Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Ảnh: PHÚ KHÁNH
Sau khi ý tưởng này được nêu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2-7 vừa rồi, nhiều câu hỏi được đặt ra. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời Tuổi Trẻ Online một số băn khoăn bước đầu.
* Tại sao Hà Nội đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư?
Hà Nội hiện đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ xây dựng chính phủ điện tử của TP. Việc này được làm trên nền tảng số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có. Thứ hai là xây dựng cơ sở dữ liệu cốt lõi với rất nhiều thông tin như dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, thuế, kê khai hải quan, cán bộ công chức…
Trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư của TP gần 7,5 triệu dân. TP cũng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu của gần 4 triệu hồ sơ bệnh nhân, 1,8 triệu học sinh… Trong 2 năm qua, TP đã thử nghiệm đưa vào vận hành hệ thống tuyển sinh nhiều cấp, quản lý sổ học bạ...
TP còn đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu về hộ tịch, hộ khẩu để phục vụ các gia đình khi phải hỏa táng thân nhân có thể nhận tiền hỗ trợ tại nơi hỏa táng, không phải đến UBND phường hay Sở Lao động, thương binh và xã hội làm thủ tục rồi quay lại cơ sở hỏa táng nhận tiền như trước.
Trên thế giới, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung (big data) là xu hướng tất yếu của các TP và các quốc gia. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các tỉnh, thành trong đó có Hà Nội đi theo xu hướng đó.
Xây dựng big data tức là chúng ta đang tạo ra một nguồn tài nguyên mới để phục vụ nền kinh tế, phục vụ người dân và tạo ra các công ăn việc làm mới…
* Người dân đang rất băn khoăn khi thực hiện việc này thì thông tin cá nhân của họ có bị lộ lọt không?
Tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không. Thông tin được chia sẻ cũng không có những thông tin mang tính bí mật cá nhân. Dữ liệu dân cư này chính là những thông tin được người dân cung cấp cho cơ quan công an trong quá trình làm các thủ tục về hộ chiếu, CMND. Cơ sở dữ liệu này được tích hợp và chia sẻ cho các đơn vị như công chứng, ngân hàng…
Thậm chí, sau này khi trang bị máy kiểm tra cho cảnh sát, người dân hoàn toàn có thể không cần cầm theo giấy tờ mà chỉ cần đọc mã số định danh công dân của mình là tra cứu được thông tin trên hệ thống, giúp tiết kiệm cho người dân về thời gian, thủ tục, giấy tờ…
* Tiền thu giá dịch vụ sẽ được dùng cho những mục đích gì?
Khi xây dựng cơ sở dữ liệu chúng ta phải đầu tư một khoản tài chính để phục vụ việc thu thập thông tin, thuê server lưu trữ dữ liệu, đường truyền, mua các thiết bị đầu cuối phục vụ cho quá trình vận hành toàn bộ hệ thống...
Tiền thu được ngoài việc phục vụ cho việc hoàn trả vốn đầu tư ban đầu, còn phục vụ cho việc duy trì, duy tu hệ thống nêu trên.
* Giá dịch vụ này người dân có phải trả?
Khi các doanh nghiệp hoặc tổ chức hành chính đăng ký thuê dịch vụ chia sẻ dữ liệu này, họ phải trả phí để sử dụng dữ liệu. Còn người dân hoàn toàn không phải trả. Ngược lại người dân còn được lợi từ dịch vụ này.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh):
Điều 10 Luật Căn cước công dân 2014 về quyền khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định như sau:
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, do Bộ Công an quản lý.
2. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện như sau:
a) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
c) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật."
Như vậy, theo quy định này, tổ chức và cá nhân có quyền khai thác thông tin về cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi khai thác phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện khi khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an khi khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc.
Để hạn chế những rủi ro đối với công dân khi thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị người khác khai thác, Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Công an quy định: "Công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và xuất trình một trong các giấy tờ sau của bản thân: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân".
Dựa trên nhu cầu khai thác thông tin của công dân, cơ quan chức năng có quyền chấp nhận hoặc từ chối cung cấp.
Như vậy có thể thấy đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung phù hợp với quy định của Luật Căn cước công dân 2014, phù hợp với Luật tiếp cận thông tin 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
T. HOÀNG - DIỆP THANH
Trên báo Dân trí, lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) phản hồi đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: "Đó mới là đề xuất riêng của Hà Nội, Bộ Công an chưa có đề xuất về việc này. Còn hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Dự thảo này được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự thảo đưa ra một số mức thu phí cụ thể như: khai thác báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh, thành phố 250.000 đồng/báo cáo (dữ liệu tổng hợp); báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện 200.000 đồng/báo cáo; báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn 150.000 đồng/báo cáo (dữ liệu tổng hợp). Khai thác dữ liệu chi tiết dân cư 800 đồng/1 thông tin về công dân.
Theo tính toán, chi phí cho một lần khai thác đủ 15 thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 12.000 đồng và như vậy số tiền phí thu được trong 1 năm dự kiến trên 38 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận