Cảnh quận thương mại trung tâm của Singapore vào ngày 24-5-2018 - Ảnh: REUTERS
Ngày 23-10, Singapore lập ra một cơ quan chính phủ có chức năng hỗ trợ các dự án hạ tầng ở khu vực châu Á mà vốn đang "khát" hàng tỉ USD. Cơ quan có tên Hạ tầng châu Á (Infrastructure Asia - IA ).
Tuyên bố thành lập được Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat của Singapore đưa ra tại Diễn đàn bàn tròn hạ tầng châu Á - Singapore (ASIR) lần thứ 8.
IA là một cơ quan chính phủ nằm dưới sự dẫn dắt của Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) - ngân hàng trung ương nước này, và cơ quan Doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) - một nhánh của Bộ Thương mại.
Seth Tan Keng Hwee, giám đốc điều hành tại IA, phát biểu: "Với kiến thức, kỹ năng và nguồn lực tốt hơn, chúng tôi có thể cải thiện tính khả thi và ngân sách của các dự án, giúp các dự án trở thành những dự án thương mại có khả năng trụ vững".
Ông Hwee cho biết cơ quan mới sẽ hợp tác chặt chẽ với bộ phận tư nhân, các chính phủ, cùng các ngân hàng phát triển thương mại và đa phương để đáp ứng nhu cầu cụ thể của mỗi thị trường địa phương.
Công nhân xây công trình ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia - Ảnh: GETTY
Quyết định của Singapore nhằm định vị đảo quốc này trở thành một "nhà môi giới" cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng trong khu vực, diễn ra giữa bối cảnh Trung Quốc đổ tiền xây dựng liên kết hạ tầng và thương mại ở hàng chục quốc gia, nằm một phần trong sáng kiến "Vành đai - con đường" (BRI).
Theo Reuters, động thái của Singapore sẽ giúp các dự án hạ tầng ở châu Á trở nên hấp dẫn hơn với các cơ quan tài chính và các nhà đầu tư tư nhân.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã (Trung Quốc), ông Hwee còn cho biết: "Chúng tôi có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc trong những dự án liên quan tới sáng kiến ‘Vành đai - con đường’".
Vị giám đốc điều hành IA thậm chí nói rằng IA hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với cơ quan, và sử dụng nền tảng của cơ quan này để tiếp cận nhiều kênh tài chính hơn cho các dự án hạ tầng hoặc đầu tư vào các dự án.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á đối mặt với một khoảng trống đầu tư lên tới 460 tỉ USD hằng năm ở lĩnh vực hạ tầng. Nhu cầu hạ tầng của các nước phát triển tại châu Á ước tính sẽ đạt 26.000 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2030.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận