28/07/2004 15:02 GMT+7

NSND Trà Giang: "Hãy đam mê và nghiêm túc"

Theo ND
Theo ND

"Có nhiều tiêu chuẩn đặt ra cho ai đó muốn chọn diễn viên làm nghiệp, nhưng trên hết đó là sự quên mình cho sự nghiệp và tuyệt đối không đặt một thứ vật chất nào làm cái đích", NSND Trà Giang tâm sự.

7ckPTKCh.jpgPhóng to
NSND Trà Giang
"Có nhiều tiêu chuẩn đặt ra cho ai đó muốn chọn diễn viên làm nghiệp, nhưng trên hết đó là sự quên mình cho sự nghiệp và tuyệt đối không đặt một thứ vật chất nào làm cái đích", NSND Trà Giang tâm sự.

* Chị nhận xét gì về Trà Giang hiện tại ?

- Biết nói thế nào nhỉ? Tôi là người của ngày xưa và không muốn thức thời theo thời cuộc làm gì. Cả đời tôi sống vì nghiệp diễn và chưa bao giờ hối tiếc về điều ấy.

* Chị nghĩ sao nếu thế hệ diễn viên trẻ bây giờ xem chị là chuẩn của cả sắc đẹp và tài năng mà họ cố vươn tới?

- Ai cũng biết lao động nghệ thuật là một ngành khắc nghiệt. Nó đào thải người bất tài và trọng dụng người cống hiến nghiêm túc.

Sinh năm 1942, quê Quảng Ngãi, NSND Trà Giang tốt nghiệp khóa 1 lớp diễn viên Trường Ðiện ảnh VN. Vai diễn đầu tiên của bà với điện ảnh là chị Kiên trong phim Một ngày đầu thu.

Là một diễn viên chuyên nghiệp, trải qua ba mươi năm, Trà Giang đã tham gia diễn xuất 17 phim truyện nhựa, trong đó có những vai tiêu biểu như Chị Tư Hậu trong bộ phim truyện cùng tên (1962), Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), mẹ Thu trong Em bé Hà Nội (1974), Nhân trong Ngày lễ thánh (1976), Lan trong Mối tình đầu (1977), Hương trong Huyền thoại về người mẹ (1987) và vợ ba Ðề Thám trong Thủ lĩnh áo nâu (1987)...

NSND Trà Giang đã ba lần nhận giải Diễn viên xuất sắc tại LHP quốc tế Moscow (1973), tại LHP Việt Nam lần thứ tư (1977), tại LHP Việt Nam lần thứ tám (1988).

Thế hệ trẻ ngày nay không đủ thời gian và tính kiên nhẫn như ngày xưa chúng tôi đã từng. Ðó là lẽ tự nhiên của cuộc sống.

Ngày xưa, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc góp sức mình vào công cuộc giành độc lập mà thôi.

Còn ngày nay, trong công cuộc đổi mới và xây dựng, người diễn viên bị chi phối quá nhiều bởi mọi thứ chung quanh. Cô ấy cũng chẳng thể diễn tốt được khi vốn sống chỉ vỏn vẹn gói gọn trong bốn bức tường quét sơn, đầu óc thì chỉ nghĩ đến việc trở thành diễn viên hạng A như V.T., N.H, ... rồi sẽ có tất cả danh vọng, vật chất.

Tôi không trách cứ gì cuộc sống vì ở mỗi thời quan điểm, tư duy và giá trị quanh ta cũng có những thay đổi.

Vậy thì cớ gì Trà Giang lại được nhiều người ưu ái nhớ đến? Tôi cho rằng vì quá khứ oai hùng gian khổ đã qua là điểm son may mắn của tôi mà không dễ ai có được. Nếu các bạn diễn trẻ ngày nay sống như tôi ngày xưa thì tôi tin họ cũng sẽ làm được như thế.

* Chị đã xem bộ phim đầu tiên do tư nhân sản xuất Những cô gái chân dài chưa, và chị nghĩ gì về phim này?

- Nói thật là tôi không còn độ tuổi thích "xê dịch" ngoài phố nữa rồi. Tôi chỉ ở nhà, vẽ tranh, đọc báo, xem ti-vi, xem phim bằng đĩa do đứa cháu mua về. Tôi chưa xem Những cô gái chân dài nhưng đọc và nghe bàn luận khá nhiều về nó.

Tôi đánh giá cao cách lồng tiếng trực tiếp trong phim. Rồi công nghệ làm phim nước ta chắc chắn phải tiến bộ như nước bạn đã làm. Các vai diễn của tôi cũng đều do tôi tự lồng tiếng. Vì ngày xưa chưa có công nghệ lồng tiếng như hiện nay. Nhưng tôi lại thấy điều ấy quá hay vì chỉ có người diễn mới cảm được hết những gì vai diễn muốn chuyển tải. Người lồng tiếng chỉ làm công việc của họ thì sao có cảm xúc để thể hiện tất cả những gì cần diễn đạt. Nếu bộ phim mà bạn vừa nói làm được điều ấy thì dù gì đi nữa cũng là một tín hiệu hay.

* Chị nghĩ sao khi ai cũng nói thời buổi bây giờ sung sướng vậy mà sao rất hiếm những phim "xem được" như ngày xưa?

- Tôi đã nói rồi, chúng ta được cái này thì phải mất cái kia thôi. Bây giờ cái gì cũng có thì dĩ nhiên là phim khó có được cái chiều sâu, không mất mát, không khổ đau thật sự thì khó mà tưởng tượng ra khi thể hiện. Ngày xưa, bao nhiêu sự dồn nén được chúng tôi dồn tất cả vào trong phim ảnh, ít nhiều thì cái hồn vẫn thật hơn.

* Chị có lời khuyên bảo nào dành cho lớp diễn viên trẻ không?

- Mỗi người tự có cuộc sống riêng của mình, tự biết mình phải cống hiến cái gì, cho ai. Tôi sẽ không khuyên nhưng thấy tiếc cho một số cô gái trẻ, đẹp vì đôi lời khen tặng mà nghĩ rằng, con đường nghệ thuật, cụ thể là con đường diễn xuất là một vườn hoa rất đáng để bước vào để gặt hái mọi thứ. Dĩ nhiên là sớm muộn gì họ cũng nhận ra, vườn hoa ấy có nhiều gai hơn họ tưởng.

Tôi chỉ luôn muốn nhấn mạnh rằng: họ phải đam mê, phải nghiêm túc, phải có đạo đức thật sự thì hãy nghĩ đến việc dấn thân vào nghiệp diễn.

* Có tài năng trẻ nào chị đánh giá cao?

- Nhiều chứ. Họ lao động thật sự chứ. Ngọc Hiệp chẳng hạn, tôi thấy cô ấy trẻ và tài năng quá. Cô ấy giản dị đến mức... không tin được. Con người ngoài đời của Hiệp khác hẳn với nhân vật trong phim. Ðấy mới là diễn viên thực thụ. Vì họ biết hóa thân và khi diễn thì không còn biết mình là ai nữa.

* Ngoài khả năng diễn, NSND Trà Giang còn được thiên phú cho gì nữa?

- Thiên phú chỉ là một phần, chủ yếu do "ông xã" tôi phú. Giống như trong truyện cổ tích Tấm Cám. Tấm hóa thân thành những điều thật có ích thì nhà tôi đã hóa thành cây cọ cho tôi vẽ tranh. Ðó cũng là lối thoát khi tôi tưởng chừng như bế tắc sau ngày anh Ngọc nhà tôi mất. Tôi như trút được tất cả nỗi khắc khoải, sự ưu phiền, bao điều chưa nói hết vào trong tranh vẽ. Sau năm năm, tranh tôi giờ đã bán được và có cơ hội tái đầu tư cho sự nghiệp "non trẻ" của tôi.

Theo ND
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên