GS Yonath là người phụ nữ châu Á đầu tiên đạt giải Nobel lĩnh vực khoa học - Ảnh: Royal Society of Chemistry
Ada E.Yonath là nữ giáo sư khoa học đầy tài năng người Israel. Năm 2009, bà trở thành người phụ nữ thứ tư giành giải Nobel hóa học, đồng thời là phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Nobel trong lĩnh vực khoa học.
Con đường đến với thành công của Yonath có thể gói gọn trong hai từ: tò mò và đam mê.
Để trở thành nhà khoa học giỏi, thứ nhất hãy tò mò, thứ hai tò mò hơn, thứ ba tò mò hơn nữa, thứ tư là đam mê".
Giáo sư Ada E.Yonath
Người thầy đầu tiên
Theo trang The Conversation, khi mới 5 tuổi, cô bé Ada E.Yonath đã muốn biết mọi thứ xung quanh và hay thắc mắc về những điều thường nhật, chẳng hạn như chiều cao từ sàn nhà đến nóc nhà là bao nhiêu.
Để tìm câu trả lời, Yonath thậm chí còn xếp chồng bàn ghế để leo thật cao rồi đứng thẳng người vươn tay để đo đếm. Trong một lần "thực nghiệm", Yonath không may bị té gãy tay.
Từ nhỏ, Yonath đã là một cô bé tò mò, thích khám phá - Ảnh: NPR
Khi đi mẫu giáo, cô giáo của Yonath nhận xét cô bé thông minh hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Cô giáo tìm đến nhà Yonath cố gắng thuyết phục gia đình cho cô bé học ở trường có điều kiện tốt hơn khi vào tiểu học.
Tuy nhiên, đường đến trường lúc bấy giờ rất gian nan, dài gần 10km và phải đi bằng xe buýt. Đồng thời, những năm sau Thế chiến thứ 2 cũng là thời gian người dân Ả Rập và Do Thái đang bất hòa nên thường xảy ra những vụ bạo loạn do người dân ném đá vào xe buýt.
Vì an toàn của con, gia đình Yonath không cho bà đi học xa.
"Thế là cô giáo nghĩ cách giúp tôi. Cô tập hợp thêm một vài bạn thông minh khác dạy cho chúng tôi những kiến thức tiểu học. Ban ngày chúng tôi vẫn sinh hoạt vui chơi nhưng buổi chiều khi các bạn về nghỉ thì bọn tôi lại học đọc và viết", Yonath kể.
"Dù không học nhiều nhưng đủ để có kiến thức căn bản và đến cuối năm tôi được đặt cách học lên thẳng lớp 2", bà thêm.
Sau này, Yonath và gia đình chuyển tới sống tại Tel Aviv, Israel. Nơi đây, bà được học tại một trong những trường trung học tốt nhất và được nhận học bổng toàn phần trong những năm phổ thông.
Những quyển sách thay đổi cuộc đời
GS Yonath khi công tác tại Viện Khoa học Weizmann - Ảnh: NPR
Cha Yonath là giáo sĩ Do Thái, do đó phần lớn sách vở trong nhà là về tôn giáo. May mắn cho Yonath, do nhà gần trường nên bà có điều kiện tiếp xúc với sách từ nhỏ, từ đó nuôi dưỡng thêm tinh thần học hỏi điều mới lạ trong bà.
Năm 11 tuổi, cha của Yonath mất. Trong lúc suy sụp tinh thần, Yonath lại càng đắm chìm vào thế giới sách. Cùng lúc đó, bà trở thành thủ thư của trường và phụ trách phòng đọc sách.
"Làm thủ thư nhưng việc làm chính của tôi trong ngày chính là đọc sách", Yonath chia sẻ.
Như nhiều nhà khoa học khác, Yonath bắt gặp những cuốn sách thay đổi cuộc đời, cụ thể là cuốn Những nhà khám phá thế giới.
Cuốn sách này khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của những nhà khoa học nổi tiếng, trong đó có người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Marie Curie. Cuốn sách đã mở ra niềm đam mê đọc sách khoa học của cô học sinh nhỏ tuổi.
Nhà nghèo lại mất đi người đàn ông trụ cột, Yonath phải làm lụng vất vả từ khi còn là học sinh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vào những kì nghỉ hè, bà làm công việc quét dọn, làm công nhân tại các nhà máy, làm bánh trong nhà hàng và nhiều việc khác.
Ngay cả căn nhà của bà cũng phải chia nhỏ ra cho thuê, 3 mẹ con bà chỉ sống trong một gian phòng nhỏ để có thêm tiền sinh hoạt.
'Khoa học khó như leo đỉnh Everest'
GS Yonath nhận giải Nobel hóa học năm 2009 cho những phát hiện quý báu về ribosome - Ảnh: Getty Images
Nhờ đam mê và nỗ lực, Yonath tốt nghiệp cử nhân và cao học về sinh hóa tại ĐH Hebrew ở Jerusalem, lấy bằng tiến sĩ tinh thể học tia X tại Viện Khoa học Weizmann, Israel năm 1968.
Theo trang Britannica, sau này Yonath nhận thêm một số bằng tiến sĩ của một số trường ĐH khác ở Mỹ.
Năm 2009, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Hóa học cho Ada E. Yonath cùng hai nhà khoa học Mỹ Venkatraman Ramakrishnan và Thomas A.Steitz vì những nghiên cứu nhiều ứng dụng thực tế về cơ cấu và chức năng của ribosome.
Cả ba cùng sử dụng phương pháp tinh thể học tia X, vẽ nên sơ đồ vị trí của hàng trăm ngàn nguyên tử hình thành nên ribosome.
Kết quả tạo cơ sở cho nhận thức khoa học mới của sự sống về mặt lý thuyết, từ đó giúp nghiên cứu bào chế các loại kháng sinh mới. Nhiều loại kháng sinh hiện nay trị bệnh bằng cách ngăn cản chức năng hoạt động của ribosome nhiễm khuẩn. Không có sự hoạt động của ribosome, vi khuẩn không thể tồn tại.
Yonath chia sẻ để trở thành nhà khoa học giỏi, bí quyết là: thứ nhất tò mò, thứ hai tò mò hơn, thứ ba tò mò hơn nữa, thứ tư là đam mê.
"Đam mê sẽ để giúp bạn vượt qua những giai đoạn sự nghiệp khó khăn. Những khó khăn của người làm khoa học giống như leo lên đỉnh Everest", Yonath chia sẻ trên trang web của tổ chức UNESCO.
"Tuy nhiên khi bạn tò mò và đam mê, bạn sẽ thu nhận được nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng cảm nhận được.
Chẳng hạn, bạn là người đầu tiên trên thế giới nhìn thấy cấu trúc của ribosome, rõ ràng rất tuyệt vời đúng không? Do đó, nếu bạn có đam mê, hãy nghĩ về những cảm giác tuyệt vời ấy mà tiếp tục nghiên cứu khoa học, rồi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng", Yonath nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận