18/09/2015 09:04 GMT+7

Tập tài liệu Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến

LAM ĐIỀN (lamdien@tuoitre.com.vn)
LAM ĐIỀN (lamdien@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ sách hai tập dày hơn 1.800 trang với 600 đầu tài liệu là những thông tin, nghị định, bài báo, tin tức xuất bản từ ngày 
19-8-1945 đến 19-12-1946 vừa được nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh tuyển chọn, chỉnh lý.

Sách do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Sách do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến - Tư liệu và suy nghĩ được người sưu tập tuyển chọn từ bảy tờ báo chữ Việt xuất bản trong thời gian nói trên gồm: Việt Nam Dân Quốc Công Báo, tạp chí Sự Thật, báo Cứu Quốc, báo Quốc Hội, báo Độc Lập, báo Trung Bắc Chủ Nhật, báo Nam Kỳ.

Việc xuất bản bộ sách này được xem như cung cấp tư liệu quan trọng cho giới nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu mảng lịch sử xã hội hiện đại Việt Nam trong thời gian từ năm 1945 - 1946. Chỉ là bộ tài liệu trong 16 tháng từ ngày 19-8-1945 đến 19-12-1946 nhưng khi đọc lại, những hình dung về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ thật thú vị.

Từ nguyên văn bản Tuyên ngôn độc lập in trên báo Cứu Quốc ngày 5-9-1945 đến các hoạt động của nhiều lực lượng xã hội, nhiều đảng phái, hội đoàn... lúc bấy giờ. Chẳng hạn như nghị định giải tán Hội Khai trí tiến đức của bộ trưởng Bộ Nội vụ, các quyết định đúc tiền kim loại của ta lúc bấy giờ.

Đặc biệt có thông tin về một ngày được chọn làm ngày tiêu hủy bằng sắc và huy chương là ngày 6-1-1946 diễn ra tại Nhà hát lớn, với quan niệm “những bài ngà choáng lộn, những huy chương chói lọi, đối với những óc cấp tiến đã là cái đích để cho người ta châm biếm, mỉa mai”.

Và buổi tiêu hủy diễn ra với mô tả “trên diễn đàn, bằng sắc từ cửu phẩm tới nhất phẩm, huy chương như ngân tiền, kim tiền, kim khánh, Nam long bội tinh, Bắc đẩu bội tinh bày la liệt...”, may thay phút cuối có ông Lê Dư - đại biểu Trường Viễn Đông bác cổ - đến xin để cho trường lấy những huy chương và bằng sắc về lưu trữ làm tài liệu, các hiện vật này mới thoát khỏi lần tiêu hủy ấy.

Có một điều thú vị là các tác phẩm văn thơ in trên báo thời kỳ này. Người đọc có thể tìm thấy bài thơ Quốc hội của Hoàng Cầm đăng trên báo Quốc Hội ngày 20-12-1945 với những câu đầy xúc cảm hi vọng về một thời kỳ mới của đất nước: “Anh có nghe lòng dân đang thổn thức/ Đang thầm reo trên cánh phiếu bâng khuâng/ Ôi! Cánh phiếu trút căm hờn tủi nhục/ Để từ nay cuồn cuộn sóng triều dâng...”.

Hay như bài Ngọn quốc kỳ của Xuân Diệu đăng trên tạp chí Sự Thật ra ngày 23-12-1945 thật khác với “chàng Xuân Diệu khi xưa hay sầu lắm” bởi những câu: “Sao vàng đi, máu đỏ hộ bốn bên... Bóng cờ nổi đã tan hồn lũ sói...”.

Người tuyển chọn kỳ vọng: “Các nhà nghiên cứu lịch sử có thể tìm thấy ở đây nhiều tư liệu về khu vực hành chính, tên các đường phố trong nội thành và làng xã ở ngoại thành Hà Nội, các nhà nghiên cứu ngữ văn có thể tìm thấy ở đây nhiều cứ liệu về một thời kỳ trong lịch sử ngôn ngữ và văn chương tiếng Việt...”.

Và những người nghiên cứu cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều khía cạnh đề tài, hoặc nhiều nguồn cảm hứng để bắt tay vào khảo cứu tiếp tục những nội dung quan trọng trong lịch sử nước nhà.

LAM ĐIỀN (lamdien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên