25/10/2014 09:28 GMT+7

​Sân khấu kịch Sài Gòn cũng... trả vé

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Sân khấu kịch TP.HCM luôn tự hào vì có thể sáng đèn thường xuyên và luôn đông khách. Tuy nhiên, đó đã là chuyện của... ngày xưa.

Bốn sân khấu đông khách nhất TP.HCM: Phú Nhuận (ảnh), Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ hiện phải tìm nhiều cách lôi kéo khán giả - Ảnh: Gia Tiến

Thời gian gần đây, tình hình khó khăn chung khiến làng kịch TP.HCM vốn được xem là năng động và sôi động nhất nước cũng không tránh khỏi chuyện tồn tại một cách èo uột, thoi thóp.

Bù lỗ liên tục

NSƯT Mỹ Uyên - phó giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B - than thở chuyện bán vé ế ẩm đã diễn ra thời gian dài. Nhà hát có 240 ghế, nếu bán được khoảng 70 vé (tức gần 1/3 số ghế) thì có thể mở màn được dù khá chật vật.

Tuy nhiên khá nhiều suất diễn chỉ bán được 30-40 vé nên nhà hát phải bù lỗ chi phí điện, nước, thù lao diễn viên, lương nhân viên... Chuyện này lặp lại liên tục khiến nhà hát không thể gánh nổi nên có những suất diễn buộc phải thông báo trả vé, hoàn tiền cho khán giả.

Cũng gặp tình trạng tương tự là hai điểm diễn của sân khấu Hồng Vân khi có nhiều suất diễn khán phòng trống vắng. Bà bầu Hồng Vân bảo: “Sau bao nhiêu năm làm bầu thì có thể nói đây là khoảng thời gian khó khăn nhất”.

Trong khi đó, sân khấu kịch Công Nhân do diễn viên Ngọc Trinh phối hợp với Nhà hát Kịch TP sau sáu tháng đi vào hoạt động cũng đang phải bù lỗ liên tục. Vì là sân khấu mới và không có ngôi sao nên các suất diễn của kịch Công Nhân thường chỉ bán được cao nhất 150 vé.

Ngọc Trinh bảo: “Lúc chưa bắt tay vào làm thì không lường hết được là khó như vậy”. Sân khấu kịch Sài Gòn có nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá vé nhưng vẫn không mấy khả quan. Sân khấu Sao Minh Béo cũng thường xuyên ế ẩm. Còn sân khấu Thuần Việt lại có những suất diễn mà khán giả chưa đến... 10 người. Sân khấu kịch Lê Hay chủ yếu diễn theo hợp đồng, khi có khi không.

Khó khăn nhất có lẽ là sân khấu Hoàng Thái Thanh khi buộc phải di chuyển đến một vị trí xa trung tâm để làm lại từ đầu. Dòng kịch tâm lý mà sân khấu này theo đuổi lại vô cùng kén khán giả nên những suất diễn khiêm tốn ở sân khấu mới luôn khiến hai nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như “đau đầu” trong việc tính toán chuyện lời lỗ.

Những nỗ lực tự thân

Hai điểm sáng của làng kịch Sài Gòn hiện nay có lẽ là Idecaf và Nhà hát Thế Giới Trẻ. Tuy không còn ở thời hoàng kim như những năm trước nhưng Idecaf vẫn là “anh cả” trong giới sân khấu xã hội hóa ở Sài Gòn với hầu hết suất diễn kín rạp. Có những vở kịch như Hợp đồng mãnh thú, Cưới vợ cho ai... dù đã sáng đèn liên tục nhiều năm nhưng khán giả phải mua vé trước cả tuần mới có.

Lý giải điều này, nhiều người cho rằng đó là do sức hút quá lớn của các ngôi sao như Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Ðại Nghĩa... Tuy nhiên, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn gần đây cũng than Idecaf phải nhờ đến kịch thiếu nhi để “nuôi” kịch người lớn.

Trong khi đó, Nhà hát Thế Giới Trẻ lại là một điển hình thành công trong việc không phụ thuộc vào ngôi sao. Ông bầu trẻ Ngọc Hùng cho biết: “Chúng tôi biết khán giả thích ngôi sao, nhưng khi ngôi sao bận thì chẳng lẽ mình đóng màn không diễn nữa? Vậy nên điều quan trọng là phải tạo một dàn diễn viên trẻ nhưng vẫn được khán giả thích”.

Quả thật, nhìn vào dàn diễn viên của nhà hát này không có cái tên nào nổi tiếng, nhưng nhờ sự trẻ trung và thường xuyên cập nhật những sự kiện, cách giao tiếp của giới trẻ hiện nay để đưa vào vở diễn nên sân khấu này đang rất được khán giả trẻ yêu thích. Các suất diễn ở đây đều bán hết vé và có những vở hot như Chuyện tình Bangkok phải đặt vé trước cả tuần.

Nỗ lực để tồn tại, mỗi sân khấu có một phương cách. Sân khấu 5B kêu gọi các nhóm nghệ sĩ trẻ hùn vốn làm kịch theo mô hình xã hội hóa, như kiểu hợp tác mà nhóm kịch Buffalo đang thực hiện với 5B.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn kiên định với dòng kịch tâm lý, miệt mài tập vở mới và cố gắng tạo cơ hội cho người trẻ. Sân khấu Sao Minh Béo tìm cách tặng vé cho khán giả thông qua các tạp chí, tổ chức để tự giới thiệu. Sân khấu Công Nhân áp dụng chế độ “khán giả VIP” dành cho khách quen. Nhà hát Thế Giới Trẻ thường xuyên tổ chức những trò chơi trên mạng để tặng vé xem kịch miễn phí.

Tuy nhiên, điều lo lắng lớn nhất của các sân khấu tư nhân ở Sài Gòn chính là địa điểm diễn không ổn định. Hầu hết các điểm diễn đều thuê mướn và có nguy cơ bị lấy lại trong nay mai.

Vòng tròn luẩn quẩn

Một vé xem kịch hiện nay có giá 130.000-150.000 đồng cho một vở diễn dài 2-3 giờ. Trong khoảng thời gian đó, các bộ phận tham gia vở từ nghệ sĩ đến hậu đài đều phải lao động liên tục. Nếu bán hết vé thì thù lao của họ cũng không thể gọi là cao nếu so với sức lao động đã bỏ ra, chứ chưa nói là so với những ngành nghệ thuật khác.

Trong tình hình sân khấu ế ẩm như chợ chiều, rất nhiều nghệ sĩ sân khấu buộc phải chạy sô đóng phim, quay sô truyền hình hoặc tranh thủ làm công việc khác để bảo đảm nguồn thu nhập.

Dù biết sân khấu là “thánh đường” nhưng nói như NSND Doãn Hoàng Giang, họ không thể cứ “hít không khí mà diễn” được. Chuyện các nghệ sĩ mải mê chạy sô, bỏ bê sân khấu, không tập vở, quên thoại càng khiến sân khấu trở nên nghiệp dư và không còn hấp dẫn với cả nghệ sĩ lẫn khán giả. Ðó là một vòng tròn luẩn quẩn.

 

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên