Đối với một số gia đình có lao động chính và hai con nhỏ, chi phí cuộc sống không chỉ là thực phẩm mà còn chi phí chỗ ở, đi lại, trang phục, học phí cho con... Trong ảnh: bữa cơm một gia đình công nhân ở Tân Phú (TP.HCM)
* Ông PHẠM CÔNG HÙNG (nguyên thẩm phán TAND tối cao):
10 triệu đồng may ra mới đủ
Sống ở TP.HCM với nhiều khoản chi phí khác nhau nên nếu nói để đủ sống thì phải thu nhập 10 triệu đồng/tháng mới đủ cho cuộc sống tối thiểu. Mức lương do nhóm khảo sát đưa ra là 6,4 triệu đồng/tháng vẫn là mức độ thấp.
Đối với một gia đình có hai lao động chính và hai con nhỏ, chi phí cuộc sống không chỉ là thực phẩm được tiêu thụ hằng ngày mà còn vấn đề chỗ ở, đi lại, trang phục, học phí cho con, tiền phát triển bản thân mỗi lao động...
Nếu gia đình đó có nhà ở TP thì sẽ không phải lo tiền thuê nhà, còn nếu không có nhà thì sẽ phải thuê, mà thuê nhà ở TP giá rất cao, một căn hộ với diện tích 50m2 trở lên khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Tính luôn cho các chi phí khác: ăn uống (6 triệu đồng), điện nước, tiền học cho con, xe cộ đi lại, hiếu hỉ... thì phải cần 20 triệu đồng mới đủ.
Thực tế, các gia đình công nhân (hoặc công chức, viên chức ở tỉnh khác đến) không có điều kiện để thuê được căn hộ như vậy để ở. Họ thường thuê nhà của tư nhân trong những dãy trọ với giá thấp hơn (khoảng 2-3 triệu đồng/phòng) với điều kiện sinh hoạt rất hạn chế, thậm chí được gọi là ở mức tối thiểu. Khi điều kiện sinh hoạt ở mức thấp thì không thể đảm bảo được sức khỏe làm việc và sức khỏe cho tương lai.
Ví dụ, thay vì mua thực phẩm đảm bảo chất lượng nhưng với giá tiền cao tới khoảng 200.000 đồng cho một bữa ăn thì họ sẽ mua thực phẩm với mức giá 50.000 đồng. Thực phẩm giá rẻ không đảm bảo chất lượng thì đương nhiên cũng không đảm bảo sức khỏe cho người lao động và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài hơn trong tương lai.
Người lao động cũng có cách ứng phó với khó khăn bằng cách mang thực phẩm từ quê lên TP để sử dụng. Nhưng nếu sống một cuộc sống thiếu thốn, co trước kéo sau như vậy thì sao gọi là đủ sống được?
* TS LÊ THỊ THÚY HƯƠNG (trưởng môn luật lao động Trường ĐH Luật TP.HCM):
Chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu
Tôi không rõ việc khảo sát này được thực hiện như thế nào, nhưng theo tôi, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng mà nhóm khảo sát đưa ra là còn lạc quan. Bởi thực tế tại TP.HCM, tại nhiều khu công nghiệp khác nhau, mức thu nhập của công nhân chỉ 4 triệu đồng. Mức 5 triệu đồng/tháng là có tăng ca, và không phải nhà máy nào cũng có tăng ca, không phải khu công nghiệp nào cũng có tăng ca.
Đối với một công nhân chưa có gia đình thì mức 5 triệu đồng còn phải chi tiêu dè sẻn và chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu chứ không thể nói là sống đàng hoàng. Nếu công nhân đó mà có con thì phải lo thêm một khoản nữa khá tốn kém là dinh dưỡng cho em bé, chi phí mỗi tháng cho em bé ít nhất cũng 2 triệu đồng (với các cháu được học trường công lập). Bởi vậy, ngay cả mức thu nhập 6,4 triệu đồng/tháng như nhóm khảo sát tính toán thì cũng khó có thể được coi là đủ sống.
Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động sẽ khó tăng thêm được, vì nếu tăng quá doanh nghiệp nói sẽ không chịu được. Như vậy, việc tính toán mức thu nhập đủ sống hay không đủ sống cũng không thay đổi được mức thu nhập thực tế của người lao động.
* TS ĐINH THẾ HIỂN (chuyên gia kinh tế):
Không có dự phòng khi đau ốm, bệnh tật
Mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng, theo tôi, gần như là mức thu nhập thấp nhất của người lao động tại TP.HCM, của người lao động giản đơn, sinh viên mới ra trường chấp nhận để tìm cơ hội tại TP. Hiện nay, ngay cả lương của người giúp việc thấp nhất cũng là 4 triệu đồng/tháng nhưng họ được “bao” đầy đủ từ miếng ăn, chỗ ở tại nơi làm việc. Tại TP.HCM, có khoảng 30% người lao động có mức thu nhập ở khoảng trên dưới 6 triệu đồng/tháng, còn lại thì phải có thu nhập cao hơn.
Mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng tại TP.HCM là mức lương tạm gọi là chấp nhận sống được của những nhân viên trẻ mới ra trường hoặc công nhân ở những vùng ven có sinh hoạt phí rất thấp của TP.HCM.
Tuy nhiên, mức này chỉ đủ gói ghém sinh hoạt phí hằng ngày chứ không phải đủ sống theo ý nghĩa là đầy đủ, tức phải có khoản dự phòng khi đau ốm, bệnh tật hoặc có tích lũy. Và mức thu nhập trên chỉ đủ cho người lao động sống một mình.
Nếu hai người trở lên cùng có mức thu nhập trên mà sống chung (hai vợ chồng chưa có con) thì sẽ dư ra một chút do tiết kiệm được những khoản chi tiêu chung. Nhưng thực tế thì số này không nhiều mà phần lớn là họ phải nuôi thêm những người không lao động được như vợ chồng phải nuôi con nhỏ, nuôi cha mẹ ở quê... nên đời sống của họ hết sức chật vật.
* Chị TRẦN THỊ TRANG (công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Mới đủ chi tiêu cơ bản Tôi là công nhân chính thức đã được bốn năm, đã được tăng bậc lương vài lần, nếu tính lương cơ bản làm giờ hành chính thì chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thu nhập của công nhân còn có cả lương do tăng ca (thường xuyên tăng ca đến 20h30 mỗi ngày), thưởng chuyên cần... nên tổng thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng trên 7 triệu đồng. Thu nhập của chồng tôi cũng khoảng 7 triệu đồng/tháng. Khi chưa có con, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm, hai vợ chồng cũng dành dụm được chút ít phòng khi đau ốm, bệnh tật hay gửi về biếu cha mẹ ở quê. Từ khi có con, nhất là từ khi có cháu thứ hai thì càng thêm chật vật, lương tháng nào đủ chi tháng đó, không bị thiếu hụt là mừng. Các khoản chi tiêu đều tiết kiệm đến mức tối đa để có tiền đóng học phí, tiền ăn, tiền gửi trẻ... cho hai con. Khi bản thân đau ốm, con phải đi viện dài ngày hoặc cha mẹ ở quê có việc gì thì tôi và chồng phải vay mượn tiền của người quen, bạn bè để trang trải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận