21/09/2017 11:11 GMT+7

'Sức khỏe' của Vinachem nơi 4 lãnh đạo vừa bị kỷ luật ra sao?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Vinachem đã có lãi 47,9 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nhưng gánh nợ của Tập đoàn hóa chất này đang rất lớn với hơn 38.000 tỉ đồng.

Sức khỏe của Vinachem nơi 4 lãnh đạo vừa bị kỷ luật ra sao? - Ảnh 1.

Nhà máy Đạm Hà Bắc - một trong bốn công ty thua lỗ của Vinachem - Ảnh: L.BẰNG

Từ khoản lỗ vào cuối năm 2016 là 203,5 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh của Vinachem trong 6 tháng đầu năm đã có khởi sắc trở lại khi ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế là 293,5 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán giữa năm vừa được Vinachem công bố. 

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ "vỏn vẹn" 47,9 tỉ đồng. Riêng khoản lỗ của công ty mẹ là 192,7 tỉ đồng.

Lãi nhỏ giọt, ôm nhiều khoản nợ lớn

Đáng chú ý là gánh nặng nợ của Vinachem gần như không có thay đổi khi tổng nợ phải trả đến thời điểm 30-6-2017 là 38.137 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lại tăng lên từ 18.243 tỉ đồng lên 19.837 tỉ đồng, và nợ dài hạn là 18.299 tỉ đồng.

Cũng trong báo cáo tài chính, các khoản nợ vay ngắn hạn đều có liên quan đến các công ty thua lỗ, kém hiệu quả mà Chính phủ đang tích cực chỉ đạo xử lý. 

Các khoản nợ này bao gồm Công ty CP phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vay nợ là 558 tỉ đồng, đạm Ninh Bình vay nợ lên tới 1.177 tỉ đồng, DAP Vinachem vay gần 127 tỉ đồng, DAP số 2 Vinachem vay 484 tỉ đồng…

Ngoài các công ty nằm trong danh sách dự án thua lỗ, kém hiệu quả thì một số công ty con thuộc Vinachem cũng có các khoản vay nợ ngắn hạn lớn như Công ty Hóa chất Lâm Thao vay nợ 696 tỉ đồng, Công ty Phân bón miền Nam vay nợ 413 tỉ đồng, Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam là 1.360 tỉ đồng, phân bón Bình Điền là 1.746 tỉ đồng…

Các công ty, dự án thua lỗ cũng đứng đầu danh sách khi ôm các khoản vay dài hạn, trong đó, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có khoản nợ lên tới 7.480 tỉ đồng; DAP Vinachem là 205 tỉ đồng, DAP số 2 Vinachem là 2.853 tỉ đồng…

Vinachem đánh giá đang phải chịu rủi ro lớn từ thị trường, nhưng rủi ro tín dụng, thanh khoản là vấn đề đáng lo ngại hơn. Do thiếu vốn nên Tập đoàn này thừa nhận gặp khó khăn để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, chủ yếu được phát sinh từ các khoản nợ đến hạn phải trả.

Trong số đó, riêng các khoản nợ từ 1 năm trở xuống là 17.881 tỉ đồng, các khoản nợ vay trong vòng 5 năm cũng tương tự như vậy và khoản nợ vay trên 5 năm chỉ có 750 tỉ đồng. 

Có khả năng trả nợ, vẫn muốn Chính phủ trả nợ thay

Song Vinachem cho rằng những rủi ro từ các khoản nợ có thể kiểm soát được, và có khả năng thanh toán khi đến hạn nhờ vào dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ các tài sản tài chính đến kỳ đáo hạn.

Mặc dù khẳng định vẫn có khả năng trả nợ, nhưng để xử lý một trong các dự án thua lỗ thì Vinachem đã từng gửi kiến nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho dự án Đạm Ninh Bình với khoản vay 125 triệu USD từ Ngân hàng China Exinbank của Trung Quốc. 

Trong nhiều lần kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án thua lỗ, Tập đoàn này cũng xin được gia hạn nợ, đáo nợ, khoanh nợ để có thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Hiện Vinachem đã thực hiện các kết luận của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư đối với nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2. 

Nhà máy DAP số 2 đã đi vào hoạt động từ tháng 7-2015, năm 2016 chưa vận hành hết công suất, toàn bộ chi phí khấu hao trong những tháng sản xuất được hạch toán vào giá thành sản phẩm.

Trên thực tế, Tập đoàn đã phải liên tục ứng ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ các nhà máy phục hồi hoạt động trở lại trong suốt thời gian qua. 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý được đưa ra trong báo cáo là riêng hoạt động đầu tư Vinachem cũng phát sinh khoản lỗ là 149 tỉ đồng. Tập đoàn này cũng đã phải chi ra tới 264 tỉ đồng để cho vay, mua lại các khoản nợ của các đơn vị khác.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, mới đây trong kết luận cuộc họp từ ngày 13 đến 16-9 của Ủy ban Kiểm tra trung ương, việc thi hành kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã được nêu ra.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xem xét các vi phạm, khuyết điểm của ban thường vụ Đảng ủy Vinachem nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và một số cá nhân là nghiêm trọng.

Ban Bí thư đã thống nhất quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, đồng thời yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo xem xét thi hành kỷ luật hành chính với ông Dũng.

Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận rằng ban thường vụ Đảng ủy Vinachem nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, gây hậu quả rất nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước.

Nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỉ đồng, mà điển hình nhất là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.


NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên