Phóng to |
Người nhà bệnh nhân tá túc tạm bợ ngay trên miệng cống trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến |
Đầu tiên, một điều nghịch lý mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là sự mất vệ sinh ở các bệnh viện. Đáng lý ra bệnh viện phải là nơi sạch sẽ nhất, nhưng sự thật là gì? Vào một số bệnh viện, tôi thấy lớp lớp người nằm ngồi la liệt trên đất, tay họ chống xuống đất, rồi nhà vệ sinh thường không có nước... Điều này thật kinh khủng! Nhất là khi bệnh viện thường tập trung rất nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng trong không khí.
Nên chăng bệnh viện cần làm thêm nhiều ghế đá và bán hay cho thuê những chiếc chiếu với giá rẻ để mọi người có thể mua, thuê dùng, chứ bàn tay người nhà vừa mới chống xuống đất rồi sau đó vuốt má, đút cháo cho bệnh nhân chẳng khác nào tiếp thêm bệnh. Hoặc cũng nên tăng cường giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng việc nằm, ngồi trên đất như vậy rất mất vệ sinh, và đừng quên khuyến cáo không nên để trẻ em vào bệnh viện vì sức đề kháng của trẻ thường rất yếu.
Phóng to |
Khắp các hành lang bên trong Bệnh viện Ung bướu là nơi người nhà bệnh nhân ngủ nghỉ - Ảnh: Gia Tiến |
Ngoài ra, bệnh viện ở VN có những giờ nghỉ theo tôi là quá dài và vô cùng nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Người bạn của tôi cũng từng phải chờ đợi mòn mỏi tại một bệnh viện khi anh ta bị gãy chân do tai nạn giao thông. Có ai thấu được nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần của anh ta lúc ấy lớn đến nhường nào? Một giây lúc đó tưởng như dài cả giờ. Ở Hàn Quốc, bệnh viện không có giờ nghỉ mà thường sắp xếp theo ca kíp, người này đi nghỉ hoặc ăn trưa sẽ có người khác thay thế.
Tôi cũng nhận thấy một điều là có nhiều phòng mạch, bác sĩ thích thuyết phục người nước ngoài thanh toán bằng USD thay vì tiền Việt. Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao họ lại muốn như thế. Tôi thấy ở hầu hết các quốc gia châu Á khác (trừ Campuchia) thì tiền quốc gia vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên dẫu bạn là người nước ngoài. |
Tôi nhớ có lần đến một bệnh viện ở Q.3 (TP.HCM) và chẳng biết mình phải làm gì sau khi mua sổ khám bệnh. Tôi chạy đi hỏi người này người kia nhưng cuối cùng bất lực chấp nhận sự thật là chẳng ai chịu giúp mình. Lúc đó dẫu đã biết chút ít tiếng Việt nhưng tôi vẫn vô cùng khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ và cảm thấy tủi thân hơn bao giờ hết.
Tôi ngồi thừ ra đó cả giờ, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ ước mong một điều nhỏ bé là ở mỗi bệnh viện có vài tình nguyện viên hỗ trợ về ngôn ngữ cho người nước ngoài.
Nói về sổ khám bệnh, tôi nghĩ nên chăng các bệnh viện dùng chung một cuốn để theo dõi bệnh nhân. Vì ở nước tôi cũng như nhiều quốc gia khác, mọi người chỉ cần mua một cuốn sổ ban đầu và có thể cầm nó đến bất kỳ bệnh viện nào. Còn ở đây mỗi bệnh viện lại đòi một cuốn, tuy giá không bao nhiêu nhưng nếu phí phạm như vậy sẽ không tốt cả về môi trường lẫn gây khó khăn cho người nghèo.
Điều nghịch lý cuối cùng là chi phí khám bệnh cho người nước ngoài tại VN quá cao. Cụ thể như ở Hàn Quốc nếu muốn khám tổng quát tôi chỉ phải trả 3 USD mỗi lần đến bác sĩ, còn ở VN tôi phải chi ít nhất 100-150 USD. Có lần bị bệnh khá nặng, tôi phải bỏ ra tới 2.000 USD để chữa trị. Một con số khổng lồ và rất cách biệt so với người trong nước, trong khi chi phí này ở hầu hết quốc gia đều ngang bằng, bất kể bạn là người trong nước hay nước ngoài.
Không riêng tôi mà nhiều người bạn nước ngoài khác cũng rất đau đầu về việc này. Và như một luật bất thành văn, chúng tôi thường kháo nhau: “Nếu bị bệnh thì tốt nhất nên bay về nước để khám, vừa rẻ vừa thoải mái. Chớ dại mà lăn đùng ra bệnh tại đây”. Chính vì thế mỗi lần nghĩ đến bệnh viện VN tôi không khỏi rùng mình!
Bệnh viện lúc nào cũng quá tải Có một sự thật là các bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Bản thân tôi cũng rất xót xa khi nhiều lần thấy người nhà bệnh nhân phải trải chiếu nằm ngay dưới giường bệnh nhân, nhưng đào đâu ra chỗ cho họ khi chính bệnh nhân còn không đủ chỗ để nằm? Nhớ có lần một người nước ngoài đến bệnh viện nơi tôi làm việc để trị bệnh sốt xuất huyết, anh ấy không biết tiếng Việt nên chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc do bất đồng ngôn ngữ chứ không phải vô tình. Không biết có phải vì mặc cảm không được chăm sóc hay vì điều kiện vệ sinh không phù hợp mà hai hôm sau khi đi qua giường bệnh, tôi không thấy anh ấy nằm ở đó nữa. Chị H.Anh (điều dưỡng bệnh viện Q) Người nước ngoài thường gặp khó khăn Tôi chưa vào bệnh viện VN bao giờ vì chỉ mới tới đây hai tuần. Tuy nhiên theo bạn bè kể lại, họ thật sự gặp không ít khó khăn mỗi khi có vấn đề về sức khỏe. TP.HCM chỉ có vài ba bệnh viện quốc tế, và hầu hết khách nước ngoài rủng rỉnh tiền đều đến một bệnh viện lớn ở quận 7... Julia D. (du khách người Anh) |
====================================================================
* Tôi đã phải nằm viện một vài lần , việc quá tải ở bệnh viện của ta là có thật. Nhưng đa số bệnh viện đều để dành ra một số phòng và giường bệnh để làm dịch vụ (gọi là phòng nằm theo yêu cầu). Bệnh nhân có nhiều tiền thì vào đó, còn bệnh nhân ít tiền (hoặc bệnh nhân chữa bệnh theo bảo hiểm) thì 2 người nằm 1 giường.
Nếu sống chỉ bằng lương thì y bác sỹ không đủ sống, nên bệnh viện đây đó phải bày vẽ ra đủ thứ để thu tiền (chuyện mỗi bệnh viện lại đòi hỏi phải mua sổ khám bệnh của họ là như vậy đó).
* Tôi có hai ý nghĩ muốn bày tỏ nhân đọc bài báo này.
1) Có người đề nghị đánh giá một xã hội qua cách đối xử với trẻ em, vì chúng là mầm non đất nước và sẽ là người tiếp nhận thành quả (hay chịu hậu quả!) mọi hành vi của chúng ta hôm nay. Có lẽ nên mở rộng “nhóm bên lề”: người đồng tính, người mắc bệnh truyền nhiễm (một số trường ở ta không nhận trẻ em có mầm bệnh HIV), người tàn tật. v.v. và người bệnh. Vì họ giống trẻ con ở một điểm là yếu thế.
2) Bữa nọ tôi không may phải vào khoa tim mạch của một bệnh viện một tuần. Một "lương y" cấp lãnh đạo cầm phong bì 2 triệu đồng và không thèm chào hỏi hay cảm ơn lấy một câu. Chuyện thường ngày ở bệnh viện đó thì phải? Ai cũng bấm bụng không dám kêu ca, vì không ai dám phản đối chuyện đưa phong bì. Đến lúc lâm nguy thì ai cũng sợ bác sĩ giở mặt.
Sống giữa một xã hội mà hai người thầy được trọng nhất (thầy giáo + thầy thuốc) chỉ chấp hành nghĩa vụ tử tế khi có phong bì, con người không nhẫn tâm và đốn mạt đi mới là lạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận