Em Sơn và nữ cán bộ coi thi sẽ viết hộ giùm em. Phía trước là 2 máy ghi âm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngay từ sáng sớm, Phạm Quốc Sơn được cha là ông Phạm Văn Giang đưa đến điểm thi THPT Chi Lăng để tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo ông Giang, trước đó ngày 20-6, Sơn bị tai nạn, đứt động mạch chủ ở cẳng tay phải. Đến ngày 22-6, Sơn được xuất viện nhưng tay phải chưa viết được. Gia đình báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng.
Lập tức, Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tại An Giang đã kiến nghị Bộ Giáo dục - đào tạo giải pháp xử lý tình huống này.
Bộ đã yêu cầu Hội đồng thi An Giang trang bị 2 máy ghi âm, cử người viết hộ không có chuyên môn về văn và 2 cán bộ coi thi bên trong và ngoài phòng thi.
"Con tôi bị tai nạn như vậy nên rất khó để viết bài. Nhờ sự hỗ trợ của hội đồng thi gia đình tôi biết ơn nhiều lắm. Mong cho con nó thi đậu được điểm cao trong kỳ thi này" - ông Giang nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sáng 25-6, bước vào thi môn văn, môn đầu tiên, điểm thi THPT Chi Lăng đã bố trí 1 phòng riêng biệt cho Sơn.
Đồng thời, bố trí 1 cán bộ coi thi là nữ để viết hộ bài thi cho Sơn và 2 cán bộ khác giám sát bên trong và bên ngoài phòng thi.
Trước giờ thi, các giám thị đã mở niêm phong lấy 2 máy ghi âm ra để trên bàn Sơn.
Cán bộ coi thi thực hiện các thủ tục trước giờ thi tại phòng thi của Phạm Quốc Sơn - Video: BỬU ĐẤU
Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo An Giang, đây là thí sinh đặc biệt tại cụm thi An Giang.
Sở phải lập phòng riêng biệt và lựa chọn giáo viên không có chuyên môn về văn để viết giùm em.
"Chỉ có môn văn là em này phải viết nên cần người viết hộ. Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi mua 2 máy ghi âm để em vừa nói có người viết và cũng có ghi âm lại rõ ràng. Đến các môn thi sau, em có thể tự đánh dấu các bài thi trắc nghiệm được" - bà Diễm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận