21/05/2019 05:55 GMT+7

Nỗi lo mất an ninh từ vụ 'xác chết trong bêtông'

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Trong vụ án 'xác chết trong bêtông', mặc dù nhóm phụ nữ ở ngôi nhà suốt nhiều tháng với hành vi bất thường nhưng không bị phát hiện làm dấy lên nỗi lo về quản lý an ninh trật tự.

Nỗi lo mất an ninh từ vụ xác chết trong bêtông - Ảnh 1.

Căn nhà chứa xác chết trong bêtông được nhóm phụ nữ ở nhiều tháng, thường xuyên che bạt với biểu hiện bất thường nhưng không bị phát hiện - Ảnh: B.S.

Vấn đề phòng chống tội phạm, quản lý địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt tại những khu vực có đông người ở trọ, nhập cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Không đăng ký tạm trú

Nhắc tới vụ án phát hiện hai thi thể trong ngôi nhà tại ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, Bình Dương, nhiều người đặt câu hỏi việc quản lý địa bàn như thế nào mà suốt nhiều tháng các đối tượng hoạt động với các biểu hiện nghi vấn như tụ tập nhóm người, thường xuyên che bạt kín mít... nhưng không bị phát hiện, xử lý.

Thi thể hai nam giới bị để trong nhà cả tháng trời nhưng không ai hay biết, chỉ tới khi các đối tượng bỏ đi mới phát hiện.

Một nguồn tin cho hay nhóm phụ nữ gây án mặc dù ở trọ ngôi nhà này suốt nhiều tháng nhưng không hề làm thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông V. - chủ căn nhà nói trên - cho biết do ông xác định chỉ mua ngôi nhà này để đầu tư, có giao hẹn với nhóm người thuê sẽ lấy lại ngôi nhà bất cứ lúc nào nên không đi đăng ký tạm trú.

Một lãnh đạo UBND huyện Bàu Bàng cho rằng trong vụ việc này có trách nhiệm của cán bộ quản lý địa bàn là công an xã, tổ dân phố.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là tại Bình Dương nói chung và Bàu Bàng nói riêng tập trung rất đông người nhập cư, một công an khu vực phải quản lý cả địa bàn và số lượng hộ dân rất rộng nên khó tránh khỏi sơ sót.

Bản thân nhóm phụ nữ trong vụ án cũng đã có chủ đích lựa chọn những căn nhà có sự tách biệt, ở khu vực còn ít người ở và thường xuyên thay đổi địa điểm thuê trọ để tránh sự chú ý, phát hiện của lực lượng chức năng.

Tuy vậy, một cán bộ quản lý cũng cho rằng trong vụ án xảy ra tại Bàu Bàng, đáng lẽ vụ việc có thể phát hiện sớm hơn nếu lực lượng chức năng và người dân nâng cao cảnh giác.

Cụ thể, hàng xóm đã thấy biểu hiện bất thường khi họ tới trò chuyện nhưng nhóm người thuê nhà luôn né mặt, trả lời không thống nhất.

Người chủ nhà mặc dù thấy nhà bị che bạt liên tục, suốt nhiều tháng không liên lạc được với nhóm thuê trọ, có thời điểm chủ nhà tới xem nhà phải leo qua hàng rào vào khuôn viên sân nhà... nhưng cũng không sinh nghi, không trình báo cho cơ quan có thẩm quyền.

127

Số liệu thống kê của Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho thấy trong vòng ba năm (2014-2016) trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 700 vụ giết người và cố ý gây thương tích, khiến 127 người thiệt mạng (71% là do mâu thuẫn nhỏ và thù hằn tức thời; 12,5% do ghen tuông tình ái...).

Phát huy vai trò cộng đồng

Thượng tá Hà Văn Thanh - nguyên phó trưởng phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Bình Dương - cho rằng qua vụ án tại Bàu Bàng cho thấy bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ cơ sở, góc độ quản lý nhà nước cần có những giải pháp để phát huy vai trò của người dân, cộng đồng trong phòng chống tội phạm.

Theo thượng tá Thanh, với đặc thù các địa phương có đông người nhập cư như Bình Dương thì áp lực quản lý là rất lớn. Một cảnh sát khu vực có thể phải quản lý hơn 1.000 hộ dân, đó là chưa kể số người tạm trú.

Cá biệt phường nào có khu công nghiệp có thể có tới hơn 100.000 dân. Vì vậy, để đảm bảo an ninh trật tự còn cần phát huy vai trò của cán bộ cơ sở, trong đó có những lực lượng như tổ trưởng dân phố, các câu lạc bộ phòng chống tội phạm...

"Thực tế vừa qua xảy ra một số vụ án nghiêm trọng, nhưng với sự phối hợp của cơ sở, quần chúng thì vụ án được khám phá nhanh. Việc bắt giữ được nhóm 4 phụ nữ trong vụ án tại Bàu Bàng cũng là nhờ người dân đã cảnh giác và báo tin cho công an" - thượng tá Thanh nói.

Thượng tá Thanh cũng cho biết thêm tại Bình Dương, để tăng cường an ninh trật tự tại các khu vực nhà máy, xí nghiệp, cơ quan chức năng, đoàn thể đã gây dựng nhiều mô hình như các đội tự quản trong nhà máy, các câu lạc bộ chủ nhà trọ, câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại các phường (còn gọi là "hiệp sĩ")...

Ngân sách tỉnh cũng có nhiều khoản hỗ trợ để các cán bộ tổ dân phố, các mô hình giữ gìn an ninh trật tự trong nhà máy, nhà trọ... duy trì hoạt động.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Liêm - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - khẳng định trước những diễn biến các vụ án nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung lực lượng phá án.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường trách nhiệm, đồng thời tiếp tục phát huy các mô hình đang hiệu quả như các câu lạc bộ chủ nhà trọ, câu lạc bộ phòng chống tội phạm... để giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên