Đây không phải là hội nghị chỉ để bàn thảo và quyết nghị, mà quan trọng hơn là hành động.
Những năm qua, ĐBSCL được nhận diện đang đối mặt trước những thách thức toàn cầu xuyên biên giới là: biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hội nhập, cạnh tranh quốc tế.
Một thách thức khu vực là việc sử dụng nước đầu nguồn sông Mekong và thách thức thứ ba từ chính các vấn đề nội tại của đồng bằng.
Ba tầng thách thức đó không tác động riêng lẻ mà đang tạo ra thế "gọng kìm", tác động tích lũy, liên hoàn, đòi hỏi sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành.
Lối mòn tư duy làm nông nghiệp truyền thống, chạy theo số lượng, nhẹ chất lượng, quên giá trị như đang bị nhân lên... trở thành những tác động tiêu cực tích lũy trước sức ép cạnh tranh - hội nhập - biến đổi khí hậu.
Việc Chính phủ xác định "Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu" cần được xem là cách tiếp cận mới, giải pháp tổng thể phải phá cho được thế "gọng kìm" của 3 tầng thách thức đó.
Chuyển đổi mô hình phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp không phải là việc đeo bám mục tiêu cường quốc xuất khẩu gạo hay lấy sản lượng lương thực làm thành tích, "vẽ lại bản đồ cây trồng" để chọn con tôm, con cá theo suy nghĩ kiểu cũ - dựa vào "nguồn cung", quên đi "hướng cầu", mà phải bắt đầu từ đổi mới tư duy làm nông nghiệp, rất cần tư duy mới trên "đôi chân" phát triển đồng bằng.
Tài nguyên đất và nước được ví như "đôi chân" kiến tạo và phát triển ĐBSCL. "Đôi chân" đó đang đứng trước nhiều thách thức. Sức ì trong thể chế và nội tại của sản xuất nông nghiệp cần được phá băng. Tư duy thị trường cần được định hình ngay trong tư duy quy hoạch và định hình cơ chế chính sách.
Thị trường quyết định nuôi trồng, sản xuất cái gì, như thế nào và bán cho ai. Không thể duy ý chí, áp đặt chủ quan từ bên trên để giao chỉ tiêu phải sản xuất bao nhiêu diện tích, sản lượng nông sản làm ra và xuất khẩu.
Hỏi nông dân trồng cây gì, nuôi con gì là câu chuyện xưa cũ trong một thị trường luôn thay đổi "trăm người bán, vạn người mua".
Chính sách chỉ có thể định hướng và phải luôn linh hoạt theo độ co giãn của thị trường. Đó chính là "nguồn cung thực tiễn" cho việc định hình một mô hình phát triển mới cho ĐBSCL.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề để có cơ chế, chính sách, xác định nhu cầu, huy động và bố trí nguồn lực phát triển, phân công, phân vai các bộ, ngành trung ương và địa phương hành động theo định hướng chiến lược dài hạn, được cụ thể hóa bằng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn với hành động ưu tiên trước mắt và định hướng lâu dài cho một ĐBSCL thịnh vượng, an toàn, trù phú trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận