Lực lượng dân quân tự vệ - Ảnh: dangcongsan.vn
Dự thảo luật này đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới.
Doanh nghiệp FDI khó tổ chức tự vệ
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến cho rằng việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (DN) khó khả thi. Bởi hiện có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên việc tổ chức tự vệ trong DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó bảo đảm vị trí, chức năng của lực lượng này.
Cũng có đại biểu đề nghị quy định cụ thể đối với từng loại hình DN cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cũng băn khoăn về quy định "đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng" vì nhiều tổ chức Đảng trong DN không giữ vai trò quyết định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, có nhóm đại biểu đề nghị nghiên cứu mô hình tổ chức lực lượng tự vệ ở các cụm hoặc khu công nghiệp, đồng thời đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu DN chưa tổ chức tự vệ phải tổ chức cho người lao động của DN thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ ở địa phương.
"Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị nghiên cứu kỹ các đề nghị trên để quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của luật hiện hành. Đồng thời tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh", ông Võ Trọng Việt trình bày.
DN hoạt động đủ 12 tháng phải tổ chức tự vệ
Điều 17 dự thảo Luật dân quân tự vệ quy định: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đề án, kế hoạch, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sự phù hợp về quy mô lao động, tổ chức sản xuất, kinh doanh của DN với tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập đơn vị tự vệ trong DN.
DN tổ chức tự vệ khi có đủ các điều kiện sau: Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp; Đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên; Có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ; Theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án, kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương.
Đề xuất quy định phụ cấp đi biển đối với dân quân tự vệ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong dự thảo luật này, Chính phủ đề nghị quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.
Lý do đề nghị là vì dân quân tự vệ Việt Nam, trong đó có dân quân tự vệ biển là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo những năm tiếp theo, vai trò của dân quân tự vệ biển rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo. Chú trọng xây dựng dân quân tự vệ biển là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển chưa được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển, trong khi công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải và lực lượng thuộc Quân đội nhân dân đã được hưởng chính sách này và chế độ công tác phí đi biển.
"Cùng thực hiện nhiệm vụ trên biển, nhưng dân quân tự vệ biển chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đi biển là chưa công bằng, ảnh hưởng đến tổ chức xây dựng và hiệu quả hoạt động của lực lượng này; chưa động viên, khuyến khích công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ biển", ông Mai Tiến Dũng nói.
Đề nghị trên của Chính phủ cũng nhằm đảm bảo công bằng giữa các lực lượng và đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật quốc phòng 2018 và pháp luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận