31/08/2015 11:16 GMT+7

Nỗi ám ảnh mang tên hộ khẩu của người nhập cư

XUÂN LONG - HỮU KHÁ - D.N.HÀ
XUÂN LONG - HỮU KHÁ - D.N.HÀ

TT - Chuyện hộ khẩu trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân bởi tại nhiều thành phố lớn, hộ khẩu vẫn là thứ giấy tờ người dân bị yêu cầu đầu tiên.

>> Không có hộ khẩu bị xem là công dân hạng hai

Dù Luật cư trú năm 2006 nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nhưng thực tế hàng chục thủ tục hành chính vẫn đang “ăn theo” hộ khẩu, là trở ngại cho cuộc sống của người dân nhập cư.

Bị làm khó vì không có hộ khẩu Hà Nội

Chia sẻ về việc bị làm khó vì không có hộ khẩu Hà Nội, anh Nguyễn Phú, công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội, cho biết cuối năm 2014 anh quyết định chuyển đổi hình thức thanh toán cước điện thoại từ trả trước sang trả sau, nhưng phải nhờ người khác đứng tên vì không có hộ khẩu Hà Nội.

“Khi quyết định đăng ký gói cước trả sau dành cho nhà báo, nhân viên đại lý Viettel có trụ sở trên đường Văn Cao (Ba Đình) yêu cầu phải có hộ khẩu Hà Nội.

Vì hộ khẩu thường trú của tôi tại Thái Nguyên nên phải nhờ một chị cùng cơ quan có hộ khẩu Hà Nội đứng tên đăng ký, giờ hằng tháng phải trả tiền qua tên chị ấy” - anh Phú cho hay.

Theo tìm hiểu, với quy trình về cấp điện, mắc côngtơ tại Hà Nội, trường hợp hộ dân đề nghị cấp điện sinh hoạt, ngoài đơn đề nghị, quy định của ngành điện Hà Nội vẫn yêu cầu có hộ khẩu thường trú hoặc các giấy tờ khác kèm theo.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Điện lực huyện Thanh Trì (Hà Nội), quy trình về cấp điện có yêu cầu về sổ hộ khẩu nhưng cũng nêu rõ nhiều loại giấy tờ khác vẫn có giá trị tương đương và đều được giải quyết như nhau.

“Hộ khẩu thường trú không phải là giấy tờ quy định bắt buộc phải có khi đề nghị cấp điện, mắc côngtơ.

Trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn có nhiều trường hợp chưa có hộ khẩu vẫn được ký hợp đồng cấp điện, mắc côngtơ vì họ có một trong năm giấy tờ khác được quy định trong quy trình cấp điện thì vẫn được giải quyết mắc côngtơ” - ông Sơn nói.

Tương tự, với quy trình thủ tục về cấp nước sạch sinh hoạt, lắp đặt đồng hồ nước, dù không quy định bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú mới được cấp nước nhưng quy định về lắp đặt đồng hồ cấp nước vẫn nhắc đến những giấy tờ như hộ khẩu thường trú.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bảo Vinh - tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội - khẳng định quy trình, thủ tục cấp nước sạch cho các hộ dân hiện nay không bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú.

“Các đơn vị cấp nước sạch toàn thành phố thực hiện theo một quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp hộ khẩu thường trú hoặc có giấy xác nhận tạm trú của cơ quan công an, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất... đều được giải quyết ký hợp đồng cấp nước” - ông Vinh cho hay.

Đà Nẵng: nhiều việc vẫn còn đòi hộ khẩu

Tại TP Đà Nẵng, rất nhiều thủ tục hành chính khi giải quyết cho công dân vẫn còn yêu cầu phải có hộ khẩu.

Các thủ tục liên quan đến việc cấp nước, cấp điện đối với hộ gia đình sống riêng lẻ trong một căn nhà thì khi giải quyết thủ tục đăng ký xin cấp điện, nước không cần hộ khẩu.

Tuy nhiên, ví dụ như trường hợp một gia đình có ba cặp vợ chồng cùng con cái với 15 người sinh sống trong một ngôi nhà, giờ muốn tách ra để xin cấp điện nước để được hưởng định mức ưu đãi thì khi làm thủ tục buộc phải có ba hộ khẩu mới được hưởng định mức, không có hộ khẩu thì không thực hiện được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Xuân Thuận - phó giám đốc Điện lực Đà Nẵng - cho biết theo quy định thì một hộ gia đình mà trong hộ khẩu có một người cũng được hưởng định mức giống như gia đình có 15 người bởi đó là quy định chung.

Còn nói trường hợp hộ gia đình đông khẩu, giờ muốn tách ra để xin được hưởng định mức thì phải tách hộ khẩu, khi có hộ khẩu riêng mới được hưởng định mức.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ thì hiện tại Đà Nẵng đã cải cách để giảm bớt phiền hà, tốn kém cho người dân bằng cách khi công dân đến làm giấy tờ không cần phải nộp kèm hộ khẩu gốc hoặc hộ khẩu bản sao có công chứng mà chỉ cần một bản photo để đối chiếu.

Quy định chỉ cần nộp bản photo đã giảm được cho dân rất nhiều thời gian, tiền bạc. Theo vị lãnh đạo này, hiện nhiều thủ tục khi giải quyết đòi phải có hộ khẩu của công dân là để xác minh công dân đang ở tại đó chứ hiện chưa có phương pháp nào khác.

Kết quả nghiên cứu về

* Ông TRẦN ANH TUẤN (người dân P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Ám ảnh sổ hộ khẩu

Tôi sống và làm việc tại TP.HCM gần 20 năm. Ban đầu tôi ở trọ nhiều nơi nên không đăng ký được hộ khẩu thường trú, cũng không làm được sổ đăng ký tạm trú dài hạn.

Mỗi khi có việc gì cần có xác nhận của chính quyền địa phương thì phải gửi hồ sơ về quê, nếu làm đơn cam kết cần phải có xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương nơi thường trú thì tôi phải xin nghỉ phép để về quê chứng giấy.

Vừa tốn kém vừa mất thời gian nên không ít lần tôi ngậm ngùi chấp nhận cơ hội có học bổng, cơ hội có việc làm tốt hơn... vuột khỏi tay mình vì giấy tờ không làm kịp.

Đến khi có gia đình, có con thì chuyện có hộ khẩu ở TP trở nên bức thiết hơn một bậc vì chuyện học hành của con cái...

Vì vậy nên việc có hộ khẩu ở thành phố là một trong những tiêu chí phấn đấu của gia đình tôi và những bạn bè cùng cảnh ngộ bên cạnh các lo toan bình thường khác.

Chính vì có quá nhiều cơ quan, nhiều thủ tục yêu cầu có bản sao sổ hộ khẩu nên nhiều người dân cũng xài theo quán tính mà không cần biết hồ sơ có cần bản sao sổ hộ khẩu hay không.

Người dân gửi đơn khiếu nại, đơn kiến nghị, kêu cứu, cứu xét... cũng kèm theo bản sao sổ hộ khẩu, nộp đơn khởi kiện ở tòa án cũng kèm sổ hộ khẩu.

Trong nhà tôi lúc nào cũng có một vài bản sao y sổ hộ khẩu do mẹ tôi cẩn thận làm dư phòng khi cần đến bất ngờ vào ngày nghỉ không đi sao y được.

* Ông HOÀNG MẠNH THẮNG (trưởng Phòng công chứng số 7, TP.HCM):

Nên bỏ hộ khẩu thường trú trên giấy chứng nhận

Theo tôi, cơ quan nhà nước nên rà soát lại các thủ tục hành chính về nhà đất có liên quan.

Nguồn cơn của việc sính sổ hộ khẩu trong cấp giấy chứng nhận liên quan đến nhà đất là việc trên giấy chứng nhận có ghi địa chỉ thường trú của người sở hữu nhà, người sử dụng đất.

Tôi nghĩ chỉ cần ghi số chứng minh nhân dân lên đó là đủ. Nếu không cần địa chỉ thường trú thì các thủ tục liên quan cũng không nhất thiết phải nộp kèm bản sao hộ khẩu. Như vậy dần dần thay đổi được tư duy sính hộ khẩu trong các thủ tục thuộc lĩnh vực này.

* Ông NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG (phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Thủ tục không cần nhưng dân cũng nộp bản sao sổ hộ khẩu

Trong lĩnh vực nhà, đất, một số thủ tục quy định phải nộp bản sao sổ hộ khẩu, những thủ tục khác thì không nhưng người dân vẫn nộp theo thói quen.

Trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng thì không yêu cầu bản sao sổ hộ khẩu. Tôi ký hồ sơ giấy phép xây dựng vẫn gặp những hồ sơ có bản sao sổ hộ khẩu, không biết để làm gì.

Điều này có hai nguyên nhân: một là người dân nộp hồ sơ theo thói quen, cứ đem theo bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu cho chắc ăn.

Hai là cán bộ tiếp nhận hồ sơ không nắm vững nguyên tắc nộp hồ sơ hành chính: chỉ nhận đúng, đủ những loại giấy tờ mà thủ tục yêu cầu, những giấy tờ không cần thiết phải trả lại cho dân. 

XUÂN LONG - HỮU KHÁ - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên