29/03/2019 11:14 GMT+7

Nước đen bốc mùi, kênh rạch ô nhiễm đổ về Bình Chánh

LÊ PHAN - VĂN BÌNH
LÊ PHAN - VĂN BÌNH

TTO - Nguồn nước bị ô nhiễm, các chất nguy hiểm trong nước có nồng độ vượt quá mức cho phép đe dọa sản xuất nông nghiệp khiến lãnh đạo UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) phải cầu cứu đến Sở Tài nguyên - môi trường TP.

Nước đen bốc mùi, kênh rạch ô nhiễm đổ về Bình Chánh - Ảnh 1.

Khu vực nước ô nhiễm chảy từ kênh T1 (Long An) ra kênh Ranh (giáp ranh Long An và TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN

Thực tế cho thấy ô nhiễm bắt nguồn từ chỗ kênh T1 giao với kênh Ranh - nơi giáp ranh TP.HCM và tỉnh Long An. Nơi đây tập trung hai khu công nghiệp (KCN) lớn là An Hạ (TP.HCM) và Hạnh Phúc (Long An). Ngoài hai KCN tập trung này, còn khoảng 300 công ty thuộc cụm công nghiệp tự phát Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ (Long An).

Nước đen ngòm, bốc mùi

Các KCN nói trên xả ra lượng nước thải lớn xuống kênh T1, chảy ra kênh Ranh rồi theo các kênh nhánh chảy về kênh An Hạ - nơi cung cấp nguồn nước để tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp ở nông trường Phạm Văn Hai, nông trường An Hạ và việc trồng trọt của người dân tại hai xã Phạm Văn Hai, Bình Lợi.

Tại cửa xả của nhà máy xử lý nước thải thuộc KCN Hạnh Phúc trên kênh T1, nước đen ngòm, bốc mùi và có dấu hiệu đặc lại. Nước này chảy ra kênh Ranh, bằng mắt thường có thể nhận thấy sự phân chia màu sắc rõ rệt giữa hai dòng nước khi hợp lưu.

Kể từ vị trí hai kênh này hợp lưu chạy ngược về cầu kênh Ranh nằm trên tỉnh lộ 10, nguồn nước chuyển hẳn sang màu đen, đặc quánh. Ngoài lượng nước của các KCN trên, hệ thống kênh rạch tại Bình Chánh còn hứng chịu nguồn xả từ 18 cơ sở sản xuất và hơn 2.220 hộ dân dọc kênh An Hạ, kênh Xáng Đứng với lưu lượng gần 2.000m3/ngày.

Ông Cao Mạnh Hoàn, cán bộ Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM - đơn vị quản lý và khai thác hai nông trường Phạm Văn Hai và An Hạ, cho biết những năm gần đây việc trồng trọt của nông trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chất lượng nguồn nước tưới tiêu bị giảm. 

Trước đây tại nông trường trồng được rất nhiều loại cây ăn trái như mít, thơm, bưởi... nhưng từ khi các KCN xuất hiện, các loại cây ăn quả không thể sinh trưởng được, nhiều cây lớn lên rồi trụi lá và chết khô.

"Do không thể trồng cây ăn quả, chúng tôi phải chuyển sang trồng tràm, keo để giữ đất cho thành phố và có nguồn thu mỗi năm" - ông Hoàn chia sẻ.

Kiến nghị Long An phối hợp xử lý

Bà Hồ Ngọc Hiếu, phó trưởng Phòng TN-MT  huyện Bình Chánh, cho biết phòng đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện có văn bản đề nghị Sở TN-MT chủ trì việc phối hợp với tỉnh Long An kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường tại địa bàn giáp ranh của TP.HCM và Long An. 

Trong thẩm quyền của huyện, năm 2018 UBND H.Bình Chánh đã ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường với mức phạt 15 triệu đồng. Đồng thời đề xuất cho UBND TP ban hành một quyết định xử phạt với mức phạt hơn 302 triệu đồng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, huyện đã xử phạt một trường hợp vi phạm về lĩnh vực môi trường với số tiền 24 triệu đồng.

Nước đen bốc mùi, kênh rạch ô nhiễm đổ về Bình Chánh - Ảnh 2.

Một góc con kênh ô nhiễm ở TP.HCM - Ảnh: TTO

Giữa tháng 3 này, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản kiến nghị lên các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức nạo vét, dọn lục bình, vớt rác trên kênh rạch, tạo sự thông thoáng để công tác giám sát các đơn vị xả thải ra môi trường được thuận lợi. Đồng thời kiến nghị Trung tâm quan trắc (thuộc Sở TN-MT) sớm đặt trạm quan trắc chất lượng nước tự động trên tuyến kênh An Hạ.

Về phía tỉnh Long An, ông Nguyễn Tân Thuấn, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh, cho biết tại KCN mới đã có hệ thống xử lý nước thải. Còn tại các công ty thuộc hai cụm công nghiệp tự phát Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ thì việc kiểm soát và xử lý xả thải vẫn còn sơ sài.

Mặt khác, dòng chảy của kênh T1 khá nhỏ nên vào mùa khô khả năng tự làm sạch thấp dẫn đến việc ô nhiễm cục bộ nước mặt tại đây. Dù dòng chảy nhỏ nhưng kênh T1 phải tiếp nhận nước thải của hơn 300 công ty, doanh nghiệp thuộc các KCN lân cận.

Sở TN-MT Long An đã kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND H.Đức Hòa cho lực lượng chuyên môn rà soát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị trong các cụm công nghiệp, KCN trên địa bàn.

Trong thời gian chờ hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cụm công nghiệp Đức Hòa Đông, Sở sẽ thường xuyên theo dõi và có đánh giá mức độ ô nhiễm để đề xuất tỉnh xử lý, nạo vét khơi thông dòng chảy kênh rạch. "Sở TN-MT Long An cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc TP.HCM để giải quyết vấn đề này, vì đây là địa bàn giáp ranh nên khá phức tạp" - ông Thuấn nói.

Nước kênh Ranh ô nhiễm nặng

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi, nguồn nước tại kênh Ranh - nơi giáp ranh TP.HCM và tỉnh Long An - có dấu hiệu ô nhiễm nặng.

Cụ thể, nước từ kênh T1 đổ vào kênh Ranh có váng dầu, rác và mùi hôi. Sau khi lấy mẫu nước phân tích cho ra kết quả nồng độ DO là 0,4mg/l (quy định tiêu chuẩn phải > hoặc = 4mg/l), nồng độ COD là 311mg/l (tiêu chuẩn 30mg/l), nồng độ TSS là 178mg/l (tiêu chuẩn 50mg/l).

LÊ PHAN - VĂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên