25/04/2019 10:17 GMT+7

Nỗi đau ‘ngáo đá’

RA NY
RA NY

TTO - Chừng 4 năm trước, hai chữ "ngáo đá" đối với tôi và nhiều người còn chưa thật sự đáng sợ. Nhưng bây giờ, không ít vụ giết người dã man có nguyên nhân "do hung thủ ngáo đá" khiến đời sống thêm bất an.

Nỗi đau ‘ngáo đá’ - Ảnh 1.

Một đối tượng "ngáo đá" cầm dao tự gí vào cổ mình bị công an khống chế - Ảnh: TTO

Mới hôm trước, báo đài đưa tin một thanh niên nghi "ngáo đá" đã lấy dao sát hại mẹ ruột ở Bình Chánh (TP.HCM), sau đó suýt chút nữa đã gây thêm án mạng cho một gia đình khác cũng ngụ cùng xã. May mà gia đình này nghe tiếng tri hô "có người ngáo đá" nên đã nhanh chóng đóng cửa chính ngăn không cho hung thủ vào nhà.

Nhiều vụ việc quá thương tâm

Trước đó, ngày 11-3 tại Hóc Môn, một thanh niên 26 tuổi trong cơn "ngáo đá" đã chém chết 4 người, trong đó có ba người là ruột thịt là cha mẹ và bà nội. Vụ án gây cho tôi nỗi ám ảnh không chỉ bởi tính chất man rợ, mà còn vì nỗi xót thương người mẹ chết đau đớn trong vụ này.

Nhà của nam thanh niên "ngáo đá" kể trên chỉ cách nhà tôi chưa tới 1 km. Bà H. - mẹ của nghịch tử này - vẫn ngày ngày tảo tần bán cửa hàng quần áo giày dép be bé tại nhà, rồi thêm món cánh gà chiên gần đây để có thêm thu nhập. Cuối tuần về nhà, tôi cũng hay chở mẹ ra mua đồ, nghe người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé tỉ tê đủ chuyện. Nhưng tôi đâu ngờ kết cục của gia đình ấy như hôm nay.

Nay thì căn nhà, cửa tiệm của người mẹ tội nghiệp đóng cửa im ỉm. Ai đi ngang biết chuyện cũng buông tiếng thở dài cám cảnh. Còn người chị của nam thanh niên giờ đây có lẽ đau đớn tột cùng trước bi kịch gia đình. Mà trước đó, chị - và thanh niên "ngáo đá" - cũng chịu một bi kịch khác: cha mẹ "thôi" nhau. Cha theo lời kể của người thân là có nhiều vợ.

Những vụ việc thương tâm do thủ phạm "ngáo đá" không còn là chuyện hiếm nữa. Hồi tháng 2, một người đàn ông là cán bộ ngân hàng nghi "ngáo đá" ở Nghệ An cũng đã chém chết cha ruột và khiến mẹ ruột bị thương. Vợ và đứa con 3 tuổi của người đàn ông này may mắn chạy thoát.

Không những gây hại cho chính gia đình, "ngáo đá" còn là mối đe dọa cho tất cả chúng ta. Đà Lạt mộng mơ hồi tháng trước cũng có thanh niên "ngáo đá" lái xe tông hàng loạt phương tiện trên đường, gây cho không ít người sự hoảng sợ. Tây Ninh cũng tháng trước có thanh niên "ngáo đá" chém gục người trong cửa hàng điện thoại.

Cách nào ngăn chặn?

Chúng ta đang đối diện tình trạng nhiều người nghiện ma túy, ma túy tổng hợp gây ra những bi kịch gia đình và khiến cộng đồng bất an. Nhưng để điều này không tái diễn hoặc hạn chế tối đa sao mà quá khó.

Theo số liệu Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, 14 năm trước, mỗi năm trung tâm chỉ nhận 1-2 trường hợp cai nghiện ma túy tổng hợp, nhưng nay mỗi năm là trên 600 trường hợp. Tại các cơ sở khác, số người nghiện ma túy tổng hợp cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Gia đình có người "đập đá" đôi khi không biết người thân của mình nghiện. Bản thân người nghiện ban đầu do bị lôi kéo hoặc chơi "đá" để giải tỏa phiền muộn, chứng tỏ bản lĩnh... cũng không ý thức được tác hại lâu dài của nó. Ma túy tổng hợp khiến người dùng lâu dài bị ảo giác, hoang tưởng, thậm chí nghĩ rằng đang bị truy sát, dễ kích động. Hậu quả thương tâm xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nỗi đau ‘ngáo đá’ - Ảnh 2.

Lô ma túy bị bắt ở TP. HCM - Ảnh: TTO

Điều đáng nói, việc mua ma túy tổng hợp, "làm quen" với chất độc này cũng không phải là khó. Ma túy tổng hợp từ nguồn bạn bè, các tụ điểm ăn chơi, chưa kể sống trong môi trường có người nghiện cũng rất dễ bị lôi kéo. Rồi chuyện cai nghiện, tái nghiện, sự bất lực của gia đình trong việc theo sát con mình... càng khiến cho tỉ lệ cai nghiện ma túy tổng hợp khó mà giảm đi.

Thử tưởng tượng một ngày nào đó, chúng ta đang vui tươi yêu đời bước ra đường bỗng gặp cảnh "ngáo đá". Một gia đình nào đó đang yên ấm bỗng hứng chịu bi kịch từ những kẻ "ngáo đá", đau xót biết chừng nào.

Vậy thì, các gia đình từ nay xin hãy quan tâm, để ý con độ tuổi thành niên chặt chẽ hơn. Cơ quan chức năng mong hãy làm đúng chức trách, nỗ lực ngăn chặn ma túy tổng hợp để chất độc này không còn đe doạ cuộc sống của biết bao nhiêu người.

Giờ đây, ra đường bên cạnh việc sợ tai nạn, sợ mâu thuẫn với người khác dẫn đến xô xát, còn một nỗi sợ: gặp phải "ngáo đá".

Lần đầu tiên Việt Nam có phác đồ điều trị bệnh nhân... Lần đầu tiên Việt Nam có phác đồ điều trị bệnh nhân... 'ngáo đá'

TTO - Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp, trong bối cảnh liên tiếp nhiều vụ trọng án do người dùng ma túy đá bị hoang tưởng gây ra thời gian gần đây. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có phác đồ này.

RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên