05/04/2008 06:25 GMT+7

Phim Thái tổ Lý Công Uẩn: Tôi sẽ đề nghị ngưng sản xuất, nếu...

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Sáng 2-4, Hà Nội lại vừa có thêm một cuộc họp đột xuất với Hãng Phim truyện VN về số phận bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Tuổi Trẻ đã gặp gỡ ông Phạm Quang Long - giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội, cơ quan được TP ủy quyền ký hợp đồng đặt hàng Hãng Phim truyện VN sản xuất bộ phim này.

pxehuDrO.jpgPhóng to
TS Phạm Quang Long
TT - Sáng 2-4, Hà Nội lại vừa có thêm một cuộc họp đột xuất với Hãng Phim truyện VN về số phận bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Tuổi Trẻ đã gặp gỡ ông Phạm Quang Long - giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Hà Nội, cơ quan được TP ủy quyền ký hợp đồng đặt hàng Hãng Phim truyện VN sản xuất bộ phim này.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Phim về Lý Công Uẩn là thiếu tính khả thiPhim Thái tổ Lý Công Uẩn : Ngổn ngang trăm mối!Chúng tôi không làm phim bằng mọi giáNgười dân cũng không xem phim bằng bất cứ giá nào! (*)Cần có tiếng nói phản biện200 triệu cũng đắt nếu...

* Thưa ông, cuộc gặp đột xuất ngày 2-4 vừa qua là để kiểm tra tiến độ hay có những quyết định mới với số phận của bộ phim?

- Chúng tôi kiểm điểm lại tiến độ triển khai làm phim và chúng tôi cũng công bố thông báo chính thức của Hà Nội đến Hãng Phim truyện VN: hãng phim đã chậm tiến độ. Về những phần công việc đã thực hiện, hãng cũng chưa thực hiện đúng theo qui định của ủy ban. Để có được quyết định làm phim, phải có quyết định của hội đồng thẩm định kịch bản. Nhưng kịch bản chưa xong mà hãng đã tự ý ra quyết định thành lập đoàn làm phim, công bố người này làm đạo diễn chính, người kia đạo diễn phụ... tạo dư luận không tốt, công chúng sẽ lầm tưởng TP đã phê duyệt dự án làm phim, và nhất là làm với kinh phí khổng lồ 200 tỉ kia.

Về kịch bản, vì còn nhiều điểm không ổn nên chúng tôi đã gửi đến chín thành viên của hội đồng thẩm định (là các đạo diễn điện ảnh, sân khấu, nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà văn...) để lấy ý kiến, và trong cuộc họp vừa rồi chúng tôi cũng đã chuyển lại tất cả các ý kiến đóng góp, phản biện đó cho hãng phim.

* Thưa ông, được biết bí thư Thành ủy Hà Nội - vốn là một người học sử và có thời gian dài làm bộ trưởng Văn hóa - thông tin - cũng đã có ý kiến góp ý rất cụ thể, tỉ mỉ và khá gay gắt với kịch bản phim và bày tỏ nhiều nghi ngại về tính khả thi của việc làm phim?

- Đúng là bí thư có đọc và góp ý rất kỹ, tôi không thể nói kỹ hơn về điều này, nhưng có thể nói ngắn gọn là ý kiến của bí thư Thành ủy Hà Nội trùng với ý kiến của rất nhiều người khác về những vấn đề nổi cộm của kịch bản. Ngay từ ngày đầu, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu: đây là một trong nhiều hạng mục thực hiện để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nó quan trọng theo đúng vai trò, vị trí của nó, không ai đẩy nó lên trên tầm nó được xác định. Yêu cầu chất lượng được đặt lên hàng đầu.

* Thưa ông, như vậy đến giờ phút này Hà Nội vẫn chưa có quyết định cuối cùng về bộ phim này: có làm nữa hay không? Và nếu làm thì phải duyệt kinh phí ngay vì thời gian đã quá gấp rút?

- Chúng tôi còn kiên nhẫn làm việc với hãng phim vì chúng tôi vẫn hi vọng có một bộ phim xứng đáng để kỷ niệm sự kiện trọng đại của Thăng Long. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tạo. Tôi cũng đã nghe nhiều lời bàn: dừng chuyện phiêu lưu này lại để làm những gì thiết thực hơn, chắc chắn hơn: xây một cái cầu, một bệnh viện, một nhà hát mang tên Lý Công Uẩn... như vậy cũng là chào mừng, lại thiết thực, hữu ích, đong đếm được...

Nhưng cuộc sống không chỉ có vậy, tôi cũng là người mơ mộng. Trước sau cũng phải làm, lịch sử 4.000 năm của dân tộc chẳng lẽ không có nổi một bộ phim về cha ông chúng ta. Vẫn có thể làm một cách thiết thực theo kiểu liệu cơm gắp mắm.

* Thưa ông, nếu như ông có quyền và ông thấy kịch bản quả thật không ổn như nhiều người đã phân tích, liệu ông có dám quyết định việc ngừng làm phim này không?

- Sau hai tháng nữa, tôi biết chắc phim nếu được sản xuất sẽ chỉ như Hoàng Lê Nhất thống chí (phim truyền hình nhiều tập sản xuất năm 1996-1997 từng bị phê phán là dở tệ) thì tôi sẽ đề xuất không tiếp tục làm phim nữa. Nhưng tôi tin chắc sẽ không có phim lịch sử nào dở như phim đó đâu. Vì những người trong nghề đã biết phim kia nó dở ở những chỗ như thế nào rồi và bộ phim này do những người có tay nghề cao hơn, được đầu tư lớn hơn nên không thể dở như vậy được.

* Nhưng xã hội đã phát triển hơn, nhu cầu của người xem cao hơn, và bộ phim sắp làm nếu cũng chỉ khá hơn bộ phim cũ một chút thôi thì sao, thưa ông?

- Tôi cũng sẽ đề nghị ngưng sản xuất.

* Nhưng thưa ông, áp lực xã hội sẽ rất lớn. Như vậy là thừa nhận sự thất bại? Ai sẽ chịu trách nhiệm?

- Nếu biết phim quá dở mà vẫn làm thì là có tội. Để dừng lại, cần một quyết định rất dũng cảm. Sẽ có nhiều người phản đối, nhưng cũng sẽ có nhiều người tán đồng. Và được lợi sẽ là số đông người dân đóng thuế vì thấy tiền của mình không bị chi tiêu vô nghĩa. Và tất nhiên, như vậy là thừa nhận sự thất bại rồi.

Còn trách nhiệm nhiều người phải chịu, trong đó tôi chịu một phần không nhỏ, vì tôi được giao là một trong những người chịu trách nhiệm tổ chức mà không hoàn thành. Ngoài ra tôi còn thấy cả trách nhiệm ở khía cạnh đạo đức nữa. Sắm lễ để kính cáo với tổ tiên mà lễ kém không phải vì nghèo mà do không biết sắm đồ, biện lễ thì kém quá rồi, còn phải nói gì nữa.

* Chân thành cảm ơn ông vì cuộc trao đổi thẳng thắn này.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên