Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế chiều 18-10 - Ảnh: LÊ KIÊN
Cuộc họp báo nhằm cung cấp thông tin về chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 22-10.
* VietNamNet: Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chỉ đạo là các đại biểu Quốc hội hạn chế tham gia giao lưu, tiệc tùng, vì đây là kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm. Đề nghị Tổng thư ký cho biết việc này đã được truyền đạt bằng văn bản đến các đại biểu Quốc hội chưa và nó có ý nghĩa như thế nào?
- Chủ tịch Quốc hội có nhắc là tại kỳ họp nên tránh việc tiệc tùng, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nêu gương, không tổ chức và tham gia các cuộc liên hoan, dự tiệc.
Tôi nghĩ rằng vào dịp lấy phiếu lần này, đề nghị của Chủ tịch Quốc hội càng có ý nghĩa vì các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tiệc tùng lúc này có thể gây hiểu nhầm. Và việc này cần được thực hiện suốt thời gian diễn ra kỳ họp chứ cũng không chỉ vào dịp lấy phiếu.
* Tuổi Trẻ Online: Dư luận rất quan tâm việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, xin Tổng thư ký cho biết: cử tri có quyền nhắn nhủ một cách công khai với các đại biểu Quốc hội là nên bỏ phiếu tín nhiệm cao hoặc tín nhiệm thấp cho chức danh mà họ quan tâm không?
- Nếu trao đổi qua điện thoại, tin nhắn thì cũng khó, vì trong các phiên họp đại biểu không sử dụng điện thoại, khu vực họp phá sóng điện thoại. Còn nếu nhắn tin nặc danh thì khó có cơ sở để đại biểu Quốc hội trao đổi, tiếp thu.
Còn trong quá trình hoạt động, sinh hoạt tại nơi cư trú, cử tri có quyền gặp gỡ, đề nghị với đại biểu Quốc hội, đây là quyền của cử tri và là việc bình thường. Khi tiếp nhận thông tin, các đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt chọn lọc, đánh giá, công tâm và đây là quyền của đại biểu Quốc hội.
Công tác lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ là nội dung được dư luận quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn
Làm công tác nhân sự ngay từ đầu kỳ họp
Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, cuối giờ chiều ngày 22-10, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Kết quả sẽ được công bố vào 15h chiều ngày 23-10. Ngay sau đó tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn (đã bị kỷ luật Đảng và hành chính vì liên quan đến "vụ AVG"), đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng (đã được Thủ tướng giao làm quyền bộ trưởng).
Kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc lúc 9h ngày 22-10, dự kiến diễn ra trong một tháng với 24 ngày làm việc chính thức. Tại phiên trù bị trước giờ khai mạc, Quốc hội sẽ thực hiện nghi thức tưởng niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và hai đại biểu Quốc hội Khóa XIV vừa từ trần là Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ĐBQH TP.HCM) và ông Lê Minh Thông (ĐBQH tỉnh Thanh Hoá).
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, trong đó có một số dự án đáng chú ý như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...
Kỳ này Quốc hội tiếp tục dành trọn 3 ngày cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại họp báo quốc tế chiều 18-10 - Ảnh: LÊ KIÊN
* Tuổi Trẻ Online: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội loại dự án Luật Hành chính công ra khỏi chương trình làm việc. Đây là dự án luật được cá nhân đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất và được Quốc hội chấp thuận, từng được đưa vào, rút ra khỏi nghị trình nhiều lần. Loại ra khỏi chương trình như vậy phải là một sự lãng phí hay không và nên được rút kinh nghiệm như thế nào?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là dự án luật đầu tiên được cá nhân đại biểu Quốc hội sáng kiến, nhất là đại biểu nữ, nên Quốc hội rất hoan nghênh. Quá trình soạn thảo dự án luật này được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vài lần và đánh giá cao tâm huyết, quá trình chuẩn bị công phu của đại biểu và nhóm soạn thảo.
Tuy nhiên, qua xem xét Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy dự án luật chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra, quá trình chuẩn bị cũng lâu rồi và trong quá trình đó thì một số nội dung, vấn đề đặt ra cho dự án luật này đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào các luật khác có liên quan. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội rút dự án này ra khỏi chương trình.
Nhưng làm vậy không gây lãng phí, bởi các hồ sơ, tài liệu qua quá trình nghiên cứu công phu của đại biểu, của các chuyên gia đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội, trong đó có những số liệu, phân tích rất sâu sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận