05/12/2018 11:54 GMT+7

OPEC đang rung lắc, giá dầu có nhảy múa theo?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tương lai ngành công nghiệp dầu mỏ đang trở nên bất định trước các biến động địa chính trị, xu hướng năng lượng tái tạo và cả tình trạng biến đổi khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt.

OPEC đang rung lắc, giá dầu có nhảy múa theo? - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một giếng dầu ở tỉnh Alberta của Canada. Chính quyền Alberta vừa ra lệnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Nguồn cung dư thừa là nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc những năm qua - Ảnh: Reuters

Đầu tuần này, thị trường ghi nhận cú nhảy 4% của giá dầu sau giai đoạn rơi tự do gần 30% từ đầu tháng 10. Diễn biến mới chủ yếu nhờ thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cất bớt gánh lo về kinh tế thế giới, bên cạnh đó là dự báo về động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong kỳ họp tại Vienna (Áo) ngày 6 và 7-12.

Điềm báo Qatar

Nhưng kể cả trong trường hợp OPEC đạt được một thỏa thuận, sẽ là canh bạc nếu cược giá dầu tiếp tục đi lên sau ngày thứ sáu.

Cũng trong tuần này, một sự kiện khác gây chú ý là việc Qatar - thành viên kỳ cựu gần 60 năm của OPEC, tuyên bố rút lui từ ngày 1-1-2019. Tuy ảnh hưởng của Qatar không lớn, các nhà quan sát nhận xét những vết rạn nứt của OPEC đã bắt đầu xuất hiện và có thể dẫn đến sự tan rã.

"Qatar rời OPEC tương đương với vết nứt ở xương sống. Tổ chức này có thể không tồn tại tiếp được. Thông điệp gửi đến các thành viên còn lại là tốt hơn hết các anh nên tự lập thay vì tiếp tục ngồi" - ông Naeem Aslam, trưởng phân tích thị trường của Hãng ThinkMarkets UK, bình luận.

Thực tế, Qatar không phải thành viên đầu tiên rời OPEC, trước đó còn có Indonesia, Gabon và Ecuador. Hai quốc gia sau tái gia nhập vài năm sau đó, hồi thập niên 1990, còn Indonesia rời OPEC đến 2 lần, gần nhất là tháng 11-2016.

"Trong mấy thập niên trước, các nước OPEC nhìn chung công nhận lợi ích của họ gắn kết với tổ chức... Nhưng hiện nay, tôi tin có một cảm giác khó chịu rằng lợi ích tốt nhất của Saudi Arabia chưa chắc là lợi ích tốt nhất của số còn lại" - nhà phân tích Jeff Yastine, Hãng tư vấn đầu tư Banyan Hill (Mỹ), nhận xét.

Ông Yastine tin vào khả năng OPEC tan rã, đặc biệt nếu Saudi Arabia tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của thái tử Mohammad Bin Salman, người vốn chủ trương giảm sự lệ thuộc của đất nước vào dầu mỏ.

"Vương quốc (Saudi Arabia) hiểu rằng nhu cầu dầu mỏ không tồn tại mãi, anh cần phải nhìn xa hơn OPEC. Thậm chí Mỹ cũng đang cân nhắc một đạo luật chống lại OPEC (vì thao túng giá dầu)" - một cố vấn cấp cao trong Chính phủ Saudi tiết lộ với báo Wall Street Journal của Mỹ.

Theo chuyên gia Yastine, OPEC không nhất thiết phải tan rã theo đúng nghĩa đen, vai trò của tổ chức này có thể dần biến thành "không còn ý nghĩa".

"Thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo, OPEC càng mất đi lý do để tồn tại như một liên minh" - vị chuyên gia bình luận.

Thận trọng chờ đợi

Theo tờ Financial Times, dự báo "trung dung" nhất là cuộc họp ở Vienna sẽ chốt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giúp kềm lại đà giảm của giá dầu. Chỉ chưa rõ mức cắt giảm là bao nhiêu trong bối cảnh Saudi Arabia liên tục chịu sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump phải giữ sản lượng cao và giá thấp.

Hầu hết các nhà giao dịch ước tính mức giảm phải đạt 1,4 triệu thùng/ngày mới mong kéo giá dầu đi lên, nhưng rất ít người tin OPEC do Saudi Arabia lèo lái sẽ xuống tay đến mức đó, thậm chí có thể OPEC sẽ không công bố con số rõ ràng để tránh chọc tức Mỹ.

Trong trường hợp sau, sự bất định không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Chuyên gia Amrita Sen thuộc Hãng tư vấn Energy Aspects nhận định nếu OPEC thông báo cắt sản lượng nhưng không nói rõ chi tiết, tin đó sẽ khiến thị trường bán tháo.

Tệ hơn nữa, "không có thỏa thuận nào" sẽ đồng nghĩa giá dầu "rất, rất thấp", dầu thô Brent có thể xuống mức 50 USD/thùng, bà Amrita dự báo.

Theo giới phân tích, OPEC đang ở vào thế khó giống như hồi năm 2014, khi giá dầu bắt đầu lao dốc từ mốc trên 100 USD/thùng do cung bắt đầu vượt quá cầu.

Năm đó, quyết định không cắt giảm sản lượng (nhằm đè đối thủ cạnh tranh) của OPEC mang lại hai bài học đắt giá: (1) Dầu đá phiến của Mỹ không chết dưới áp lực; (2) Dựa vào giá dầu để tái cân bằng thị trường cực kỳ tốn kém.

Xét các yếu tố trên, Saudi Arabia, Nga, Kuwait... sẽ có một kỳ họp căng thẳng tại Vienna trong 2 ngày tới.

Saudi Arabia cân nhắc ngày tan rã của OPEC

Đầu tháng 11, báo Wall Street Journal của Mỹ đưa tin một tổ chức học giả hàng đầu do Chính phủ Saudi Arabia tài trợ đã khởi động một nghiên cứu về tác động có thể xảy ra với thị trường dầu mỏ trong trường hợp OPEC giải tán.

Một số nguồn tin nói nghiên cứu này không đồng nghĩa Saudi Arabia muốn rời OPEC trong tương lai gần, đây chỉ là "đánh giá lại tổng thể" quãng đường gần 60 năm của Saudi trong tổ chức này.

Được thành lập năm 1960, OPEC hiện có 15 thành viên - 6 ở Trung Đông, 7 ở châu Phi và 2 ở Nam Mỹ. Saudi Arabia từ lâu đã chi phối tổ chức này do chiếm đến 1/3 tổng sản lượng.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên