã có kế hoạch xây dựng đường sách và sở cũng đã trình UBND TP Cần Thơ đề án xây dựng Đường sách TP Cần Thơ.

Sở đã làm việc với các nhà xuất bản và họ đồng ý đầu tư Đường sách TP Cần Thơ như một không gian văn hóa mở cho các hoạt động tạo lập thói quen và cổ vũ cho tri thức, cho văn hóa đọc. Sở cũng đề xuất hai vị trí để mở đường sách là phường Tân An và phường Cái Khế (quận Ninh Kiều).

Trong khi đó, đón xuân Mậu Tuất 2018, người dân và du khách đến Vũng Tàu sẽ có "món ăn" mới: hội sách. Hội sách của TP Vũng Tàu được bố trí trong hội hoa xuân ở công viên Quang Trung (đường Quang Trung - Ba Cu - Lê Lợi) nhìn ra biển Bãi Trước.

Những ngày qua, chủ đầu tư đang gấp rút thi công các gian hàng sách để kịp khai trương vào 27 tháng chạp (12-2). Đây là hạng mục xã hội hóa, được Công ty cổ phần Ngôi Sao Biển Sài Gòn thực hiện. 

Theo đó, Hội sách xuân Mậu Tuất 2018 sẽ có 17 gian hàng sách, văn hóa phẩm tổng hợp và nhiều khu chức năng như: khu cà phê - đọc sách, khu giao lưu cộng đồng, khu sân khấu giới thiệu sách...

Thành công của Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng muôn nơi - Ảnh 9.

Đường sách tại Yangon - Ảnh: Myanmar News Agency

Đường sách TP.HCM truyền cảm hứng cho Myanmar

Việc di dời những người bán sách vào một khu riêng biệt tại Yangon năm ngoái nhận được sự hưởng ứng tích cực. 

Đường sách mới không chỉ khuyến khích văn hóa đọc sách, mà còn cứu ngành xuất bản sách Myanmar trong bối cảnh hàng loạt nhà sách phải đóng cửa thời gian qua. 

Đường sách ở TP.HCM (Việt Nam) và thành phố sách Paju ở Seoul (Hàn Quốc) đã truyền cảm hứng cho chúng tôi có một con đường sách của riêng mình.

Trang Frontier dẫn lời ông U Myo Aung, phó chủ tịch Hiệp hội Xuất bản và phát hành sách Myanmar.

Trong khi đó, thành phố sách Paju thực sự là một khu phức hợp rộng lớn với văn phòng của hàng trăm nhà xuất bản cũng như các nhà sách, quán cà phê. 

Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội sách, sách thiếu nhi quốc tế thu hút hàng triệu lượt khách. Nơi đây đã cho ra đời nhiều giải thưởng riêng dành cho các quyển sách, nhà văn châu Á. 

Thành phố sách Paju ra đời từ ý tưởng xây dựng một khu văn hóa sách riêng của chính các nhà xuất bản và được chính phủ ủng hộ vào năm 2001.

Đừng làm tràn lan

Tại hội nghị, có một số ý kiến tỏ ra dè dặt với ý định của TP sẽ tổ chức đường sách ở tất cả các quận huyện (ngoài đường sách Nguyễn Văn Bình, sắp tới sẽ có thêm đường sách tại quận 7).

Đừng làm theo kiểu dàn hàng ngang nhân rộng mô hình đường sách ra các quận huyện mà nên đầu tư cho quận huyện nào có đủ khả năng trước đã. Vì nếu khả năng các quận huyện chưa đủ để tổ chức đường sách, cách làm như vậy sẽ thất bại

Bà Quách Thu Nguyệt khẳng định.

Theo bà, những mô hình như đường sách nên tính toán kỹ để khi hình thành là có hiệu quả chứ đừng để rơi vào tình trạng sống dở chết dở.

Ông Nguyễn Minh Nhựt cũng cho rằng Đường sách TP.HCM đạt được thành công là có các điều kiện cần và đủ, cho nên nếu muốn nhân rộng mô hình này ra các quận huyện hay thậm chí các tỉnh đều nên "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".

Đồng tình với các ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu cho rằng nếu làm đường sách tràn lan thì rất khó.

Bà cũng chia sẻ rằng mỗi vùng trong TP còn có cách sống, văn hóa khác nhau, nên cần tính đến những cách thức riêng, mang tính bản sắc cho từng đường sách.

Dù vậy, bà Thu nhấn mạnh các đường sách ở quận huyện cũng cần thiết, để đáp ứng ngay tại chỗ nhu cầu của người dân địa phương. Còn việc lên Đường sách TP lại là một nhu cầu khác.

TP.HCM có thêm đường sách Nguyễn Đổng Chi TP.HCM có thêm đường sách Nguyễn Đổng Chi

Năm 2018, đường sách thứ 2 tại TP.HCM sẽ đi vào hoạt động tại quận 7 mang tên nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Đổng Chi.

Phố sách Hà Nội: thưa vắng khách, các gian hàng kêu cứu Phố sách Hà Nội: thưa vắng khách, các gian hàng kêu cứu

TTO - Phố sách Hà Nội đi vào hoạt động từ tháng 5-2017, được kỳ vọng là địa chỉ văn hóa hấp dẫn của thủ đô. Nhưng đến nay các hoạt động tại phố sách ngày càng thưa thớt và vắng khách.

Không gian chưa phù hợp, phố sách Hà Nội sẽ chết? Không gian chưa phù hợp, phố sách Hà Nội sẽ chết?

TTO - Trong khi Đường sách TP.HCM hân hoan với doanh thu 'khủng' thì Phố sách Hà Nội vẫn loay hoay tìm hướng tồn tại và phát triển.

LAM ĐIỀN - MAI THỤY - LÊ DÂN - ĐÔNG HÀ - NGÔ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên