Người hâm mộ háo hức chờ đợi trận tuyển VN gặp chủ nhà Thái Lan ở trận ra quân vòng loại thứ 2 World Cup 2022 - Ảnh: A.T.
Chỉ trong vòng 7 tháng, những gì mà bóng đá Thái Lan trải qua chẳng khác gì một cuộc "bể dâu", với những cột mốc đáng buồn nhiều hơn cả 10 năm trước đó cộng lại.
Thái Lan vẫn đang mơ World Cup
Đầu tiên là thất bại ở AFF Cup 2018 rồi đến nghi án "phản thầy" ở Asian Cup 2019 khiến HLV Milovan Rajevac mất ghế chỉ sau một trận đấu.
Đến King's Cup 2019 trên sân nhà, người Thái nhận thất bại trước VN rồi Ấn Độ. Điều này khiến HLV thay thế Rajevac là ông Sirisak Yodyardthai cũng phải ra đi.
Ngay cả vụ bổ nhiệm HLV Akira Nishino (Nhật Bản) mới đây cũng gây không ít tranh cãi. Tưởng chừng đã có lúc ông Nishino "lật kèo" với LĐBĐ Thái Lan (FAT), nhưng cuối cùng FAT cũng mời được ông Nishino với mức lương lên đến 1 triệu USD/năm. Liệu cú bổ nhiệm này sẽ trở thành cột mốc đảo chiều đà sa sút của bóng đá Thái?
Dù câu trả lời nằm ở tương lai, nhưng người Thái lúc này vẫn có căn cơ cho giấc mơ World Cup của mình. Nhìn nhận một cách công bằng, hơn nửa năm qua tuyển Thái Lan liên tiếp gặp vận đen. Ở AFF Cup rồi Asian Cup, các cầu thủ và HLV Rajevac tồn tại mâu thuẫn về chiến thuật. Đến King's Cup họ lại vắng ngôi sao số 1 là Chanathip Songkrasin.
Nhưng vòng loại World Cup không giống như những giải đấu cúp, việc các trận đấu trải dài trong 9 tháng giúp các tuyển thủ Thái Lan có nhiều điều kiện thi đấu hơn. Thái Lan cũng là đội bóng Đông Nam Á giàu kinh nghiệm nhất, cũng như tiến xa nhất trong việc thi đấu vòng loại World Cup.
Từ năm 1992 đến nay, Thái Lan đã chơi tổng cộng 66 trận vòng loại World Cup. Con số tương ứng với tuyển VN chỉ là 38 (do bị loại sớm).
Indonesia và Malaysia cũng "thay máu" mạnh mẽ
Tương tự Thái Lan, Indonesia cũng đã thay đổi HLV kể từ AFF Cup 2018. HLV trưởng của họ lúc này là ông Simon McMenemy. HLV 41 tuổi người Scotland này đã từng dẫn dắt tuyển Philippines ở AFF Cup 2010, và đã tạo ra lịch sử cho bóng đá Philippines khi giúp họ lần đầu tiên lọt vào bán kết AFF Cup.
Tại AFF Cup 2010, với việc đánh bại tuyển VN, thành tích của thầy trò HLV McMenemy được tạp chí Sport Illustrated bầu chọn vào "top 10 câu chuyện bóng đá của năm 2010".
Sau tuyển Philippines, ông McMenemy còn dẫn dắt nhiều CLB ở Đông Nam Á (có cả CLB Đồng Tâm Long An). Vì vậy, ông McMenemy gần như không gặp vấn đề trong việc thích nghi với tuyển Indonesia.
Indonesia luôn là đối thủ khiến VN phải e ngại với lối chơi phòng ngự rất khó chịu. Trong 10 lần đối đầu gần nhất, Indonesia áp đảo VN khi thắng 3, hòa 6, thua 1. Và trong hành trình kỳ diệu hơn một năm qua của bóng đá VN, thầy trò ông Park cũng chưa đối mặt với Indonesia.
Sau AFF Cup, HLV Tan Cheng Hoe vẫn được đặt niềm tin ở tuyển Malaysia. Trẻ hóa mạnh mẽ, trong lần gần nhất hội quân, HLV Tan gọi lên đội tuyển 15 cầu thủ dưới 24 tuổi, trong đó có nhiều gương mặt mới như thủ thành Chek Kassim, tiền đạo Faisal Halim, hậu vệ Dominic Tan...
Ngoài ra, LĐBĐ Malaysia đang đẩy mạnh việc nhập tịch nhiều cầu thủ ngoại. Do đó, có thể khi tái ngộ Malaysia vào tháng 10 tới, tuyển VN sẽ đối mặt một đội bóng "mới toanh".
Indonesia và Malaysia ồ ạt nhập tịch ngoại binh
Sự thay máu đáng kể nhất của Indonesia và Malaysia trong thời gian tới vẫn nằm ở những cầu thủ nhập tịch.
Kể từ khi lên nắm quyền, HLV McMenemy đã triệu tập lại những cầu thủ nhập tịch như Greg Nwokolo và Ilija Spasojevic, trong khi hai ngôi sao Stefano Lilipaly và Beto Goncaves vẫn tỏa sáng đều đặn.
Với Malaysia, thành công của Mohamadou Sumareh - tiền vệ gốc Gambia - khiến LĐBĐ nước này quyết nhập tịch thêm nhiều cái tên như Corbin-Ong (Anh), Guilherme de Paula (Brazil), Liridon Krasniqi (Kosovo)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận