Ông Trần Phương Bình tại tòa - ẢNH: HOÀNG ĐÔNG
Là bị cáo được xét hỏi đầu tiên, ông Trần Phương Bình, nguyên tổng giám đốc DAB, thừa nhận các nội dung cáo trạng truy tố với 2 tội danh: lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Lập phiếu khống trăm tỉ để mua cổ phần
Trong số đó, đối với tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có đến 21 hành vi sai phạm được các bị cáo thực hiện trong thời gian dài rút ruột của DAB tổng số tiền là 2.057 tỉ đồng.
Còn đối với tội cố ý làm trái, ông Bình và các đồng phạm có 6 hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng tổng số 1.551 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn có 6 hành vi vi phạm khác và đã được cơ quan điều tra tách ra xem xét từ tin báo tố giác tội phạm.
Cáo trạng quy buộc ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện việc lập phiếu thu khống hàng trăm tỉ đồng để ông này mua cổ phần của DAB đứng tên mình và người thân.
Tại phiên tòa, ông Bình cho biết việc tăng vốn điều lệ phải dựa trên quy định của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu mở rộng tính thanh khoản của ngân hàng. Sau đó, tăng phát hành cổ phần cho các cổ đông hiện hữu mua, nếu cổ đông hiện hữu không mua thì mới bán ra ngoài.
Về nguồn tiền để tăng vốn điều lệ, ông Bình khai rằng Ngân hàng Nhà nước không quy định rõ nguồn gốc tiền, nhưng sau đó Ngân hàng Nhà nước đã quy định không được vay tiền để mua cổ phần của chính ngân hàng đã vay tiền. Nguồn tiền phải được xác minh là nguồn tiền có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp.
Ông Bình cũng cho biết nếu cổ đông sử dụng tiền vay của một ngân hàng để mua cổ phần của ngân hàng khác thì không ảnh hưởng đến việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, và thừa nhận đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước khi tăng vốn điều lệ.
Từ khi thành lập đến nay, DAB đã tăng vốn điều lệ 39 lần, nhưng ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu chi khống để mua cổ phần vào tay bị cáo và người thân bị cáo.
Ông Bình thừa nhận số tiền trong cáo trạng là phù hợp nhưng về bản chất số tiền này nằm trong cổ phần mà bị cáo và người thân đứng tên, hiện nay vẫn đang nằm trong DAB.
Điều chuyển lòng vòng để che giấu âm quỹ
Tại phiên tòa, ông Trần Phương Bình cho biết phòng ngân quỹ của DAB có 3 ngân quỹ riêng biệt là quỹ vàng, quỹ ngoại tệ và quỹ tiền đồng.
Quy trình kiểm quỹ phải có đại diện lãnh đạo ngân hàng, phòng kế toán và thủ quỹ. Tuy nhiên, DAB không thực hiện theo quy trình trên.
Trả lời HĐXX về quy định kinh doanh vàng và ngoại tệ, ông Bình cho biết từ khi thành lập ngân hàng cổ phần đã được kinh doanh vàng mà không cần giấy phép con, còn kinh doanh ngoại tệ thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với quỹ vàng, DAB có 2 loại vàng là quỹ vàng DAB kinh doanh trước đó tồn lại và loại vàng do khách hàng gửi giữ hộ.
Ông Bình thừa nhận việc kinh doanh vàng trên tài khoản, DAB đã làm giấy phép nhưng sau đó Ngân hàng Nhà nước ra quy định cấm tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, yêu cầu đóng và tất toán số dư tài khoản đã mở để kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài trước ngày 30-3-2010.
Tuy nhiên, sau thời gian này DAB vẫn xuất khẩu hơn 14.000 lượng vàng. Theo hồ sơ, tại thời điểm 31-12-2015 DAB lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX về việc tại sao thanh tra không phát hiện DAB âm quỹ khủng, ông Bình cho biết thanh tra Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thanh tra DAB, tuy nhiên chỉ thanh tra từng phần cụ thể và đến năm 2014 mới thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm.
Để che giấu các khoản tiền chênh lệch, trước mỗi đợt thanh tra ông Bình làm việc với phòng ngân quỹ điều chuyển các khoản âm quỹ đó đến các chi nhánh, phòng giao dịch nơi mà các cơ quan thanh tra không thanh tra nên không bị phát hiện.
Sau cuộc kiểm tra khoảng 10 ngày, các chi nhánh, phòng giao dịch này sẽ chuyển khoản âm quỹ này lại hội sở.
Theo ông Bình, cách che giấu như trên đã sử dụng 10 năm nhưng thanh tra Ngân hàng Nhà nước không đặt nghi vấn gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận