20/04/2008 03:05 GMT+7

"Siêu gầy" ơi, chào mi!

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Các cô người mẫu siêu gầy đang bị "tống cổ" khỏi nhiều sàn diễn khắp thế giới. Người Pháp thậm chí nâng tầm lên luật trong việc trừng phạt tội khuyến khích các cô gái kiêng khem để gầy trơ xương.

0yqIiX5z.jpgPhóng to
Một người mẫu siêu gầy trình diễn trong tuần lễ thời trang thu đông tại Hong Kong 2007. Ảnh TTD
TT - Các cô người mẫu siêu gầy đang bị "tống cổ" khỏi nhiều sàn diễn khắp thế giới. Người Pháp thậm chí nâng tầm lên luật trong việc trừng phạt tội khuyến khích các cô gái kiêng khem để gầy trơ xương.

Hãng tin AP cho biết mới đây Hạ viện Pháp thông qua một dự luật chưa từng có: xử phạt hình sự đối với hành động khuyến khích, quảng cáo cho "thời trang siêu gầy". Án phạt sẽ rất nặng: 2 năm tù và phạt tiền 47.000 USD. Với trường hợp dẫn đến chết người, hình phạt sẽ tăng thành 3 năm và 71.000 USD.

Theo AP, dự luật "chĩa súng" vào tất cả phương tiện thông tin đại chúng từ trang web, tạp chí, blog đến các công ty quảng cáo, hãng thời trang... có hành vi khuyến khích các cô gái trẻ nhịn ăn và giảm cân quá mức để có thân hình thon thả. Thậm chí, việc các tạp chí đăng ảnh những siêu mẫu gầy nhom cũng sẽ bị coi là vi phạm. Các chuyên gia thời trang nhận định nếu được Thượng viện Pháp thông qua, dự luật này sẽ là cú đòn mạnh nhất từ trước đến nay giáng vào "thời trang siêu gầy".

Nghị sĩ Valery Boyer, tác giả dự luật, cho biết thông điệp ẩn sau dự luật là hết sức quan trọng. "Môi trường văn hóa và truyền thông hiện nay đang ưu ái hành vi rối loạn dinh dưỡng, do đó tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải hành động" - AP dẫn lời bà Boyer tuyên bố.

Thông điệp tử thần

Hãng tin BBC dẫn nguồn Bộ Y tế Pháp cho biết tại Pháp có 30.000-40.000 người mắc chứng biếng ăn, phần lớn là phụ nữ. Cuối tuần trước, ngành thời trang Pháp đã ký qui định quảng bá hình ảnh cơ thể khỏe mạnh, tuy nhiên qui định này là không bắt buộc.

Phong trào chống chứng biếng ăn trong ngành thời trang thế giới bùng lên mạnh mẽ vào năm 2006 sau cái chết của người mẫu Brazil 21 tuổi Ana Carolina Reston. Cô Reston, từng bị chê là "quá béo", đã mắc chứng biếng ăn và qua đời ngày 15-11-2006. Khi mất, cô chỉ nặng vỏn vẹn 40kg (cao 1,72m), chỉ số cân nặng chỉ là 13,4. Trước đó, vào tháng 8-2006, người mẫu 22 tuổi người Uruguay Luisel Ramos chết vì suy tim sau ba tháng chỉ ăn rau diếp và uống coca cho người ăn kiêng.

Theo báo International Herald Tribune, đối tượng bị dự luật "đánh" đầu tiên là khoảng 400 trang web tại Pháp "tán dương" chứng biếng ăn như một cách làm đẹp. Có những website khuyên phụ nữ chẳng nên ăn gì ngoài một quả táo mỗi ngày, ca tụng các ngôi sao gầy khẳng khiu và đưa ra những lời khuyên "làm thế nào trốn bữa ăn".

Kể từ năm 2000, vô số trang web và blog loại này do giới trẻ lập ra nổi lên tại Mỹ và các nước châu Âu, lan tràn như một đại dịch ra khắp thế giới. Giáo sư tâm lý Anna Bardone-Cone, chuyên gia nghiên cứu tình trạng rối loạn ăn uống, nhận định "con mồi" của các website này thường là những cô gái tuổi vị thành niên "rất dễ bị tổn thương". Nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường cảm thấy mất tự tin về bản thân sau khi đọc các website này.

Hãng tin BBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Roselyne Bachelot khẳng định: "Khuyến khích các cô gái trẻ nói dối bác sĩ... xúi giục họ tự hành hạ bản thân mỗi khi ăn uống không phải là tự do ngôn luận". Bà Bachelot tuyên bố: "Đó là những thông điệp tử thần. Đất nước chúng ta cần phải truy tố những kẻ đứng đằng sau các trang web đó”.

Ngoài Pháp, nhiều tổ chức y tế, xã hội tại Tây Ban Nha và Anh cũng đã vận động các chiến dịch chống lại các trang web kiểu này. Năm 2007, chính quyền Tây Ban Nha đã cấm người mẫu có chỉ số cân nặng/chiều cao dưới 18 hành nghề (theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ số cân nặng/chiều cao cơ thể dưới 16 bị xem là thiếu ăn).

Thế nào là gầy?

Sau khi dự luật được công bố, giới thời trang Pháp đã có những phản ứng trái ngược nhau. AP dẫn lời giám đốc Liên đoàn Văn hóa Pháp phê phán: "Trong nghề nghiệp, chúng tôi không bao giờ chấp nhận chuyện một thẩm phán quyết định xem một cô gái có gầy hay không".

Một số chuyên gia thời trang nhận định dự luật sẽ chỉ nhằm đến các website khuyến khích chứng biếng ăn, chứ không ảnh hưởng gì đến ngành thời trang. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng những hướng dẫn cụ thể về trọng lượng người mẫu là cần thiết để chấn chỉnh lại ngành thời trang.

Bà Juliette Menager, giám đốc Hãng Joule Studio, cho biết cân nặng của người mẫu "là một vấn đề lớn", và miêu tả một số yêu cầu của các nhà tạo mẫu là "hết sức bệnh hoạn". Bà Menager tiết lộ trong các show trình diễn, người mẫu thường sụt cân thảm hại. "Họ gầy trơ xương. Các buổi trình diễn nhiều khi thật đáng sợ, giống như những trại tập trung quốc xã vậy".

Dù có được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng dự luật cũng vấp phải không ít sự phản đối. AP cho biết nhiều nghị sĩ nhận định dự luật đã không xác định rõ thế nào là "gầy quá mức". Còn các chuyên gia dinh dưỡng e ngại dự luật sẽ phản tác dụng, bởi nó có thể biến thành công cụ quảng bá cho các trang web khuyến khích chứng biếng ăn. Nhiều người cho rằng các bậc cha mẹ và giới y tế phải chịu trách nhiệm về vấn đề rối loạn ăn uống chứ không phải là chính phủ.

Chuyên gia Bardone-Cone ủng hộ việc chặn các website ủng hộ chứng biếng ăn tại các trường học và thư viện. Nhưng bà Bardone-Cone nhận định phương thức tốt nhất để bảo vệ giới trẻ chống lại nguy cơ siêu gầy vẫn là giáo dục tại trường học và gia đình.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên