03/03/2018 10:42 GMT+7

Sinh viên chế tạo máy đọc sách cho người khiếm thị

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Máy gồm camera, bộ phận xử lý và loa. Khi người dùng tra tay lên chữ và bấm nút, camera sẽ chụp lại các ký tự, chuyển cho hệ thống xử lý thành âm thanh.

Sinh viên chế tạo máy đọc sách cho người khiếm thị - Ảnh 1.

Nhóm của Hoàng và thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khiếm thị - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Với mong muốn đưa sách báo đến gần hơn với người khiếm thị, nhóm các bạn Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Khánh Trình, Tạ Sinh Phúc và Bùi Lê Đạt (sinh viên khoa điện Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) đã chế tạo máy hỗ trợ đọc sách cho người khiếm thị.

Chiếc máy vừa đoạt giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017 do Trường đại học bang Arizona, Liên minh BUILD-IT và Amazon Web Services tổ chức và được đánh giá là có tính ứng dụng cao.

Bùi Lê Đạt (một thành viên trong nhóm) cho biết sản phẩm được thiết kế khá đơn giản, xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây của AWS chỉ với ba phần chính là camera, bộ phận xử lý và loa.

Khi người khiếm thị tra tay trên từng dòng chữ và bấm nút, camera gắn ở đầu ngón tay người dùng sẽ chụp lại các ký tự có trong trang sách, sau đó chuyển qua định dạng thích hợp và gửi lên bộ phận xử lý. 

Sau khi xử lý xong, hệ thống sẽ cho về thông tin dưới dạng audio chính là các ký tự trong sách và xuất âm thanh ra loa hoặc tai nghe.

Với cách làm này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách báo mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ.

Chia sẻ về ý tưởng tạo nên sản phẩm, Nguyễn Thái Hoàng cho biết: "Mình thấy nhiều người chế tạo được sản phẩm dạy học chữ nổi cho người khiếm thị, nhưng vẫn có nhiều sách báo không có bản chữ nổi và nhiều người khiếm thị không biết chữ. Họ sẽ thiệt thòi trong việc tiếp cận sách báo". 

Và Hoàng đã chia sẻ ý tưởng của mình cùng các bạn trong lớp và nhanh chóng nhận được sự góp sức của ba bạn.

Sau gần một năm kể từ khi lên ý tưởng, không ít lần nhóm vấp phải khó khăn nhưng không hề nản lòng. "Điều khó khăn nhất là chúng mình đều học tự động hóa nên việc viết ngôn ngữ lập trình cho máy là lắm gian nan. Nhờ sự hướng dẫn của thầy Ngô Đình Thanh, một giảng viên trong khoa, nên chúng mình đã vượt qua khó khăn đó", Hoàng nói.

Hoàng cho biết việc khó nhất với các bạn là in các chi tiết. "Riêng việc in ngón tay đeo trên máy cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. Có hôm cả nhóm phải ngồi tại phòng EMaker của khoa cả ngày trời. In sai phải làm đi làm lại nhưng nhóm vẫn không nản lòng". 

Trong vòng ba tháng, nhóm Hoàng đã hoàn thành sản phẩm. Ngay khi sản phẩm vừa hoàn thiện, một số người khiếm thị đã tìm đến các bạn với mong muốn có được một "đôi mắt thông minh" giúp họ đọc được sách.

Võ Văn Nhật, một người khiếm thị, chia sẻ: "Tôi rất thích đọc sách báo và mong muốn có một thiết bị nhỏ gọn, đơn giản với giá thành hợp lý giúp những người khiếm thị như tôi được thực hiện niềm ao ước đó". Vì vậy nên khi nghe đến sản phẩm của nhóm các bạn, Nhật tìm đến hỏi thăm và trao đổi những mong muốn của mình.

Hiện nhóm đang gấp rút hoàn thiện phiên bản tiếng Việt cho máy và đưa vào thử nghiệm ở người khiếm thị. Các bạn cũng đang thay thế các thiết bị trên sản phẩm với các vi xử lý nhỏ gọn hơn và có chức năng tương đương nhưng giá thành rẻ để thiết bị chỉ còn giá vài trăm nghìn đồng, có thể phục vụ cả người khiếm thị khó khăn.

Các thành viên của nhóm chia sẻ trong tương lai sẽ phát triển thêm nhiều ứng dụng hơn cho thiết bị như có thể nhận diện các đồ vật trong siêu thị giúp người khiếm thị biết được mình cần mua gì mà không phải phụ thuộc vào người khác.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên