Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đang được đập bỏ nhằm chuẩn bị khởi công xây mới phục vụ cho việc đăng cai SEA Games 2021. Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH |
Chi phí xây dựng, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao vào khoảng 6.897 tỉ đồng, chi phí tổ chức khoảng 905 tỉ đồng. Trong khi kinh phí thu được từ SEA Games 2021 khoảng 270 tỉ đồng.
Tận dụng tối đa nguồn xã hội hóa
Trong số 6.897 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao, đáng chú ý kinh phí từ ngân sách TP.HCM hoặc địa phương phối hợp chi ra chỉ 1.467 tỉ đồng. 5.430 tỉ đồng đến từ nguồn xã hội hóa, chủ yếu sẽ dùng để đầu tư xây mới hai công trình lớn của SEA Games 2021 là sân vận động chính 50.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc (dự kiến 3.450 tỉ đồng) và Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (dự kiến 1.900 tỉ đồng).
Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc là dự án trọng điểm của TP.HCM đã được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, dự kiến hoàn thành năm 2021. Ngoài sân vận động chính 50.000 chỗ (tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, bóng đá, điền kinh), khu liên hợp còn có hệ thống sân tập bóng đá, điền kinh và sau SEA Games sẽ hình thành trung tâm đào tạo môn bóng đá, điền kinh. Trong khi đó, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng sẽ là nơi bố trí trung tâm báo chí chính, trung tâm truyền hình và tổ chức thi đấu các môn thể dục, billiards&snooker.
Ngoài hai công trình xây mới trên, TP.HCM cũng sẽ xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM (khu trường đua Phú Thọ) với tổng kinh phí dự kiến 1.288 tỉ đồng. Trong đó, xây mới các hồ dành cho các môn thể thao dưới nước tại khu vực CLB bơi lặn Phú Thọ hiện nay để hình thành Cung thể thao dưới nước Phú Thọ; trường bắn cung; hai khối nhà 6 - 7 tầng dành cho tập luyện và thi đấu các môn võ, đấu kiếm và cụm 5 sân quần vợt trong CLB quần vợt Phú Thọ.
Môn bắn súng sẽ được tổ chức ở trường bắn thể thao quốc phòng (Củ Chi) thay vì xây mới tại trường bắn Trường ĐH TDTT TP.HCM vừa tốn kém vừa không đủ diện tích để đạt tiêu chuẩn quốc tế. TP.HCM chỉ cần đầu tư thêm khoảng 20 tỉ đồng để lắp đặt các trang thiết bị phù hợp với việc thi đấu thể thao.
Chạy đua với thời gian
Một lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết thường trực UBND TP.HCM đánh giá cao bản đề án trong cuộc họp với tất cả các sở ngành hôm 7-8 và sẽ sớm trình lên Thường vụ Thành ủy trước khi gửi Bộ VH-TT&DL và trình Chính phủ nhằm sớm triển khai các hoạt động. Vị lãnh đạo này cho biết: “Đề án cơ bản đã được thống nhất và thông qua một bước nữa khi được thường trực UBND TP.HCM ủng hộ. Vấn đề chỉ lấn cấn ở việc đăng cai tổ chức Para Games 11. TP.HCM sẵn sàng đăng cai nhưng về ngân sách vẫn cần trung ương hỗ trợ thêm”.
Theo đề án, nguồn vốn ngân sách thành phố sẽ tập trung đầu tư công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu liên hợp Rạch Chiếc nhằm bảo đảm đẩy nhanh việc thu hồi đất theo như quy hoạch được duyệt. Về nguồn vốn xã hội hóa, TP.HCM đã có chủ trương cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng sân vận động 50.000 chỗ và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cũng giải thích việc đăng cai tổ chức SEA Games 2021 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu liên hợp Rạch Chiếc vốn đã được quy hoạch hơn 20 năm chứ không phải tốn tiền xây dựng để đăng cai.
Vị này cho biết thêm: “SEA Games 2021 là sự kiện để mọi người, các sở ban ngành dốc toàn lực để hoàn thiện khu liên hợp thể thao này. Ai cũng suy nghĩ để kiếm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp cũng quan tâm tới vấn đề này. Như việc đền bù giải tỏa mặt bằng ở Khu liên hợp Rạch Chiếc, có doanh nghiệp sẵn sàng ứng vốn, bỏ tiền ra để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và xây dựng công trình thể thao không chỉ phục vụ cho SEA Games 2021 mà còn cho sau này để biến TP.HCM thành nơi đáng sống, văn minh với những công trình thể thao chất lượng”.
Khó khăn liên quan xây các công trình mới Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc giành quyền đăng cai SEA Games 31 của TP.HCM liên quan đến xây dựng các công trình thể thao mới, đáp ứng yêu cầu tổ chức SEA Games. Do đó, Sở VH-TT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình TDTT phục vụ SEA Games 31 để kịp hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020. Sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM sớm trình Chính phủ xin phê duyệt hoặc xin chủ trương trước để có đủ thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất, hoạt động tuyên truyền cổ động và vận động đầu tư xã hội hóa... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận