19/10/2018 13:10 GMT+7

Quản lý thị trường cũng đau đầu với hàng gian, hàng giả

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ nhức nhối đến mức cơ quan quản lý thị trường buộc phải thừa nhận chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Quản lý thị trường cũng đau đầu với hàng gian, hàng giả - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - minh họa một loại thuốc được làm giả từ nước ngoài và người tiêu dùng trong nước đã mua phải hàng giả này - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Để minh họa một trường hợp hàng giả được sản xuất tinh vi tại hội thảo "Thực trạng hàng giả hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp" tổ chức sáng 19-10, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - đưa ra một hộp thuốc viên được sản xuất ở nước ngoài, nhưng một người bạn làm bác sĩ của ông khẳng định "loại thuốc này chỉ có dạng nước chứ không có loại viên nang".

Nguy hiểm hơn, theo ông Linh, nếu không phát hiện kịp thời, có thể người quen của ông sẽ tiếp tục uống các viên thuốc giả mạo "và không biết chuyện gì sẽ xảy ra", ông Linh thừa nhận.

Tại hội thảo do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức này, ông Linh cho biết phương thức, thủ đoạn vi phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi.  

Khi phát hiện, hầu hết các đối tượng vi phạm đều có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả.  

Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.

Quản lý thị trường cũng đau đầu với hàng gian, hàng giả - Ảnh 2.

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với cơ quan quản lý trong việc xử lý hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hành lang pháp lý , quy định pháp luật, cơ chế xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Theo ông Đàm Thanh Thế, chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hàng giả hiện không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn được sản xuất trực tiếp từ nước ngoài, sau đó đưa qua cửa khẩu, đường mòn vào Việt Nam bất hợp pháp.  

Ông Thế cho rằng mặc dù hiện nay Chính phủ đã phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng, nhưng "số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn gia tăng hằng năm".

Nguyên nhân chính được cho là do lợi nhuận của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất lớn. Cùng với đó là công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. 

Điều đáng nói là ngay chính một số người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ và phù hợp về tài chính vẫn chấp nhận mua và sử dụng, trong khi doanh nghiệp vẫn còn ngại làm đơn đề nghị xử lý... vì lo ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của mình.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời sửa đổi theo hướng các điều quy định trong luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất, đáp ứng thời gian theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh quản lý thị trường. 

Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỉ đồng. 

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên