Thâm Quyến: Trao quyền phải trao cho tới

NGUYỄN THÀNH TRUNG 26/06/2023 06:21 GMT+7

TTCT - Nếu như Trung Quốc có bao giờ thực hiện thành công một cuộc Đại nhảy vọt, thì đó chính là ở Thâm Quyến. Và lý do cơ bản của thành công này là vì thành phố này được phân quyền một cách đích thực.

Tôi vẫn còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, một người bạn Hong Kong dẫn tôi tới dải đất sát bờ biển Hong Kong, chỉ vào một dãy nhà cao tầng san sát ở bờ bên kia và nói đó là thành phố Thâm Quyến.

Anh kể trước đây rất nhiều người Trung Quốc đại lục bị hấp dẫn bởi Hong Kong phồn hoa đã bơi từ Trung Quốc đại lục để vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Hong Kong. Tôi bèn hỏi vui: "Bây giờ còn không anh?". Anh trả lời rất nhanh: "Bên đó bây giờ thậm chí còn giàu hơn bên đây thì vượt biên làm gì".

Anh bạn Hong Kong không quá lời. Giờ đây, GDP của Thâm Quyến đã vượt Hong Kong. Thành phố đại lục này cũng đi trước Hong Kong về đổi mới công nghệ và là nơi có nhiều công ty nằm trong top 500 công ty thành công nhất thế giới. Năm 2019, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát cho thấy Thâm Quyến được coi là thành phố kinh doanh số 1 Trung Quốc.

Đại nhảy vọt thứ thiệt

Nằm ở tỉnh Quảng Đông, chỉ cách thủ phủ Quảng Châu 100km về phía đông nam, Thâm Quyến có vị trí chiến lược trên đồng bằng sông Châu Giang, liền kề các thành phố công nghiệp Trung Sơn, Đông Quản và Phật Sơn.

Một góc Thâm Quyến nhìn từ trên cao. Ảnh: Tân Hoa xã (chụp ngày 13-8-2020).

Một góc Thâm Quyến nhìn từ trên cao. Ảnh: Tân Hoa xã (chụp ngày 13-8-2020).

Thâm Quyến càng đặc biệt khi nằm sát biên giới Hong Kong, chỉ cách bán đảo Cửu Long chưa đầy 20 phút đi tàu hỏa nhanh. Sự gần gũi về địa lý này tạo ra nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư và kinh doanh: chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm thấp, dễ dàng giám sát quá trình sản xuất, dễ dàng phối hợp với trụ sở công ty chính tại Hong Kong.

Nếu như Trung Quốc có bao giờ thực hiện thành công một cuộc Đại nhảy vọt, thì đó chính là ở Thâm Quyến. Tháng 8-2020, khi thành phố này kỷ niệm 40 năm ngày trở thành đặc khu kinh tế, GDP đầu người ở đây đã tăng gấp 10.000 lần. 

Vâng, các bạn không đọc lầm đâu, mười ngàn lần. GRDP của Thâm Quyến năm 2021 thậm chí đã vượt qua GDP cả nước Việt Nam, lên tới khoảng 475 tỉ USD, đồng nghĩa mức đầu người khoảng 30.000 USD/năm.

Đó là một hành trình chóng mặt: Thâm Quyến mới chính thức trở thành đơn vị hành chính đô thị của Trung Quốc năm 1979, và là đặc khu kinh tế đầu tiên của nước này một năm sau đó. Trong bốn thập niên, thành phố đã duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ít nhất 20%, từ một làng chài nhỏ trở thành một thành phố công nghệ cao nhộn nhịp với dân số khoảng 18 triệu người.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa hài lòng với những gì Thâm Quyến đạt được. Họ thấy rằng ngay cả tư cách "đặc khu" cũng không còn phù hợp với tốc độ phát triển của siêu đô thị này. Trong chuyến thăm tới thành phố năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao cho Thâm Quyến quyền tự chủ chưa từng thấy để theo đuổi cải cách.

Ngày 11-10-2020, chính quyền trung ương ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm cải cách toàn diện, chỉ định Thâm Quyến là "Khu vực thí điểm chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đầu tiên của đất nước, một vị thế đặc biệt để thực hiện những cải cách táo bạo hơn như một hình mẫu cho các thành phố khác.

Kế hoạch cải cách Thâm Quyến cho tầm nhìn 2035 bao gồm:

1) Cải thiện hệ thống phân bổ theo định hướng thị trường hơn trong quản lý đất đai, lao động và vốn;

2) Tạo môi trường kinh doanh hợp pháp hóa theo định hướng thị trường. Các cải cách sẽ tăng cường cạnh tranh công bằng và mở cửa thị trường bằng cách nới lỏng một số hạn chế trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, tiện ích công cộng, giao thông, giáo dục và công nghệ, hoặc bằng quy định mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ("IPR"), bao gồm một hệ thống bồi thường - trừng phạt trong trường hợp vi phạm IPR; và 3) Thiết lập một nền kinh tế mở cao.

Toàn cảnh cảng quốc tế Thâm Quyến. Ảnh: Produce Report

Toàn cảnh cảng quốc tế Thâm Quyến. Ảnh: Produce Report

Có cả quyền lập pháp

Theo đó, Thâm Quyến sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong ba khía cạnh chính: quản lý đất đai, hệ thống đăng ký hộ khẩu, và mở cửa kinh doanh một số ngành (như tài chính và vận tải) cho nguồn vốn cả trong và ngoài nước.

Bắc Kinh đưa ra danh sách 40 hạng mục cải cách cụ thể: 14 vấn đề liên quan đến phân bổ các yếu tố sản xuất dựa trên thị trường, 7 vấn đề về cải thiện môi trường kinh doanh, 6 vấn đề đổi mới công nghệ, 7 vấn đề mở cửa thị trường, 3 vấn đề về hệ thống dịch vụ công, và 3 vấn đề về quy hoạch đô thị và sinh thái. Mục tiêu là biến Thâm Quyến thành trung tâm đổi mới, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và sáng tạo với tầm ảnh hưởng quốc tế và GDP bình quân đầu người năm 2035 tăng gấp đôi so với năm 2020.

Trước đó trong lần cải cách 1.0, giống như nhiều đặc khu kinh tế khác, Thâm Quyến từng được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi về ngân sách, thuế, thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh, nhưng vấn đề mấu chốt giúp đô thị này chuyển mình hoàn toàn là chính quyền địa phương được trao quyền lập pháp vào 1992.

Chủ động trong ban hành nhiều văn bản pháp quy đặc thù, Thâm Quyến đã chủ động được những cơ chế chính sách cần thiết phục vụ cho phát triển, những điều mà chỉ giới lãnh đạo địa phương mới có thể hiểu và nắm bắt kịp thời cơ hội, khi Bắc Kinh thì vừa xa lại vừa cao. Đáng nói hơn, 1/3 các văn bản pháp quy thí điểm ở Thâm Quyến sau này đã được chính quyền trung ương ban hành trên phạm vi cả nước!

Những cải cách táo bạo này được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi giới lãnh đạo cao nhất đất nước, đầu tiên là Đặng Tiểu Bình. Năm 1992, ông Đặng có chuyến "Nam tuần" nổi tiếng, với một điểm đến là Thâm Quyến. Ông khuyến khích chính quyền địa phương tiến hành cải cách và chấp nhận thử - sai ở các đặc khu kinh tế.

Những người kế vị ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều đã đến thăm Thâm Quyến các dịp kỷ niệm 20 và 30 năm thành lập đặc khu kinh tế - phát đi thông điệp rõ ràng về sự tiếp nối và nhất quán của chính quyền trung ương ủng hộ cải cách. Thâm Quyến trở thành biểu tượng của cải cách cho Trung Quốc và "vườn ươm" cho các cải cách sau đó trên cả nước.■

Để phân quyền hiệu quả và tự tin, cần một tư duy chiến lược

Khi lựa chọn Thâm Quyến để triển khai cải cách, giới lãnh đạo Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình đã xác định rõ hai vai trò chiến lược cho đô thị non trẻ này: trung gian giữa không gian kinh tế Trung Quốc và không gian quốc tế. (Ông Đặng coi Thâm Quyến là "cửa sổ nhìn ra thế giới"); trung gian giữa các giai đoạn phát triển - nơi để đất nước Trung Quốc hướng tới tương lai, tức để thử nghiệm nhiều cải cách sau này có thể mở rộng ra cả nước.

Nghiên cứu của Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UNHSP) công bố năm 2019 cho biết sự phát triển nhanh chóng của Thâm Quyến từ năm 1979 có thể chia thành bốn giai đoạn:

1979-1992 là thời kỳ phát triển thâm dụng lao động được hỗ trợ bởi cải cách thể chế và mở cửa đất nước. Foxconn, nhà thầu phụ của Apple, đã thành lập nhà máy đầu tiên tại Thâm Quyến vào năm 1988, sản xuất các bộ phận máy tính.

1992-2003 là thời kỳ sau khi đã tích lũy được vốn và kinh nghiệm sản xuất để chuyển sang tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng vốn. Thâm Quyến bắt đầu thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn và dần chuyển sang các ngành công nghiệp điện tử và thông tin, trở thành trung tâm cung cấp thiết bị viễn thông của thế giới.

2003-2013, Thâm Quyến vươn lên vị trí trung tâm của chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu với các cụm doanh nghiệp công nghệ cao tư nhân. Năm 2010, Công ty công nghệ Huawei, được thành lập năm 1987 tại Thâm Quyến, lần đầu tiên lọt vào danh sách Fortune Global 500.

Từ năm 2013 đến nay, Thâm Quyến đã vươn lên bậc cao nhất của chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu khi được hỗ trợ bởi nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại đây như Tencent, Huawei, hay DJI (công ty chế tạo máy bay không người lái hàng đầu thế giới). Năm ngoái, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của Thâm Quyến đứng đầu trong các thành phố lớn ở Trung Quốc, chiếm 6,23% tổng số cả nước. Thành phố đã trở thành một trung tâm công nghệ của châu Á và được truyền thông gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Hiện nay, khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng cao trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, Thâm Quyến lại trở thành "lá cờ đầu" trong cải cách của Trung Quốc để chính quyền dựa vào phát triển năng lực tự chủ công nghệ. Giữa năm ngoái, Thâm Quyến đã công bố kế hoạch xây dựng cụm ngành công nghiệp bán dẫn trước năm 2025, bao gồm phát triển năng lực quốc gia trong sản xuất, đóng gói và thử nghiệm chip, để mang lại doanh thu hằng năm khoảng 250 tỉ nhân dân tệ (37,5 tỉ USD).

Dù cuộc cải cách 2.0 của Thâm Quyến đi đến đâu thì vị thế đô thị hàng đầu thế giới và động lực cho sự phát triển của toàn Trung Quốc của họ hiện giờ là không thể phủ nhận. Những thành tựu này, có lẽ chính ông Đặng Tiểu Bình cũng chưa từng nghĩ tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận