25/11/2004 00:01 GMT+7

Nỗi lòng giáo viên môn phụ

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Đổi mới phương pháp giảng dạy đang là yêu cầu bức bách trong bối cảnh “chấn hưng giáo dục” như hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn đối với các môn gọi là phụ vì nó giúp mục tiêu giáo dục toàn diện được thực hiện, mặc dù không dễ.

jRvkRJfy.jpgPhóng to
Một tiết dạy sinh động của GV Nguyễn Thị Vân ở lớp 67 Trường THCS Chu Văn An, Q.11
TT - Đổi mới phương pháp giảng dạy đang là yêu cầu bức bách trong bối cảnh “chấn hưng giáo dục” như hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn đối với các môn gọi là phụ vì nó giúp mục tiêu giáo dục toàn diện được thực hiện, mặc dù không dễ.

Cô Nguyễn Thị Vân - giáo viên (GV) môn địa lý Trường THCS Chu Văn An, Q.11 - liên tục đạt GV giỏi cấp quận, cấp TP với nhiều sáng kiến trong giảng dạy và vừa đoạt giải thưởng Võ Trường Toản (do Sở GD-ĐT TP.HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty Prudential Việt Nam bình chọn) năm 2004, tâm sự:

- Việc phân biệt môn chính - môn phụ là do tác động của xã hội chứ bản thân HS không có lỗi. Tuy nhiên, GV ai lại chẳng buồn khi phụ huynh, HS không những không quan tâm mà còn coi thường môn học mình phụ trách.

Tôi còn nhớ cách nay bảy, tám năm khi Sở GD-ĐT tổ chức thi HS giỏi THCS cấp TP, tôi được phân công bồi dưỡng HS giỏi. HS đăng ký ồ ạt đi học toán, lý, hóa, ngoại ngữ... trong khi môn địa của tôi không có lấy một em. Chẳng lẽ HS có khả năng mà không tạo điều kiện cho các em phát huy?

Thế là tôi phải đi gặp từng HS, phân tích rõ thiệt hơn rồi động viên các em vào đội tuyển. Mọi người có thể hình dung cảnh này không: đến giờ học (bồi dưỡng), trong khi những HS khác hồ hởi khoác vai nhau vào lớp thì phòng học bồi dưỡng môn địa trống trơn, cô giáo phải chạy khắp trường tìm HS.

Chưa hết, dạy bồi dưỡng được vài bữa có phụ huynh còn đến tận trường đưa đơn “xin thôi học” vì “môn này không cần thiết cho cháu, cháu phải dành thời gian cho những môn khác quan trọng hơn”. Tôi cố kiềm chế để không rớt nước mắt trước mặt phụ huynh...

* Rồi sau đó...?

- Nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ trăn trở tại sao lại có sự phân biệt môn chính - môn phụ một cách phũ phàng, bất hợp lý như vậy. Nửa đêm tôi cứ bật dậy thao thức mãi... Ông xã bắt gặp, mắng: “Em có điên không? Tại sao lại tự làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình như vậy? Nếu không dạy được thì chuyển nghề khác...”.

Nhưng tôi nghĩ công việc cũng như đường bơi vậy, luôn có những rào cản, nếu con người không có sức bền để vượt qua sẽ phải bị rớt lại. GV đóng vai trò quyết định đến kết quả học tập của HS và người GV phải làm cho HS thay đổi cách nhìn về môn phụ.

* Và cô đã thực hiện mục tiêu ấy như thế nào?

- Kiến thức môn địa khá bao quát và tổng hợp. Phải tạo ra một tiết học sinh động, vui tươi và nhẹ nhàng để thu hút sự chú ý của HS trước, sau đó mới tới cách truyền đạt nội dung kiến thức phong phú, dễ hiểu. Tôi đọc sách, nghiên cứu tài liệu và cả học hỏi từ những anh chị đồng nghiệp đi trước qua những tiết thao giảng, dự giờ để thực hiện mục đích đó.

Tôi làm “phiếu giao việc” cho HS chuẩn bị bài ở nhà trước. Vào lớp học, HS được tự khám phá, cùng trao đổi, tranh luận để giải quyết vấn đề. Như bài “Địa lý các châu lục”, HS sẽ được “đi du lịch”: một em đóng vai hướng dẫn viên, số HS còn lại sẽ đóng vai khách. Sau khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cảnh quan, môi trường, khí hậu... khách sẽ đặt câu hỏi. Cô giáo chỉ đóng vai trò định hướng, bổ sung mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi khơi gợi sự động não của HS, khơi gợi sự tìm tòi của HS bằng cách khuyến khích cộng thêm điểm. Ví dụ sau khi dạy bài “Nguồn lực phát triển kinh tế”, tôi đặt câu hỏi: “Ngoài những nguồn lực phát triển kinh tế chúng ta đã được học, còn có nguồn lực nào khác ? Ai nói đúng được cộng thêm 2 điểm”. Cũng có HS nghi ngờ: sách giáo khoa viết nguồn lực là điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, kể hết rồi!

Nhưng cũng có HS trả lời rất thông minh “còn nguồn lực con người”... Hai, ba năm trở lại đây báo chí nhắc nhiều đến cụm từ “đổi mới phương pháp giảng dạy”, tôi mới biết những biện pháp mình đã thực hiện từ nhiều năm nay là “đổi mới” (cười).

* Có bao giờ cô giao việc nhưng HS không làm vì coi thường môn phụ không?

- Nhiều chứ, nhưng tôi không tỏ ra tức giận, không la mắng HS mà nhẹ nhàng giải thích tại sao phải làm như thế, ích lợi của việc cô giáo yêu cầu là gì. Thuyết phục vẫn hiệu quả hơn áp đặt. Tôi không bao giờ nói với HS các em phải học để được điểm 10 mà học vì mỗi bài là một chuyến du lịch thú vị , không tốn tiền. Tôi truyền sự yêu thích của mình - cái “lửa” của mình cho HS để HS cũng yêu thích môn học như mình. Người ta nói GV đóng vai trò như nam châm cũng vì vậy.

* Nhưng cuối cùng cô có làm cho phụ huynh, HS thay đổi cách nhìn về môn phụ?

- HS cảm thấy thích thú khi học môn địa. Sáu năm trở lại đây, năm nào tôi cũng có hơn 10 HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp TP. Đã không còn cảnh đưa đơn xin không học môn địa như trước nữa. Nhưng địa lý vẫn là môn phụ - vì cơ cấu ngành nghề, vì cơ chế thi cử..., nguyên nhân ở tầm vĩ mô chứ không phải do GV.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên